Bài 2: Cùng nỗ lực phòng ngừa
Cho dù việc phòng tránh đuối nước ở trẻ em còn nhiều khó khăn, song chắc chắn vẫn có thể hạn chế đáng kể nếu toàn xã hội nỗ lực phòng ngừa hơn nữa.
Nhiều khó khăn
Để phòng, chống đuối nước cho trẻ, đầu tiên phải dạy trẻ biết bơi. Tuy nhiên, công tác này còn nhiều khó khăn.
Từ năm học 2017 – 2018, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) triển khai dạy bơi theo Đề án thí điểm dạy bơi, phòng, chống đuối nước cho học sinh (HS) tiểu học, THCS trong trường học giai đoạn 2017 – 2020 của UBND tỉnh. Với kinh phí gần 11 tỷ đồng, đề án sẽ lắp đặt 16 hồ bơi di động ở 7 trường tiểu học và 9 trường THCS thuộc 8 địa phương, mỗi huyện 2 hồ. Nhưng đến tháng 10-2018, mới có 10 hồ được bàn giao. Trong số này, 7 hồ đã đưa vào hoạt động, còn 3 hồ chưa vận hành do một số khâu xã hội hóa nên còn thiếu một số trang thiết bị bắt buộc và cần tập huấn chuyên môn cho giáo viên (GV). Ông Nguyễn Lai – Hiệu trưởng Trường THCS Tô Hiến Thành (xã Ninh Sim, thị xã Ninh Hòa) chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất là nhà trường chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất để dạy bơi. Đội ngũ GV có chuyên môn bơi hầu như không có, thậm chí, cán bộ, GV cũng chưa biết bơi”. Còn theo ông Nguyễn Hoài Phương – Chủ tịch UBND xã Ninh Thượng (thị xã Ninh Hòa), tổ chức cho trẻ em học bơi chung hồ theo cụm không khả thi với địa bàn nông thôn, bởi khoảng cách đi lại giữa các xã cũng hàng chục kilomet, phụ huynh ít có điều kiện đưa đón.
Nhưng cho dù cả 16 hồ bơi di động được đưa vào hoạt động thì cũng chưa đáp ứng được mục tiêu đề án và nhu cầu dạy, học bơi trong trường học. Theo đề án, từ năm học 2017 – 2018 đến hết 2019 – 2020, mỗi năm dạy bơi cho 16.800 HS tiểu học và THCS. Nhưng hết năm học 2018 – 2019, toàn tỉnh mới có 5.400 HS được học bơi, trong khi tổng số HS gần 280.000 em. Bà Hoàng Thị Lý – Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT xác nhận, trong 10 trường đã lắp đặt xong hồ bơi, một số trường GV thiếu chứng chỉ bơi.
Thiếu hồ bơi cũng là nguyên nhân cơ bản cản trở việc dạy bơi ở cấp huyện. Theo ông Nguyễn Phương Doanh – Giám đốc Nhà Thiếu nhi tỉnh, Nha Trang có 4 hồ bơi nhưng hầu hết nằm trong khuôn viên các khách sạn lớn, chủ yếu phục vụ du khách; chỉ có hồ bơi Yết Kiêu được sử dụng để tổ chức 4 lớp dạy bơi hè cho khoảng 200 – 250 em. Ở Cam Ranh, mỗi năm, với 1 hồ bơi, Nhà Thiếu nhi tổ chức được 4 lớp dạy bơi cho hơn 200 em (có thu phí; miễn phí hộ nghèo, cận nghèo). Các địa phương còn lại khó dạy bơi hè vì thiếu hồ bơi. Riêng Nhà Thiếu nhi huyện Cam Lâm chưa có hồ bơi; cán bộ phụ trách hoạt động hè phải dạy bơi cho các em tại hồ bơi thuê ngoài.
Cùng nỗ lực
Những vụ đuối nước xảy ra nhiều hơn trong mùa hè đặt ra yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng ngừa, mà trước tiên là phát triển kỹ năng bơi ở trẻ.
Trong công tác này, UBND TP. Nha Trang đã linh hoạt tháo gỡ vướng mắc để tổ chức dạy bơi hiệu quả cho thiếu nhi. Từ hè năm 2013 đến nay, Thành đoàn Nha Trang được giao chủ trì, phối hợp tổ chức dạy bơi hè cho thanh thiếu nhi, HS từ 9 đến 15 tuổi sinh hoạt tại các cơ sở đoàn, hội trực thuộc thành phố. Nhờ ngân sách hỗ trợ, học viên chỉ phải nộp lệ phí 500.000 đồng/khóa học 2 tháng (miễn phí hộ nghèo, cận nghèo). Với cách làm này, từ năm 2013 đến 2018, đã có 531 em được học bơi.
