Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
Đối mặt với nhiều khó khăn
Đại dịch Covid-19 bùng phát trong những tháng vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ đời sống, kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN bị đình trệ, thua lỗ…; không ít đơn vị sản xuất phải tạm dừng hoạt động, đóng cửa, rút khỏi thị trường. Tổng cầu giảm mạnh khiến cho các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng đều sụt giảm, kéo theo doanh thu của DN giảm mạnh. Dòng tiền vào bị thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến gặp khó khăn trong trang trải các khoản chi phí để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ; lưu thông hàng hóa gặp khó khăn…
Theo ông Nguyễn Văn Dư, thành viên Ban Giám đốc Hải Vương Group, để bảo đảm đơn hàng và không bị đứt gãy chuỗi cung ứng cho các hợp đồng nước ngoài, các DN phải chấp nhận chịu lỗ hoặc tăng chi phí để duy trì sản xuất. “Bình thường, chúng tôi chỉ lo suất ăn buổi trưa cho công nhân viên, nhưng khi thực hiện “3 tại chỗ”, DN phải lo 4 suất ăn/ngày cho công nhân. Bên cạnh đó là hàng loạt chi phí khác như: thuê khách sạn, điện, nước, chi phí kiểm soát, an toàn phòng, chống dịch… Theo đó, mỗi tháng, DN phải chi thêm khoảng 1 triệu USD”, ông Dư cho biết.
Bên cạnh đó, chi phí test nhanh 3 ngày/lần đối với toàn bộ người lao động cũng làm cho các DN gặp không ít áp lực. Ngoài ra, quy định người dân không được ra khỏi nhà từ 19 giờ hôm trước tới 5 giờ sáng hôm sau khiến DN khó tổ chức sản xuất 2 ca. Còn với một số DN vẫn tiếp tục duy trì phương án “3 tại chỗ”, do thời gian thực hiện phương án này kéo dài đã làm ảnh hưởng đến tinh thần và năng suất làm việc của người lao động.
Cần sự hỗ trợ
Để giúp DN giảm bớt khó khăn, trước mắt, các đơn vị sản xuất, kinh doanh mong địa phương sớm tổ chức các hội nghị gặp gỡ, trao đổi, tiếp xúc với DN để quán triệt, triển khai tinh thần phục hồi sản xuất trong bối cảnh hiện nay. Lãnh đạo tỉnh cần căn cứ tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn, chủ động, linh hoạt triển khai các giải pháp hỗ trợ DN, nhất là hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi, cũng như tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách. Bà Nguyễn Thị Khuê – Giám đốc DN tư nhân Thanh Khuê cho biết, đơn vị đang gặp rất nhiều khó khăn về đơn hàng xuất khẩu khi các khách hàng cũ đã tìm những đối tác mới ở các nước ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trong khi đó, hiện nay, các DN chưa có điều kiện để tìm các khách hàng mới. Ngoài ra, vấn đề thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, chi phí sản xuất tăng cao cũng là một áp lực không hề nhỏ để duy trì sản xuất. Chính vì vậy, các DN mong lãnh đạo tỉnh quan tâm, tạo điều kiện hết mức để cho DN duy trì hoạt động sản xuất và không bị đứt gãy chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, các DN cũng mong muốn tỉnh quan tâm hỗ trợ liên quan đến chính sách đóng bảo hiểm xã hội; giảm chi phí điện, nước, lãi suất cho vay; đẩy nhanh triển khai các chính sách hỗ trợ cho người lao động phải ngừng việc do ảnh hưởng dịch Covid-19. Các sở, ngành liên quan cần tăng cường những hoạt động xúc tiến, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với nhà phân phối, tổ chức xúc tiến thương mại ở các địa phương trong nước. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh…
Ông Nguyễn Sanh Đương – Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, để góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN, Sở Công Thương kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành Y tế ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 2 cho tất cả người lao động tại các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh nhằm tạo thuận tiện trong việc đi lại, giảm bớt chi phí xét nghiệm, dần ổn định sản xuất, kinh doanh. Sở cũng kiến nghị các ngành hướng dẫn và giải quyết kịp thời chính sách hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để DN, người lao động vượt qua khó khăn.
ĐÌNH LÂM
Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202109/doanh-nghiep-dang-gap-kho-8230090/