Cơn bão số 12 đi qua, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa chịu thiệt hại nặng nề. Nhưng với tinh thần chủ động khắc phục, các doanh nghiệp đang cố gắng đứng dậy để sớm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp
Ngày 7-11, ông Trần Sơn Hải – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa đã đến nắm tình hình thiệt hại và chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp gồm: Khu du lịch Vinpearl, Khu du lịch Merperle Hòn Tằm, Khu du lịch Diamond Bay, Nhà máy thuốc lá Khatoco, Công ty Yến Sào Khánh Hòa, Nhà máy tàu biển Huyndai Vinashin (HVS), Xí nghiệp may Khatoco.
Tại các doanh nghiệp, ông Trần Sơn Hải đánh giá cao sự chủ động của các doanh nghiệp trong công tác phòng chống cơn bão số 12. Một điều đáng ghi nhận là các doanh nghiệp đều có số lượng người lao động lớn, với doanh nghiệp du lịch còn phải phục vụ thêm lượng khách lưu trú, nhưng đã không để xảy ra thiệt hại về người. Còn đối với tài sản, thiệt hại của các doanh nghiệp đều rất lớn.
Tại Xí nghiệp may Khatoco, toàn bộ diện tích 10.000 m2 của 2 nhà xưởng đều bị tốc mái hoàn toàn, thiệt hại khoảng 12 tỷ đồng. Thiệt hại về nguyên vật liệu, phụ kiện may ước khoảng 20 tỷ đồng, có 1.500 máy của 14 dây chuyền sản xuất bị hư hỏng. Theo ông Lê Văn Hùng – Giám đốc Xí nghiệp may Khatoco, công tác khắc phục hậu quả dự kiến mất 45 ngày. “Hiện chúng tôi đang có một số đơn hàng xuất khẩu, nhưng tình hình thiệt hại như thế này khó có thể hoàn thành được. Điều đáng quan tâm là việc 1.100 công nhân của xí nghiệp phải nghỉ việc tạm thời trong một thời gian dài nên chưa biết giải quyết chế độ thế nào”, ông Hùng nói.
Tại Nhà máy thuốc lá Khatoco, các nhà xưởng, kho chứa nguyên liệu đều trong cảnh ngổn ngang. Ông Nguyễn Đình Hương – Phó Giám đốc Tổng Công ty Khánh Việt cho biết, trong con bão vừa qua, các đơn vị của Tổng công ty đều bị thiệt hại nặng. Riêng tại Nhà máy thuốc lá Khatoco có 3.000 m2 mái tôn bị tốc, hàng hóa, nguyên liệu bị ướt, thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng.
Khu du lịch Merperle Hòn Tằm cũng bị thiệt hại nặng về bờ kè chắn sóng, một số căn villa bị tốc mái, hư hỏng nặng… ước tính thiệt hại khoảng 47,7 tỷ đồng. Còn Khu du lịch Diamond Bay cũng có nhiều hạng mục bị thiệt hại nghiêm trọng, ước tính tổng thiệt hại khoảng 25,1 tỷ đồng. HVS cũng là một doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng. Một số cần cẩu có giá trị lớn bị hư hỏng, mái tôn của các nhà xưởng bị bay, một số đoạn tường rào bị đổ. Đến ngày 7-11, toàn nhà máy vẫn chưa có điện, hệ thống thông tin liên lạc bị đình trệ.
Ông Trần Sơn Hải đã chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, đồng thời đề nghị lãnh đạo doanh nghiệp lập hồ sơ thiệt hại song song với việc khắc phục hậu quả thiên tai. Ông cũng đề nghị doanh nghiệp cần liên hệ ngay với ngành thuế để được hướng dẫn cụ thể trình tự thủ tục lập hồ sơ thiệt hại nhằm được hưởng các chính sách miễn, giảm thuế theo quy định của Nhà nước. Các doanh nghiệp có gói vay ngân hàng cần liên hệ với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khánh Hòa để được hướng dẫn làm thủ tục giảm nợ, giãn thời gian trả nợ. Ông Trần Sơn Hải cũng đã trực tiếp liên hệ với các cơ quan chức năng để giải quyết việc cấp điện cho HVS; cấp visa cho 16 chuyên gia Hàn Quốc sang sửa chữa cho nhà máy. Đồng thời chỉ đạo các ngành liên quan có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc giải quyết chế độ cho công nhân Xí nghiệp may Khatoco.
