Tuy chưa có mưa lũ lớn nhưng những ngày qua, tại một số địa phương trên địa bàn huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) đã xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông, suối, ảnh hưởng đến nhà cửa và đất sản xuất của người dân.

Không mưa vẫn sạt lở

Vừa qua, Báo Khánh Hòa nhận được đơn phản ánh của ông Lê Công Quế (thôn Xuân Đông, xã Diên Xuân) về tình trạng sạt lở bờ đoạn cầu sông Chò, khiến diện tích đất và nhà của ông sụp xuống sông. Khi chúng tôi tìm đến, đứng trên nền nhà cũ, ông Quế cho biết, nền nhà này trước đây là ngôi nhà của vợ chồng ông. Phía sau căn nhà, ông trồng 64 bụi tre, các loại cây như xoài, dừa… để giữ đất. Mùa lũ năm 2016 đã kéo sụp cây cối, nhà bếp, nhà vệ sinh, chuồng gà xuống sông. Tính từ năm 2016 đến nay, gia đình ông đã bị sạt lở gần 15m đất. “Tháng trước, tuy chưa có mưa lũ nhưng đất nền nhà tiếp tục sụp xuống, cảm thấy không an toàn nên vợ chồng tôi đã chuyển sang nhà con trai bên cạnh để ở. Đây là điều tôi lo lắng nhất, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời thì phần đất còn lại của gia đình và cả ngôi nhà của con trai tôi cũng sẽ bị sạt lở”, ông Quế nói và chỉ cho chúng tôi thấy dòng nước đục ngầu đang cuộn thẳng vào vách đất của gia đình ông.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Không chỉ gia đình ông Quế, các hộ sống gần khu vực này đều có chung nỗi lo bị sạt lở đất. Ông Lê Công Cúc – hộ sống gần nhà ông Quế cũng cho biết, hiện nay, bờ sông chỉ cách nhà vệ sinh, nhà tắm, nhà bếp của gia đình ông hơn 1m. Vì vậy, các hộ ở đây rất mong chính quyền các cấp có biện pháp khắc phục để giữ đất, giữ nhà cho dân. Ngoài nguyên nhân do thời tiết, kết cấu chân đất phần lớn là cát bồi thì các hộ còn cho rằng, do vừa qua, cách khu vực này 50m đang thi công công trình hệ thống nước sạch Diên Lâm – Diên Xuân. Đơn vị thi công đã móc đất, ngăn dòng nước để thi công nên làm thay đổi dòng chảy của sông.  

Tại thôn Xuân Phú 2 (xã Suối Tiên), do tình hình mưa lớn của các năm dẫn đến lũ quét cũng làm sạt lở nghiêm trọng bờ suối Bà Nên với chiều dài sạt lở khoảng 200m, rộng 3m. Hiện nay, đoạn suối này đang xói mòn thêm, làm hổng chân đất dọc dòng suối và có nguy cơ sạt lở vào nhà dân khi mùa mưa đến. Khoảng 20 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đoạn suối này.

Nhà và đất của  gia đình ông Lê Công Quế  đang bị sạt lở.

Nhà và đất của gia đình ông Lê Công Quế đang bị sạt lở

Đảm bảo an toàn cho người dân  

Theo báo cáo của UBND xã Diên Xuân gửi huyện Diên Khánh, lưu vực cầu sông Chò đã bị sạt lở nghiêm trọng trong đợt mưa lũ năm 2016, hiện tại qua các đợt mưa dông vừa qua, vị trí sạt lở ở khu vực này càng nghiêm trọng hơn. Ông Ngô Đăng Khoa – Chủ tịch UBND xã Diên Xuân cho biết: “Chiều dài đoạn sạt lở khoảng 150m, ảnh hưởng đến 80 hộ đang sinh sống trong khu vực này, trong đó có 4 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp và tuyến đường bê tông trong khu dân cư ra Tỉnh lộ 8. Nhằm bảo vệ tính mạng cho người dân, xã đã cho dựng hàng rào cảnh báo nguy hiểm và di dời 4 hộ sát khu vực bị lở”. Đối với phản ánh của người dân về việc thi công hệ thống nước sạch làm ảnh hưởng dòng chảy, lãnh đạo xã Diên Xuân cho rằng, đây không phải là nguyên nhân. Tình trạng sạt lở ở khu vực này đã diễn ra nhiều năm qua các đợt mưa lũ. Đơn vị thi công hệ thống nước sạch chỉ đắp đất, ngăn nước sông tràn vào công trình đang thi công. Khi thực hiện xong, đơn vị thi công sẽ trả lại hiện trạng nguyên vẹn.

Ông Nguyễn Tấn Cường – Trưởng phòng Kinh tế huyện cho biết, sau mùa mưa lũ năm 2016, phòng đã rà soát và kiểm tra tại các địa phương có nguy cơ sạt lở, trong đó có xã Diên Xuân và Suối Tiên. Vừa qua, bằng nguồn ngân sách hỗ trợ của trung ương, tỉnh (khoảng 17 tỷ đồng) và ngân sách địa phương, huyện đã thi công được 7 công trình, dự án thủy lợi chống sạt lở. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều khu vực sạt lở bờ sông, suối ảnh hưởng đến đời sống người dân. Ngoài khu vực cầu sông Chò (xã Diên Xuân), suối Bà Nên (xã Suối Tiên), còn có đoạn sông Cái qua cầu Phú Cốc (xã Diên Lâm) cũng bị sạt lở nặng nề, làm mất đất hoàn toàn của 3 hộ với tổng diện tích 1.400m2…

“Trước mắt, để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, huyện đã chỉ đạo các xã trên thường xuyên kiểm tra khu vực bị sạt lở, có phương án cảnh báo nguy hiểm cho người dân ở khu vực; đồng thời tiến hành di dời các hộ  khi có mưa lũ xảy ra. Do kinh phí để đầu tư xây dựng công trình kè chống sạt lở rất lớn, nên huyện đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét, quan tâm phân bổ nguồn vốn đầu tư các công trình sạt lở bờ sông, suối. Khi nào được phân bổ vốn, huyện sẽ tiến hành đầu tư xây dựng ngay các điểm bị sạt lở nghiêm trọng, cấp thiết, trong đó ưu tiên cho khu vực cầu sông Chò, suối Bà Nên…”, ông Cường nói.

 
MAI HOÀNG
 

Theo: Báo Khánh Hòa