Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Đê hèn!

Những người dự và ngay cả cảnh sát bảo vệ phiên tòa cũng phải lắc đầu trước những lời khai bình thản của bị cáo N.D.P (sinh năm 1981, trú Cam Lộc, Cam Ranh) khi mô tả lại diễn biến vụ giết chết người đã cho P. vay 100 triệu đồng.

Không chút vấp váp, P. chậm rãi “tường thuật” lại việc chở chị H. đi vào khu đất trống trên đồi, tát chị ngã, đè lên người, bóp miệng, nhét cát… P. cũng không quên mô tả cảm giác bất an của chị H. khi thấy P. chở đến nơi vắng vẻ lúc đã chập choạng tối và được P. giải thích đi lối tắt cho mau tới chỗ hẹn người quen (!) Chị H. còn yêu cầu P. không tắt đèn xe. Những lời khai đó còn được khéo léo lồng ghép với một số lời thanh minh mỗi khi thấy phù hợp. Ví như việc P. “tai” chị H. là do P. đang thương lượng rất nhẹ nhàng: cho khất nợ, trả dần, đừng nói với vợ, nếu không sẽ không trả, dù gì việc vay mượn cũng không có giấy tờ…, thì chị H. lại la lối “tao tốt với mày mà mày lừa tao, lấy tiền của tao”. Bị cáo sợ xung quanh để ý nên phải quát bị hại im miệng, nếu không sẽ đánh, nhưng chị H. lại càng lu loa thách thức. Việc P. giấu xác chị H. cũng do bị “ám ảnh”! Việc P. chạy xe của chị H. về, quăng ví của chị H. xuống mương do hoảng loạn. P. chỉ định mượn xe đi về nên đã để xe lại chợ…

Lạnh lùng hơn, lý giải về động cơ giết người sau khi nợ 100 triệu đồng và bị đòi nợ, P. rành rọt phân tích: Bị cáo không giết chị H. vì nợ tiền, bởi việc nợ nần không có giấy tờ làm bằng, cũng chẳng có ai làm chứng, chỉ có bị cáo và chị H. biết. Giả sử chị H. đòi mà bị cáo nói không vay, chị H. cũng thua! Bị cáo đã năn nỉ chị H. cho bị cáo trả trước 50 triệu đồng, tháng sau trả tiếp, nhưng chị không chịu. Nhưng P. không lý giải được vì sao lúc đó đang có 150 triệu đồng, lại chuyển khoản cho vợ 70 triệu đồng, còn lại chuyển vào tài khoản P. 80 triệu đồng nhưng không trả chị H. ít nhiều để dễ thương lượng. Bị cáo cũng không giải thích rõ được cơn cớ gì mà giết chị H.

Khi gia đình bị hại yêu cầu bị cáo phải hoàn trả lại số tiền đã vay, sau đó bồi thường và cấp dưỡng nuôi 2 con của bị hại, thì P. lại thể hiện sự tỉnh táo không ngờ khi bình tĩnh phân tích: Gia đình bị cáo nghèo, không có điều kiện bồi thường tổn thất tinh thần mức cao nhất (149 triệu đồng); chỉ có thể cấp dưỡng cho 1 đứa con của bị hại, đứa còn lại thì người cha phải có trách nhiệm, vì cha mẹ có nghĩa vụ nuôi con ngang nhau, vả lại bị cáo còn phải nuôi 1 con nhỏ. Bị cáo cũng chỉ có thể cấp dưỡng cho cha mẹ bị hại 500.000 đồng/người, mức yêu cầu 1,5 triệu đồng là quá cao! P. cũng “thật thà” thừa nhận chịu ơn chị H. Bị cáo từng vay tiền chị cho vợ làm ăn, lần này vay chơi cá độ đá banh lại bị thua.

Vụ án đã được tòa trả hồ sơ yêu cầu làm rõ một số nội dung, trong đó xác định thêm có hay không dấu hiệu tội cướp tài sản đối với hành vi của bị cáo chiếm hữu, sử dụng chiếc xe máy của bị hại. Rồi đây, bị cáo chắc chắn phải chịu sự phán xét của pháp luật. Nhưng nhìn bị cáo khóc sụt sùi khi nói lời cuối cùng, nhiều người hỏi nhau: phải chăng bị cáo khóc vì nghe đề nghị mức án chung thân? Họ nói vậy có lẽ bởi chưa quên những lời rứt ruột của cha mẹ bị hại. Hai ông bà già hom hem, ôm 2 đứa cháu lít nhít tới tòa. Mẹ bị hại xin miễn cho bị cáo tội chết, bởi đơn giản bà cũng là người mẹ, nếu có thể đổi cái chết của bị cáo để con bà sống lại thì bà cũng quyết đi tới cùng, nhưng rất tiếc không được! Bà muốn bị cáo sống để ăn năn! Còn người cha tức giận nhấn mạnh: Con tôi bị tàn tật ở chân, dụ nó lên góc đồi mà đánh, sao nó chạy được. Bị cáo là đàn ông khỏe mạnh mà tấn công, giết chết một phụ nữ khuyết tật, chồng bệnh, lại đang cho con bú, thực sự quá đê hèn! Nói rồi, ông chùi mắt…

TAM THUẬT
 

Theo: Báo Khánh Hòa