Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Để Khánh Hòa giàu mạnh từ biển

Hiện nay, giá trị các ngành kinh tế biển và ven biển của tỉnh Khánh Hòa chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn. Tuy nhiên, phát triển kinh tế biển cũng đang đứng trước những thách thức rất lớn của quá trình đô thị hóa, biến đổi khí hậu.

Quy hoạch hướng đến tôn trọng thiên nhiên, môi trường


Phát biểu tại Diễn đàn “Nhà Quản lý – Nhà báo – Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường (TN-MT)” do Báo TN-MT phối hợp với Sở TN-MT và Báo Khánh Hòa tổ chức mới đây, Kiến trúc sư (KTS) Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam cho rằng, trong quá trình phát triển thì xu hướng lấn biển đang trở nên phổ biến. Việc lấn biển đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện thành công cách đây vài chục năm như: Hà Lan, Nhật Bản, Singapore… Lấn biển không chỉ là để mở rộng quỹ đất, phát triển kinh tế – xã hội mà đó còn là giải pháp chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo xu thế chung, khu vực ven biển sẽ là tâm điểm cho sự phát triển trong tương lai với sự gia tăng dân số, mở rộng các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch và thực hiện mục tiêu đô thị hóa. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 80 khu lấn biển tại 19 tỉnh, thành phố ven biển. Nhiều dự án lấn biển quy mô lớn đã và đang được thực hiện tại Hải Phòng, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang…



Một khu vực biển TP. Nha Trang nhìn từ trên cao. Ảnh: VƯƠNG MẠNH CƯỜNG



Tuy nhiên, bên cạnh những dự án được triển khai bài bản, góp phần vào phát triển kinh tế của địa phương thì một số dự án đã tác động, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, hệ sinh thái, gây xói lở bờ biển…


Theo KTS Phạm Thanh Tùng, quy hoạch phát triển Nha Trang hiện nay có sự tôn trọng thiên nhiên, môi trường, hệ sinh thái biển để phát triển bền vững, mở ra tương lai tươi sáng cho TP. Nha Trang. Bà Nguyễn Thị Lan – Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, hiện nay tồn tại một số khó khăn, vướng mắc trong quản lý trong lĩnh vực biển và hải đảo. Chính vì thế, Sở TN-MT đã kiến nghị Bộ TN-MT đề xuất bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Đồng thời, sớm hoàn thành công tác xây dựng và ban hành Qui hoạch không gian biển; qui hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ… làm cơ sở cho các địa phương ven biển thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và môi trường biển.  

 
Phát triển kinh tế biển bền vững



Ông Nguyễn Khắc Toàn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định, hiện nay, giá trị các ngành kinh tế biển và ven biển chiếm khoảng 80% GRDP trên địa bàn. Điều này tiếp tục khẳng định đường lối, hoạch định chính sách đúng đắn của Trung ương, của tỉnh trong hoạch định phát triển kinh tế biển, tạo giá trị nền tảng cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

PGS. TS Nguyễn Chu Hồi – Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, với khoảng 385km chiều dài bờ biển; gần 200 đảo lớn, nhỏ gần bờ và 3 vịnh nổi tiếng Nha Trang, Vân Phong và Cam Ranh, Khánh Hòa có những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, du lịch và dịch vụ biển.


Nhằm phát huy những tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế biển, gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xây dựng Chương trình hành động số 31-CTr/TU ngày 5-7-2019 với mục tiêu cơ bản đến năm 2030 đưa kinh tế biển và vùng ven biển, đảo của tỉnh phát triển mạnh, giữ vai trò, vị trí quan trọng và chủ đạo trong nền kinh tế của tỉnh. Theo đó, Khánh Hòa sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp từ quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư nhằm huy động mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: Dịch vụ du lịch biển chất lượng cao; công nghiệp, cảng biển, khu kinh tế gắn với phát triển các khu đô thị ven biển; nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản gắn với xây dựng nông thôn mới; dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá, vận tải biển – hàng không; kinh tế đảo.



Hiện nay, ngành du lịch với thế mạnh là du lịch biển, chiếm tỷ trọng hơn 12% GRDP trên địa bàn. Về thủy sản, toàn tỉnh hiện có 9.810 tàu cá với gần 1.000 tàu cá khai thác xa bờ. Về giao thông thủy nội địa, tỉnh đã công bố 53 tuyến với tổng chiều dài 626,89km, số bến thủy nội địa đang hoạt động là 52 bến, tổng số phương tiện thủy nội địa đã đăng ký hành chính 1.141 phương tiện, có 11 cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện thủy nội địa. Trong  giai đoạn 2017 – 2025, tỉnh quyết tâm hoàn thành mục tiêu trồng thêm 400ha rừng ngập mặn, với 2 loại cây chủ yếu là đước và tràm.


THÁI THỊNH


 

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/dac-san-xuan/202202/de-khanh-hoa-giau-manh-tu-bien-8242515/