Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nuôi trồng thủy sản: Còn nhiều vướng mắc

Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức họp rà soát, điều chỉnh bổ sung một số vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên biển vào Quy hoạch phát triển ngành Thủy sản tỉnh. Theo đó, nhiều vấn đề vướng mắc đã được đưa ra bàn thảo.

Đề xuất một số vùng nuôi

Ông Võ Lục Phẩm – Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết: Theo Quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035, huyện Vạn Ninh có 6 vùng nuôi trên vịnh Vân Phong có tổng diện tích 550ha. Tuy nhiên, 6 vùng nuôi này chưa đáp ứng được nhu cầu NTTS lồng bè của người dân, bởi toàn huyện hiện có gần 42.000 lồng nuôi. Vì vậy, huyện Vạn Ninh đề xuất mở rộng diện tích một số vùng nuôi đã có trong quy hoạch và bổ sung thêm 4 vùng nuôi vào quy hoạch NTTS. Các vùng nuôi được đề xuất này đều không chồng lấn với bất kỳ quy hoạch nào, lại rất thuận lợi cho việc nuôi bằng lồng bè của người dân.

Vùng nuôi tôm lồng bè tại khu vực Đầm Môn (xã Vạn Thạnh) đang quá tải.

Đề xuất của UBND huyện Vạn Ninh đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổng hợp để báo cáo UBND tỉnh xem xét. Cụ thể, ngoài các vùng nuôi ở thôn Xuân Tự (xã Vạn Hưng), lạch Cổ Cò, Bãi Nặm – Bãi Sau, Cửa Lớn phía mũi Cổ Cò, phía nam Hòn Ông (xã Vạn Thạnh), Hòn Vung (thị trấn Vạn Giã), đề xuất mở rộng thêm 50ha vùng nuôi Hòn Vung; bổ sung thêm vào quy hoạch vùng Bãi Lúa – Bãi Gạo (xã Vạn Thạnh) với diện tích 50ha; vũng Sim (xã Vạn Thạnh) với diện tích 100ha; nam Hòn Vung – Rạn Cỏ (thị trấn Vạn Giã) với diện tích 100ha; nam Cùm Meo (xã Vạn Hưng) với diện tích 100ha.

Theo ông Võ Nam Thắng – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, qua rà soát, làm việc, các địa phương còn đề xuất bổ sung vào quy hoạch NTTS một số khu vực trên đầm Nha Phu và vịnh Cam Ranh. Cụ thể, đối với đầm Nha Phu, ngoài các khu vực đã được quy hoạch như: khu vực phía tây nam các đảo: Hòn Lăng, Hòn Giữa, Hòn Thị (xã Ninh Ích), phía tây Bãi Giông (xã Ninh Vân), bổ sung thêm 2 vùng nuôi gồm 20ha ở khu vực biển thôn Tân Đảo (xã Ninh Ích) và 20ha mặt nước xung quanh Hòn Nưa (thôn Ngọc Diêm, xã Ninh Ích). Tại vịnh Cam Ranh, không quy hoạch vùng phía tây đảo Bình Ba và giảm 30ha diện tích nuôi trồng vùng phía bắc; không quy hoạch vùng NTTS khu vực phía tây Cam Lập; bổ sung vùng quy hoạch NTTS với tổng diện tích 190ha tại khu vực đông Cam Lập; mở rộng diện tích thêm 25ha tại khu vực tây Bình Hưng.

Nhiều vướng mắc cần giải quyết

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT, sở đã họp, rà soát nhiều lần và thống nhất với các địa phương về các khu vực mặt nước NTTS để điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035. Tuy nhiên, việc điều chỉnh đang gặp vướng mắc ở chỗ khi Luật Thủy sản năm 2017, Luật Quy hoạch năm 2017 có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 thì cơ sở pháp lý để thực hiện việc điều chỉnh, bổ sung không còn phù hợp, bởi 2 luật trên đều không quy định lập quy hoạch ngành mà phải tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh.

Không chỉ vậy, các khu vực đã quy hoạch, được đề xuất để bổ sung quy hoạch vẫn còn một số ý kiến khác nhau liên quan đến việc tổ chức NTTS sẽ ảnh hưởng đến hoạt động hàng hải cũng như hoạt động đường thủy nội địa. Theo đó, trên vịnh Vân Phong cần thu hẹp một số vùng nuôi để tránh ảnh hưởng đến hành lang an toàn của luồng hàng hải Đầm Môn, tuyến giao thông đường thủy nội địa từ Vạn Giã đi Vạn Thạnh; không quy hoạch NTTS tại phía nam Hòn Ông bởi theo quyết định của Bộ Giao thông vận tải, hoạt động hàng hải sẽ mở rộng ra khu vực này, các khu vực Hòn Vung, nam Hòn Vung – Rạn Cỏ có ảnh hưởng đến một số tuyến đường thủy từ thị trấn Vạn Giã đi Ninh Tân, Điệp Sơn, Bãi Lách, Vĩnh Yên… Tại đầm Nha Phu, việc tổ chức NTTS tại các khu vực đều có ảnh hưởng đến hoạt động đường thủy từ Đá Chồng đi các khu du lịch ven Hòn Hèo, các đảo trên đầm Nha Phu. Tại vịnh Cam Ranh, khu vực phía đông xã Cam Lập đang đề nghị quy hoạch khu neo đậu tàu thuyền để chờ vào Cảng Quốc tế Cam Ranh; khu vực phía tây xã Cam Lập ảnh hưởng đến dự án Bến thủy nội địa Đá Hóa An 1; các vùng nuôi được quy hoạch, đề nghị bổ sung vào quy hoạch ở Bình Ba, Bình Hưng, Cam Lập đều có ảnh hưởng đến các tuyến đường thủy nội địa.

Ngoài ra, việc quản lý NTTS tại các địa phương hiện nay vẫn còn rất nhiều khó khăn. Tình trạng người dân từ các tỉnh khác kéo bè đến các vùng nước trong tỉnh nuôi diễn ra nhiều nơi. Môi trường biển ở các vùng nuôi bị ô nhiễm nặng, lượng chất thải phát sinh từ quá trình NTTS trên biển chưa được kiểm soát chặt đã ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của các dự án xung quanh. Các địa phương phát triển NTTS trên biển còn kiến nghị phải làm rõ ranh giới các dự án, quy hoạch sử dụng mặt nước đã được UBND tỉnh phê duyệt nhằm tránh chồng lấn giữa các quy hoạch. Việc điều chỉnh, bổ sung các vùng quy hoạch NTTS là rất cấp thiết để đảm bảo cho người dân các địa phương tổ chức nuôi trồng phù hợp với quy định, đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ của thủy sản nuôi, đảm bảo các tiêu chí được hỗ trợ khi có thiên tai, dịch bệnh.

Để giải quyết các vướng mắc, ông Lê Hữu Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch phát triển thủy sản của tỉnh; giao Sở NN-PTNT tiếp thu ý kiến, góp ý của các đơn vị để hoàn thiện nội dung điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với điều kiện thực tiễn từng địa phương và những quy định khác của Chính phủ; phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định các khu vực biển được phép NTTS; tham mưu văn bản xin ý kiến cấp trên về việc phát triển NTTS gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng; nghiên cứu, làm rõ các tọa độ cụ thể trong quy hoạch NTTS của Khánh Hòa với các tỉnh lân cận… Trong khi chưa điều chỉnh quy hoạch, UBND các địa phương ven biển tăng cường công tác quản lý NTTS đảm bảo phù hợp với vùng nuôi theo quy hoạch đã được phê duyệt…

HẢI LĂNG

Theo: Báo Khánh Hòa