Cũng từ chỉ đạo của UBND thành phố, từ năm học 2016 – 2017, Phòng GD-ĐT TP. Nha Trang hướng dẫn các trường liên hệ hồ bơi gần trường để tổ chức dạy bơi cho HS lớp 3 và 4; họp thống nhất chương trình dạy; phân công GV có giấy chứng nhận tập huấn bơi lội do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cấp hỗ trợ các trường chưa có GV; họp phụ huynh có con em tham gia học để khám sức khỏe và bàn thời gian học. Tiền thuê hồ bơi và hỗ trợ GV từ nguồn ngân sách. Bằng cách này, năm học 2016 – 2017, Nha Trang có 360 em thuộc 18/41 trường tiểu học tham gia học bơi tại 5 hồ trên địa bàn. Kết quả, 303 HS đã biết bơi, đạt 84,2%. Năm học 2017 – 2018, thời lượng dạy tăng từ 6 buổi/khóa lên 10 buổi/khóa, có 20/41 trường tiểu học tham gia và 741/798 em đã biết bơi, đạt 92,8%. Ông Trần Nguyên Lập – Trưởng phòng GD- ĐT TP. Nha Trang cho biết, mỗi năm, phòng đều rà soát vướng mắc và tìm cách khắc phục. Ví dụ, năm học 2016 – 2017, việc bố trí GV còn lúng túng do số GV có giấy chứng nhận ít, phòng đã chủ động cân đối, sắp xếp lại cho đủ số GV có chuyên môn dạy bơi. Hết năm học 2017 – 2018, phòng chỉ đạo các trường điều chỉnh lại thời gian học bơi để tránh mùa mưa, lạnh, nâng cao hiệu quả dạy bơi.
Năm học 2018 – 2019, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo cấp THCS và THPT được dạy bơi như 1 môn học chính thống theo chương trình của bộ và là môn thể thao tự chọn, tùy điều kiện cụ thể, do hiệu trưởng từng trường quyết định. Tháng 1 vừa qua, Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức tập huấn, cấp giấy chứng nhận cho 68 GV. Tính cả GV được tập huấn ở Tổng cục Thể dục thể thao, cả tỉnh hiện có 136 GV đã có giấy chứng nhận dạy bơi cứu hộ. Trong năm nay, ngành sẽ hoàn thành lắp đặt 4 hồ bơi di động cho 4 trường ở Diên Khánh, Nha Trang, Vạn Ninh, Khánh Sơn; đồng thời mở 5 lớp tập huấn chuyên môn dạy bơi, cứu hộ môn bơi, lặn cho GV cấp tiểu học và THCS, chậm nhất xong vào tháng 10. Còn lại, 2 hồ bơi di động sẽ được lắp đặt trong năm 2020. Sở cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục chú trọng trang bị cho HS kỹ năng phòng, tránh tai nạn đuối nước; linh động lồng ghép cách xử lý tình huống với hoạt động dạy học trên lớp…
Nhằm tăng cường phòng, chống đuối nước ở trẻ em, ngày 22-5, UBND tỉnh đã ra văn bản yêu cầu cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, các địa phương rà soát, phát hiện kịp thời các khu vực có nguy cơ hoặc thường xảy ra tai nạn đuối nước và có biện pháp chủ động phòng ngừa. Sở GD-ĐT xúc tiến dạy bơi cho HS trong hè 2019. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp vận động từ nguồn xã hội hóa để trang bị áo phao miễn phí cho trẻ em ở vùng khó khăn, khu vực có nguy cơ đuối nước cao. Các cơ quan liên quan kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông đường thủy; phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em tại cơ sở; xử lý kịp thời các hành vi vi phạm…
Bên cạnh nỗ lực của nhà trường, các ngành, chính quyền và cộng đồng, các gia đình cũng cần quản lý, chăm sóc con em chặt chẽ hơn, đặc biệt trong kỳ nghỉ hè, mùa mưa bão. Chỉ khi cả cộng đồng cùng nỗ lực cao nhất mới có thể hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn đuối nước ở trẻ em.
TRÚC – MAI
Theo: Báo Khánh Hòa