Đái tháo đường là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên toàn cầu. Hiện nay, trên thế giới có hơn 460 triệu người trong độ tuổi 20-79 mắc bệnh đái tháo đường. Dự đoán vào năm 2045, con số này sẽ tăng lên khoảng 700 triệu người, tức là bình quân cứ 10 người lớn sẽ có 1 người có bệnh đái tháo đường.
Vấn đề cần quan tâm là gần 50% số người đang mắc bệnh đái tháo đường không được chẩn đoán. Bệnh đái tháo đường gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận, cắt cụt chi.
Đái tháo đường thai kỳ là đái tháo đường được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ và không có bằng chứng về đái tháo đường tuýp 1, tuýp 2 trước đó. Nếu phụ nữ có thai 3 tháng đầu được phát hiện hoặc tăng glucose huyết thì xếp loại là đái tháo đường chưa được chẩn đoán, chưa được phát hiện hoặc đái tháo đường trước mang thai và dùng tiêu chí chẩn đoán như ở người không có thai.
Bác sĩ Tôn Thất Toàn – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, về thời điểm tầm soát đái tháo đường thai kỳ đó là lần khám thai đầu tiên ở người có yếu tố nguy cơ; xét nghiệm tầm soát đái tháo đường ở tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ đối với những thai phụ không được chẩn đoán đái tháo đường trước đó; thực hiện xét nghiệm chẩn đoán đái tháo đường ở phụ nữ có đái tháo đường thai kỳ sau khi sinh con từ 4 tuần đến 12 tuần. Những phụ nữ có tiền sử đái tháo đường thai kỳ nên thực hiện xét nghiệm phát hiện sớm đái tháo đường hay tiền đái tháo đường ít nhất 1-3 năm một lần. Những phụ nữ được phát hiện có tiền đái tháo đường cần được bác sĩ tư vấn, điều trị có lối sống tích cực và thuốc hợp lý để phòng ngừa. Mục đích của điều trị đái tháo đường thai kỳ là phòng tránh các tác động bất lợi của tăng đường huyết đối với mẹ và con trong thai kỳ cũng như về lâu dài khi mẹ sinh con, đồng thời vẫn đảm bảo được sự tăng trưởng bình thường của thai.
Đường huyết ở các thời điểm khác nhau trong ngày là chỉ số quan trọng giúp đánh giá sớm kết quả điều trị và thời điểm đường huyết chưa đạt mục tiêu để điều chỉnh điều trị cho phù hợp. Đối với đái tháo đường có từ trước khi mang thai, các chỉ số đường huyết và chỉ số xét nghiệm HbA1C đều có giá trị để đánh giá tình trạng kiểm soát đường huyết, xét nghiệm HbA1C < 6,5% trước mang thai sẽ giúp đánh giá tốt cho sức khỏe mẹ và thai nhi. Người mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ cần đo đường huyết vào lúc đói trước ăn sáng và sau 3 bữa ăn, có thể chọn glucose huyết sau ăn 1 hoặc 2 giờ tùy theo sự thuận tiện của bệnh nhân. Nếu glucose huyết đạt mục tiêu ổn định thì có thể giảm bớt số lần đo. Những bệnh nhân điều trị Insulin nên đo đường huyết vào trước và sau ăn 3 bữa chính. Những bệnh nhân điều trị Insulin nhiều mũi hoặc nghén nhiều nên đo thêm đường huyết lúc đi ngủ hoặc nửa đêm.
Bác sĩ Tôn Thất Toàn khuyên, phụ nữ có đái tháo đường thai kỳ nên chia nhỏ 5-6 bữa ăn trong một ngày, dùng nhiều chất xơ từ rau quả, tuân thủ chế độ ăn uống hợp lý và chế độ tập luyện giúp duy trì cân nặng phù hợp. Đối với chất bột đường, lượng carbohydrate nạp vào cơ thể khoảng 50-55% tổng năng lượng ăn vào; nếu ăn quá nhiều sẽ làm tăng đường huyết, ngược lại sẽ dẫn đến hạ đường huyết. Đối với chất đạm, chiếm khoảng 12-20% tổng năng lượng ăn vào, nên ăn cân bằng giữa đạm động vật và đạm thực vật. Về chất xơ, khuyến nghị tiêu thụ khoảng 20-35 gam/ngày; ngoài tác dụng giúp làm chậm hấp thu glucose vào máu và giảm tốc độ tăng đường huyết sau khi ăn, chất xơ còn làm giảm hấp thu chất béo, giảm nguy cơ tăng lipit máu khi mang thai, từ đó tránh biến chứng tim mạch, chứng táo bón, nguy cơ nhiễm trùng tiêu hóa. Đối với chất béo, nhu cầu cần khoảng 25% đến dưới 30% tổng năng lượng ăn vào. Nên sử dụng chất béo không bão hòa như: dầu oliu, dầu lạc, các loại hạt, cá hồi, cá thu… Việc ăn những thực phẩm tự nhiên như rau củ quả tươi, cá, thịt nạc, các loại đậu sẽ giúp cung cấp các vitamin và khoáng chất cho cơ thể thay vì dùng các chế phẩm bổ sung.
Đặng Hồng Hoa