Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa (CDC), đến ngày 23-11, toàn tỉnh ghi nhận 4.203 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 2 ca tử vong ở huyện Vạn Ninh và Cam Lâm. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh và các cơ sở y tế có nhiều ca mắc SXH nặng đang điều trị.
Nhiều ca nặng
Trong 2 ngày gần đây, tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh có 8 bệnh nhân nặng đang điều trị, trong đó có đến 5 bệnh nhân bị mắc SXH (4 ca người lớn và 1 ca trẻ em). Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết (41 tuổi, TP. Nha Trang) là bệnh nhân nặng đang điều trị tại khoa cho biết: “Trước khi nhập viện, tôi bị mệt, sốt 3 ngày, cứ tưởng bị cảm sốt thông thường nên mua thuốc về uống. Sau khi uống thuốc không thấy đỡ, tôi có đến khám một bệnh viện tư. Tại đây, kết quả xét nghiệm xác định tôi mắc SXH nên được chuyển tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Sau 3 ngày điều trị, tình trạng bệnh của tôi đã có nhiều cải thiện. Tôi không nghĩ mình là người lớn mà mắc SXH lại nặng thế”.
Tại Khoa Nội truyền nhiễm của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh, bình quân mỗi ngày có khoảng 50 bệnh nhân điều trị, trong đó một nửa là bệnh nhân mắc SXH. Chăm sóc con bị SXH tại khoa, chị Nguyễn Thị Thanh Hiền (xã Diên Phú, huyện Diên Khánh) cho biết, con chị bị sốt 3 ngày, nhưng gia đình chủ quan, cứ nghĩ cháu bị cảm sốt thông thường nên mua thuốc cho cháu uống. Sau 3 ngày, khi thấy cháu có nổi các hạt đỏ trên tay, lưng mới đưa cháu nhập viện.
Theo bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Thị Hạnh – Khoa Nội truyền nhiễm, gần 3 tháng trở lại đây, nhất là tháng 11, số ca mắc SXH nhập điều trị tại khoa tăng gấp 2 đến 3 lần so với những tháng trước đó. So với những năm trước, năm nay phần nhiều các ca nhập viện trong tình trạng nặng, có cả người lớn và trẻ em. “Theo tôi, hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn dịch Covid-19 và bệnh cảm cúm đang lưu hành nên người dân chủ quan. Khi bị sốt không nghĩ tới mắc SXH mà chỉ nghĩ mắc 2 bệnh nói trên, do đó khi trở nặng mới nhập viện nên hết sức nguy hiểm. Người bệnh khi có dấu hiệu cảm sốt nên tới bác sĩ hoặc cơ sở y tế để khám, không nên tự ý mua thuốc về điều trị”, bác sĩ Hạnh cảnh báo.
Tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống dịch
Bác sĩ Tôn Thất Toàn – Phó Giám đốc phụ trách CDC cho biết, những tháng đầu năm 2022, số ca mắc SXH trên địa bàn tỉnh ghi nhận thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, đến cuối tháng 4, số ca mắc có xu hướng gia tăng. Ngay khi đó, CDC đã ban hành kế hoạch hướng dẫn các địa phương triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất chủ động cũng như tổ chức các đoàn giám sát hỗ trợ địa phương xử lý dịch. Do đó, số ca mắc tạm thời được khống chế tại một số địa phương. Tuy nhiên, từ tháng 9 trở đi, số ca mắc có xu hướng tăng lên, cao gấp đôi so với những tháng trước đó. Trong các tháng 6, 7 và 8, số ca mắc ghi nhận mỗi tháng dao động từ 450 đến 560 ca; đến tháng 9 và 10, số ca mắc tăng lên từ 700 đến hơn 970 ca; riêng 23 ngày của tháng 11, toàn tỉnh ghi nhận 647 ca.
Với diễn biến phức tạp của dịch SXH, trong tháng 11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người của tỉnh đã tổ chức đoàn kiểm tra, đánh giá công tác xử lý dịch SXH tại 2 địa phương có số ca mắc cao là Ninh Hòa và Nha Trang. Trước đó, trong tháng 10, ngành Y tế đã phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai chiến dịch học sinh và hộ gia đình tham gia diệt lăng quăng ngay tại hộ gia đình trên toàn tỉnh. Đồng thời, triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất chủ động tại 14 xã, phường, thị trấn có nguy cơ cao; xây dựng danh sách các thôn, tổ dân phố nguy cơ cần tổ chức diệt lăng quăng định kỳ 1 tuần/lần, 2 tuần/lần, 1 tháng/lần tại các hộ gia đình. Cùng với đó, ngành Y tế đã tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về tăng cường công tác giám sát ca bệnh, xử lý ổ dịch, kỹ năng giám sát, định loại véc tơ truyền bệnh; tập huấn điều trị bệnh SXH cho các cán bộ y tế tại các bệnh viện, phòng khám trên địa bàn tỉnh…
Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn, nguyên nhân dẫn đến số ca mắc tăng trong thời gian gần đây là do thời tiết những tháng cuối năm mưa nhiều, đã tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh SXH sinh sản và phát triển; việc xử lý dịch (phun hóa chất diệt muỗi, lăng quăng) cũng bị gián đoạn do mưa. Cùng với đó, việc xây dựng kế hoạch diệt lăng quăng, xử lý dịch tại một số trạm y tế chưa cụ thể nên khi triển khai gặp nhiều lúng túng, dẫn tới hiệu quả không cao. Cán bộ tham gia diệt lăng quăng chủ yếu thực hiện tuyên truyền chứ chưa thực sự tìm và diệt lăng quăng tại các hộ gia đình. Tại một số địa phương, lãnh đạo chính quyền chưa thực sự quan tâm đến công tác này cũng đã ảnh hưởng nhiều đến công tác chống dịch.
Để khống chế dịch SXH, thời gian tới, ngành Y tế sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là diệt muỗi vằn và lăng quăng tại các hộ gia đình; ra quân diệt lăng quăng tại các địa bàn, khu vực có nguy cơ cao hàng tuần, hàng tháng. Đồng thời, đẩy mạnh việc giám sát, phát hiện sớm, xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để; khuyến cáo phòng khám tư nhân lưu ý bệnh nhân SXH trong mùa dịch, chuyển bệnh viện kịp thời để hạn chế các ca bệnh tăng nặng, nguy cơ tử vong…
Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đến ngày 23-11, toàn tỉnh đã ghi nhận 4.203 trường hợp SXH. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc tăng 65,3%; số ổ dịch tăng 73,2%; tử vong tăng 2 ca. Thị xã Ninh Hòa là địa phương có số mắc cao nhất, chiếm hơn 40% số mắc toàn tỉnh, tiếp theo là Nha Trang, Vạn Ninh, Cam Ranh, Cam Lâm, Diên Khánh, Khánh Vĩnh… Số ổ dịch được phát hiện và xử lý là 239, tập trung chủ yếu tại Ninh Hòa (chiếm gần một nửa số ổ dịch toàn tỉnh), tiếp đó đến Nha Trang, Cam Lâm…
|
C.ĐAN
Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/yte-suckhoe/202211/dich-sot-xuat-huyet-dien-bien-phuc-tap-8270433/