Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 định hướng huyện Vạn Ninh (Bắc Vân Phong) trở thành đô thị du lịch biển cao cấp và huyện Cam Lâm thành đô thị sân bay, hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế.
Quy tụ những nhà đầu tư lớn
Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có công văn đồng ý chủ trương cho phép UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm song song với việc triển khai lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Góp phần sớm đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc trung ương theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị.
Ngày 13-3, UBND tỉnh Khánh Hòa đã báo cáo với Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên của đoàn công tác Chính phủ về 10 kiến nghị đề xuất, trong đó có việc đầu tư dự án đại đô thị trên địa bàn huyện Cam Lâm.
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, báo cáo với Thủ tướng Phạm Minh Chính ý tưởng đầu tư dự án tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa
Ngoài quy hoạch đang đề xuất nói trên, tỉnh Khánh Hòa hiện đang lập điều chỉnh quy hoạch chung Khu Kinh tế Vân Phong ở khu vực phía Bắc. Quy hoạch này được Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) của ông Jonathan Hạnh Nguyễn tài trợ trị giá khoảng 5 triệu USD.
Bên cạnh đó, Tập đoàn FPT đang tài trợ quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hợp đồng 3 bên gồm Tập đoàn FPT (đơn vị tài trợ), Tập đoàn McKinsey & Company (Mỹ, đơn vị tư vấn lập quy hoạch) và UBND tỉnh Khánh Hòa đã được ký từ tháng 5-2021, số tiền tài trợ vẫn chưa được công bố.
Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong, hiện nay có nhiều công ty, tập đoàn lớn đang quan tâm, nghiên cứu như: Công ty CP Tập đoàn Sovico, Liên danh Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Novaland và Công ty CP Đầu tư Đất Tâm, Công ty CP Tập đoàn T&T, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, Công ty CP Tập đoàn Flamingo, Công ty Millennium Energy (Mỹ)…
Đề xuất nhiều ý tưởng
Song song với việc tài trợ lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, mới đây, Tập đoàn FPT đã có buổi làm việc với UBND tỉnh này về việc đề xuất 3 dự án với tổng quy mô 850 ha tại TP Nha Trang và Khu Kinh tế Vân Phong. Cụ thể, dự án Khu đô thị công nghệ – giáo dục FPT tại xã Phước Đồng và xã Vĩnh Thái, TP Nha Trang dự kiến 150 ha gồm: Trung tâm phần mềm – chuyển đổi số; tổ hợp giáo dục liên cấp, đô thị thông minh ứng dụng công nghệ cao, đô thị ở cơ bản, hệ thống tiện ích xã hội…
Tại huyện Vạn Ninh, Tập đoàn FPT đề nghị xây dựng dự án Trung tâm đào tạo chuyển đổi số và đô thị dịch vụ khu vực Tuần Lễ – Hòn Ngang thuộc Khu Kinh tế Vân Phong rộng 350 ha để xây dựng trung tâm đào tạo lập trình viên, trường cao đẳng nghề, khu đô thị ở; đô thị nghỉ dưỡng, khu vui chơi – giải trí; trung tâm thể thao nước cấp quốc tế…
Dự án thứ 3 Tập đoàn FPT đề xuất là tại khu vực Hồ Na – Mũi Đôi rộng 350 ha gồm sân golf 18 lỗ, khu nghỉ dưỡng cho chuyên gia cao cấp, khu đô thị, khu giải trí, khu sinh hoạt cộng đồng, bến du thuyền, trung tâm thể thao dưới nước cấp quốc tế…
Bên cạnh đó, cùng với việc tài trợ quy hoạch, IPPG cũng đã phối hợp với Tập đoàn Sun Group đề xuất ý tưởng quy hoạch và đầu tư tại khu vực xã Vạn Thọ – Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh) để hình thành khu thương mại tự do Hòn Gốm với đề xuất quy hoạch khoảng 31.000 ha. Khu vực này được đề xuất hình thành trung tâm tài chính, bất động sản, khách sạn vui chơi – giải trí, khu phi thuế quan gắn với cảng trung chuyển quốc tế…
Tại huyện Cam Lâm và một phần TP Cam Ranh, ngày 12-3, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, đã báo cáo ý tưởng đầu tư lên Thủ tướng Chính phủ, đề xuất 3 dự án với tổng diện tích hơn 16.800 ha, gồm: Dự án Khu đô thị sân bay cao cấp theo phong cách Pháp, Ý, Hà Lan với diện tích khoảng 7.505 ha; dự án đô thị sinh thái hàng đầu thế giới với các khu nghỉ dưỡng, tài chính, diện tích khoảng 6.735 ha và dự án tổ hợp dịch vụ, thương mại, vui chơi – giải trí với diện tích khoảng 2.608 ha.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia và người dân về ý tưởng này. Đặc biệt, chủ đầu tư cần tạo ra hình mẫu về tái định cư, người dân phải có điều kiện sống cao hơn hẳn nơi ở cũ và bảo đảm sinh kế lâu dài. Bên cạnh đó, khu đô thị cần bảo tồn được không gian văn hóa trước đây. Về phía bộ, ngành và địa phương, Thủ tướng cũng yêu cầu phải phối hợp với chủ đầu tư trong tiến hành các thủ tục đúng luật, tránh lợi ích nhóm, gây phiền hà; phải hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Tăng mạnh đất ở, thương mại – dịch vụ
Để đáp ứng việc hình thành 2 đô thị trong tương lai, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của huyện Cam Lâm với hơn 54.659 ha. Trong đó, giảm diện tích đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản để tăng diện tích đất thương mại – dịch vụ gần 1.200 ha (gấp 3 lần so với quy hoạch cũ); đất phi nông nghiệp tăng mạnh từ 6.254 ha lên 11.141 ha.
Tương tự, huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa thuộc Khu Kinh tế Vân Phong cũng đã được quy hoạch với tổng diện tích 174.297 ha. Trong đó, huyện Vạn Ninh sẽ chuyển hơn 7.456 ha đất nông nghiệp trở thành phi nông nghiệp; thị xã Ninh Hòa tăng đất ở đô thị từ 476 ha lên 3.545 ha và đất ở nông thôn từ 1.505 ha lên 2.127 ha.
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/dinh-hinh-2-do-thi-moi-o-khanh-hoa-20220316192301836.htm