Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Đề xuất sửa chữa Tháp Trầm Hương

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có báo cáo đề xuất Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về cải tạo, sửa chữa Tháp Trầm Hương nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu trưng bày, giới thiệu lịch sử văn hóa cách mạng, điểm đến tâm linh của tỉnh.

Công trình xuống cấp


Theo báo cáo của UBND tỉnh, Tháp Trầm Hương được đưa vào hoạt động từ năm 2008. Đến nay, qua thời gian dài sử dụng, công trình đã xuống cấp, bị thấm; các lớp sơn bong tróc, sắt thép bị hoen gỉ; khu vệ sinh ẩm thấp, cầu thang xuống hầm không đều nhịp, không đảm bảo phục vụ khi du khách đến Tháp Trầm Hương tham quan, tìm hiểu văn hóa địa phương. Vì vậy, cần thiết phải cải tạo, sửa chữa, nâng cấp (không thay đổi kết cấu công trình) và bố trí, sắp xếp, trưng bày tại Tháp Trầm Hương để đáp ứng mục tiêu là công trình kiến trúc mang tính biểu tượng, là điểm đến mang tính tâm linh, là nơi giới thiệu về lịch sử đấu tranh cách mạng, truyền thống văn hóa của con người, vùng đất Khánh Hòa.




Trong báo cáo đề xuất, UBND tỉnh yêu cầu giữ nguyên hiện trạng kết cấu, màu sắc của Tháp Trầm Hương hiện nay; sử dụng vật liệu cao cấp, độ bền cao cho các hạng mục cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cầu thang bộ, thang máy, tường, sân thượng… Nơi đây sẽ không tổ chức dịch vụ mua bán để đảm bảo không gian tôn nghiêm, thành kính. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao kỹ năng của đội ngũ nhân viên thuyết minh thường trực tại Tháp Trầm Hương để giới thiệu, hướng dẫn cho du khách.

Tạo điểm đến hấp dẫn


Theo báo cáo của UBND tỉnh gửi Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, phương án sửa chữa, trưng bày được thực hiện theo ý tưởng xây dựng thành một câu chuyện xuyên suốt về hình ảnh, văn hóa, con người, sản vật tiêu biểu của Khánh Hòa, hình thành điểm đến hội tụ những đặc trưng nổi bật của địa phương để giới thiệu cho người dân và du khách. Theo đó, tầng hầm sẽ được cải tạo để đảm bảo an toàn và cải thiện công năng công trình. Tầng trệt sẽ giới thiệu về lịch sử Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa, đồng thời trưng bày hình ảnh giới thiệu các đặc trưng tiêu biểu về con người, sản vật gắn với Khánh Hòa như: Yến sào, trầm hương, bia chủ quyền quần đảo Trường Sa, lễ hội cầu ngư, Festival Biển… Tầng 1 sẽ trưng bày, giới thiệu sản phẩm yến sào; tầng 2 trưng bày, giới thiệu sản phẩm trầm hương; tầng 3 sẽ ứng dụng công nghệ 3D để trình chiếu video giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của Khánh Hòa. Tầng 4 giữ nguyên là nơi thờ anh linh các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong các thời kỳ cách mạng.


Bên ngoài Tháp Trầm Hương sẽ được nghiên cứu theo hướng cải tạo hiện trạng, cảnh quan và sắp đặt, bố trí, kết nối với các khu vực xung quanh thành một quần thể hài hòa nhằm đa dạng hóa các loại hình tổ chức biểu diễn, trình diễn văn hóa – nghệ thuật tại khu vực Quảng trường 2-4 vào các thời điểm và khung giờ thích hợp để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của người dân và du khách. Bên cạnh đó, phương án sẽ bổ sung và tăng cường hệ thống ánh sáng, chiếu sáng mỹ quan tại khối tháp và vùng lân cận để tạo điểm nhấn cho Tháp Trầm Hương về đêm; đồng thời kết nối với không gian, cảnh quan xung quanh nhằm hỗ trợ các hoạt động biểu diễn nghệ thuật cổ truyền, nhạc cụ dân tộc, trình diễn nghệ thuật thưởng trầm, yến sào… Ngoài ra, phương án còn cải tạo, nâng cấp, trang trí mỹ thuật khu vực sân và các mặt của Tháp Trầm Hương phù hợp với không gian, cảnh quan của khu vực xung quanh; kết hợp giữa chiếu sáng mỹ thuật bên trong và bên ngoài, tạo điểm nhấn lung linh sắc màu phục vụ người dân và du khách.



Dự kiến tổng kinh phí thực hiện cải tạo, sửa chữa, trưng bày tại Tháp Trầm Hương gần 14,4 tỷ đồng, do Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Yến sào Khánh Hòa tài trợ. Từ khi được giao quản lý Tháp Trầm Hương đến nay, công ty luôn thực hiện tốt việc quản lý, duy tu, bảo dưỡng định kỳ, góp phần quảng bá giá trị Tháp Trầm Hương. Sau khi cải tạo, sửa chữa, công ty đề xuất được tiếp tục quản lý, vận hành công trình này.


VĂN KỲ


Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/moitruong-dothi/202204/de-xuat-sua-chua-thap-tram-huong-8248482/