Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Địa phương còn chủ quan, thiếu kinh nghiệm khi ứng phó bão số 12

Nhiều cấp chính quyền địa phương và người dân còn chủ quan, chưa quyết liệt và không có kinh nghiệm trong ứng phó với bão lớn, gây thiệt hại lớn về tính mạng của người dân.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng về công tác ứng phó và khắc phục hậu quả cơn bão số 12, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường (Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai) nhấn mạnh đây là cơn bão nguy hiểm, mạnh nhất trong nhiều năm qua đổ bộ vào khu vực Nam Trung Bộ.

Bão số 12 duy trì gió mạnh trên đất liền, liên tục trong 12 giờ, phạm vi ảnh hưởng rộng các tỉnh ven biển từ Quảng Nam đến Bình Thuận và Tây Nguyên. Do vậy, Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các bộ, ngành đã tập trung chỉ đạo và triển khai quyết liệt các biện pháp ứng phó.

Bão số 12 gây thiệt hại cho tỉnh Khánh Hòa hơn 7.000 tỷ đồng. Ảnh: Minh Quý.

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo nêu rõ nhiều nguyên nhân, hạn chế khiến thiệt hại lớn về người và tài sản.

Theo báo cáo, các cấp chính quyền địa phương và người dân còn chủ quan, chưa quyết liệt và không có kinh nghiệm trong ứng phó với bão lớn, gây thiệt hại lớn về tính mạng. Dẫn chứng cho điều này, phương án ứng phó như sơ tán, di dời người dân còn chưa sát thực tế.

Ban chỉ đạo cho rằng việc kiểm soát, tổ chức neo đậu, cứu hộ, cứu nạn các tàu vận tải ở cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, còn nhiều bất cập.

Bộ trưởng Cường nhận định việc sắp xếp các tàu cứu hộ, cứu nạn không hợp lý nên khi có sự cố thì không di chuyển được, do không có đường ra phía biển. Hơn nữa, lực lượng, trang thiết bị, phương tiện cứu hộ, cứu nạn còn thiếu, chưa phù hợp với thực tế.

Về tham mưu chỉ đạo, điều hành, Ban chỉ đạo khẳng định “năng lực các của cơ quan tham mưu phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương trong khu vực còn rất nhiều hạn chế cả về số lượng, kinh nghiệm cán bộ, trang thiết bị, phương tiện”.

Các kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai, nhất là với bão mạnh của các địa phương còn xa rời thực tế, không áp dụng được khi có tình huống thiên tai xảy ra.

Những hạn chế này được lý giải là do “không được thường xuyên tập huấn, diễn tập”.

Báo cáo chỉ rõ rằng các công trình đê điều, hệ thống thông tin không đảm bảo thiết kế. Các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão quá tải, bất cập. Thông tin, kiểm soát tàu thuyền vận tải ở rất nhiều đợt bão, lũ còn hạn chế nên thường gây rất nhiều thiệt hại.

Cường độ gió mạnh của bão số 12 khiến nhiều mái tôn sắc lẹm bay khắp nơi, nằm la liệt trên đường phố Nha Trang. Ảnh: Lê Xuân.

Về thiệt hại nhà cửa, cây xanh, nguyên nhân được đưa ra là các hướng dẫn, chỉ đạo chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cây xanh chưa quyết liệt, vẫn còn tư tưởng chủ quan, ý thức chấp hành của người dân chưa cao.

Theo báo cáo mới nhất ngày 6/11 của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, bão số 12 khiến 44 người chết, tăng 17 người so với báo cáo nhanh ngày 4/11 (trong đó, Quảng Ngãi 4, Bình Định 3, Phú Yên 1, Khánh Hòa 27, Lâm Đồng 3, Kon Tum 1 , Đắk Lắk 1 và 4 người do sự cố tàu vận tải). 19 người hiện vẫn mất tích, số nhà bị sập đổ là 1.358 và bị tốc mái, hư hỏng là 114.866.

Nha Trang và những gì còn lại sau trận bão lịch sử

Ngày thứ 2 sau bão số 12- Damrey, nắng lên rực rỡ, nhiều du khách ra biển tắm. Đằng sau đó là nỗi lo của hàng nghìn người dân Nha Trang trong những căn nhà tốc mái, đổ sập.

 

Theo: Zing News