Đứng dậy sau bão
Theo ông Nguyễn Anh Hùng – Tổng Giám đốc Công ty Yến Sào Khánh Hòa, ngay sau khi bão đi qua, công ty đã kiểm tra, đánh giá tình hình hình thiệt hại và chỉ đạo các đơn vị huy động lực lượng khẩn trương khắc phục hậu quả, tiến hành dọn dẹp vệ sinh các khu vực bị ảnh hưởng. Tại các đảo, tiến hành căng che bạt tạm các nhà ở của công nhân, ổn định đời sống và chế độ trực gác trên đảo. Mặc dù chịu những thiệt hại do cơn bão số 12, nhưng công ty vẫn quyết tâm thực hiện tốt việc chăm lo đời sống người lao động. Bên cạnh đó, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ nộp ngân sách nhà nước giao.
Nhà máy thuốc lá Khatoco và Xí nghiệp may Khatoco cũng đã huy động cán bộ, công nhân viên, người lao động dọn dẹp các đống đổ nát, vệ sinh môi trường và từng bước sửa chữa, khắc phục thiệt hại. “Những ngày này, chúng tôi bố trí luân phiên công nhân để luôn đảm bảo có 150 người ở xí nghiệp thực hiện việc dọn dẹp hậu quả do bão để lại. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã làm việc với các đơn vị sửa chữa nhà xưởng, máy móc để sớm thực hiện việc khắc phục”, ông Lê Văn Hùng cho biết.
HVS đã mời đoàn chuyên gia Hàn Quốc sang để sửa chữa các cần cẩu bị hư hỏng. Dự kiến, đến trưa 8-11, khu vực HVS sẽ có điện trở lại, vì thế nhà máy đã thực hiện việc khắc phục trạm biến áp để khi có điện sẽ bắt tay ngay vào việc sửa chữa, khắc phục. Một phương án khác cũng được lãnh đạo nhà máy tính đến là thuê 2 cần cẩu có tải trọng 800 tấn/cẩu từ Singapore để đảm bảo hoạt động sản xuất trong thời gian sửa chữa các cần cẩu bị hư hỏng.
Đến ngày 7-11, Khu du lịch Vinpearl đã cơ bản hoàn thành việc khắc phục các hạng mục công trình bị hư hỏng, cây xanh bị gãy đổ. Còn Khu du lịch Merperle Hòn Tằm cũng vừa thực hiện việc khắc phục hậu quả, vừa thực hiện việc đón khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng. Khu du lịch Diamond Bay nhờ có phương án chuẩn bị tốt nên dù bị thiệt hại nặng, nhưng cũng không tác động nhiều đến hoạt động phục khách trước, trong và sau bão. Hiện tại, khách lưu trú tại khu du lịch vẫn ổn định, việc đón khách diễn ra bình thường.
Trước nỗ lực khắc phục hậu quả của các doanh nghiệp, ông Trần Sơn Hải cho rằng đây chính là minh chứng cho sự chung tay của các doanh nghiệp với tỉnh để vượt qua giai đoạn khó khăn. Ông mong muốn, các doanh nghiệp xem xét trong khả năng của mình để có những hỗ trợ thiết thực đối với công nhân viên, người lao động có gia đình bị thiệt hại trong cơn bão. Cùng với đó, mong các doanh nghiệp sớm hoàn thành việc khắc phục hậu quả để đi vào hoạt động, qua đó ổn định việc làm, đời sống cho người lao động.
Giang Đình
Theo: Báo Khánh Hòa