Theo đánh giá của cơ quan chức năng, những năm qua, công tác quy hoạch cán bộ dự bị dài hạn; tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi về làm phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Chính vì thế, cần có cơ chế, chính sách thu hút và trọng dụng, phát huy nhân tài.

Công tác quy hoạch cán bộ dự bị dài hạn

Qua 10 năm thực hiện quy hoạch cán bộ dự bị dài hạn, toàn tỉnh đã có 560 người (174 học sinh, 169 sinh viên, 305 công chức, viên chức trẻ) được đưa vào quy hoạch. Trong 305 cán bộ, công chức, viên chức trẻ được tham gia quy hoạch, đã có 45 cán bộ nguồn trẻ được cử đi học thạc sĩ, tiến sĩ, 12 cán bộ tiếp tục học đại học văn bằng 2; 112 công chức, viên chức được đề bạt, trong đó có 10 trường hợp đã được bổ nhiệm chức vụ giám đốc, phó giám đốc và tương đương.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Toàn tỉnh có 178 trường hợp sinh viên là đối tượng thuộc nguồn dự bị dài hạn của tỉnh, trong đó: 58 trường hợp đang hợp đồng lao động theo Đề án bố trí người thuộc nguồn công tác tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; 31 trường hợp trúng tuyển vào các cơ quan, địa phương thuộc tỉnh; 50 trường hợp có đơn xin rút khỏi nguồn quy hoạch và đồng ý thực hiện bồi hoàn kinh phí cho tỉnh; 20 trường hợp đang theo học các chương trình đại học, cao học…

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác quy hoạch, xây dựng nguồn cán bộ dự bị dài hạn cũng có một số khuyết điểm, hạn chế, khó khăn: chế độ, chính sách của tỉnh đã từng bước điều chỉnh song vẫn chưa thật sự động viên cán bộ, công chức, viên chức đi học sau đại học; việc giải quyết chế độ hỗ trợ cho cán bộ nguồn là học sinh, sinh viên mặc dù đã có nhiều cố gắng song đôi khi chưa kịp thời. Nhận thức của một số cán bộ, công chức, viên chức trẻ, học sinh, sinh viên nguồn dự bị dài hạn chưa thật đầy đủ. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức được quy hoạch nhiều năm song vẫn chưa có chuyển biến trong nhận thức, hành động, chưa phấn đấu vươn lên trong học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ về mọi mặt.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đưa trí thức trẻ về bầu giữ chức vụ phó chủ tịch UBND cấp xã

Thực hiện Đề án thí điểm đưa trí thức trẻ về công tác tại xã, phường để bầu giữ chức vụ phó chủ tịch UBND cấp xã trên địa bàn TP. Nha Trang đã được HĐND tỉnh thông qua, đã có 19 trí thức trẻ trúng cử chức vụ phó chủ tịch UBND cấp xã nhiệm kỳ 2011 – 2016 với số phiếu bầu khá cao. Nhiệm kỳ 2016 – 2021, 100% trí thức trẻ được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ được đưa vào danh sách bầu phó chủ tịch UBND cấp xã và đều trúng cử.

Năm 2016, UBND các xã, phường có trí thức trẻ về công tác đã tổ chức đánh giá và xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ theo đúng quy định, kết quả có 11 người được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 8 người được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ. Theo đánh giá của UBND TP. Nha Trang, trí thức trẻ đã khẳng định được năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành thực hiện nhiệm vụ của phó chủ tịch UBND cấp xã. Tích cực, chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở đơn vị công tác để triển khai các nhiệm vụ; tổ chức, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án phát triển kinh tế – xã hội được chính quyền, nhân dân địa phương ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, do trí thức trẻ còn quá ít kinh nghiệm trong công tác quản lý nên kỹ năng giao tiếp và công tác quản lý điều hành còn có mặt hạn chế; thiếu kiến thức xã hội nên gặp không ít khó khăn, lúng túng trong quá trình chỉ đạo điều hành và xử lý công việc tại địa phương.

Làm gì để thu hút và giữ người tài?

Theo ông Ngô Truyện – Giám đốc Sở Nội vụ, chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao trong thời gian qua nhìn chung chưa đủ sức thu hút được nhiều sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ vào làm việc; một số thu hút được thì còn lúng túng, bị động trong bố trí, sử dụng; chế độ tiền lương, thưởng đối với các trường hợp được thu hút chưa tương xứng; môi trường làm việc chưa được thuận lợi để phát huy năng lực… Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút nhân tài trong thời gian tới, cần phối hợp với các trường đại học, viện, học viện nhằm phát hiện các sinh viên có kết quả học tập tốt, có chuyên ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu của tỉnh để phát hiện, đánh giá đưa vào thực hiện chính sách thu hút nhân tài. Về chính sách tuyển dụng, tiếp tục thực hiện các chủ trương của Tỉnh ủy về chính sách thu hút nhân tài; chính sách tuyển dụng không qua thi đối với người có trình độ cao, cán bộ khoa học trẻ, chuyên gia đầu ngành; tiếp tục triển khai Đề án thí điểm tuyển chọn cán bộ, công chức không qua thi tuyển đối với những người có bằng tiến sĩ, thạc sĩ loại khá, đại học loại giỏi vào công tác tại các cơ quan, địa phương thuộc tỉnh Khánh Hòa năm 2017, xây dựng chính sách tuyển dụng không qua thi đối với các chuyên gia, nhà khoa học trẻ trên các lĩnh vực mà tỉnh có nhu cầu.

Bên cạnh đó, cần xây dựng môi trường làm việc khoa học, chuyên nghiệp để người tài phát huy được năng lực, sở trường, cụ thể: tách bạch đối tượng này ra khỏi chức năng quản lý nhà nước; tập trung chủ yếu vào nghiên cứu, đề ra các chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Hàng năm, tỉnh giao chỉ tiêu các chương trình, đề án, đề tài, các công trình nghiên cứu khoa học cho đối tượng này; đồng thời, kết quả các chương trình, đề án, đề tài, các công trình nghiên cứu khoa học này cũng là cơ sở để đánh giá, phân loại hàng năm; được đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc, đặc biệt là nguồn lực, trang thiết bị đặc biệt để triển khai các chương trình, đề án đề tài, các công trình nghiên cứu khoa học. Bên cạnh việc hưởng chế độ tiền lương như quy định, đề nghị thực hiện đồng thời chế độ tiền lương theo sản phẩm đề án, đề tài, các công trình nghiên cứu khoa học mới để tạo tính chủ động, sáng tạo trong công việc. Ngoài ra, tỉnh cần tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân tài thu hút được mua nhà ở, hợp thức hóa gia đình tại Khánh Hòa…

NAM DU
 

Theo: Báo Khánh Hòa