Với mục tiêu đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước đứng vững trên thị trường nội địa, Bộ Công Thương đã triển khai chương trình điểm bán hàng Việt Nam ở các tỉnh, thành phố. Tại Khánh Hòa, chương trình vừa được thực hiện ở huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn.

Trung tâm Dịch vụ – Thương mại Khánh Vĩnh và Khánh Sơn được chọn là nơi thí điểm chương trình điểm bán hàng Việt Nam do Bộ Công Thương hỗ trợ kinh phí. Ngay từ cuối tháng 9, các trung tâm này đã bắt đầu triển khai trang trí, lắp bảng hiệu, sắp xếp hàng hóa lên kệ hàng mới… Tại điểm bán hàng Việt Nam của Trung tâm Thương mại – Dịch vụ huyện Khánh Vĩnh, chúng tôi nhận thấy hàng hóa khá phong phú, đa dạng. Phần lớn các mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân như: dầu ăn, bột giặt, dầu gội, bánh kẹo, mì tôm… được sản xuất trong nước bởi các doanh nghiệp uy tín. Ông Nguyễn Văn Chính – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ – Thương mại Khánh Vĩnh cho biết: “Trung bình hàng năm, nguồn hàng của trung tâm trị giá khoảng 2 – 3 tỷ đồng với khoảng 40 – 50 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Hàng Việt hiện nay có mẫu mã, giá cả rất phù hợp với nhu cầu của người dân; chất lượng ngày càng được các doanh nghiệp quan tâm hơn. Qua khảo sát, nắm bắt nhu cầu mua sắm của người dân thời gian gần đây, chúng tôi nhận thấy hàng sản xuất trong nước rất được ưa chuộng. Vì vậy, Đề án xây dựng điểm bán hàng Việt Nam do Sở Công Thương thực hiện rất phù hợp đối với các huyện miền núi, vùng sâu vùng xa, góp phần tăng cường thêm lượng hàng Việt tại trung tâm”.

Điểm bán hàng Việt Nam tại Trung tâm Dịch vụ - Thương mại Khánh Vĩnh.

Điểm bán hàng Việt Nam tại Trung tâm Dịch vụ – Thương mại Khánh Vĩnh.

Điểm bán hàng Việt Nam tại Trung tâm Dịch vụ – Thương mại huyện Khánh Sơn cũng rất ấn tượng với người dân khi được trang trí bắt mắt bằng các bảng hiệu: “Tự hào hàng Việt”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… Theo lãnh đạo trung tâm, được lựa chọn triển khai mô hình thí điểm điểm bán hàng Việt, trung tâm đã nhận được sự hỗ trợ về quầy kệ, hướng dẫn cách thức trưng bày sản phẩm bắt mắt, hợp lý… Đặc biệt, khi trưng bảng hiệu “Điểm bán hàng Việt Nam” với sự bảo trợ từ Sở Công Thương, cửa hàng sẽ buôn bán thuận lợi hơn, người tiêu dùng cũng tin dùng, yên tâm về chất lượng hàng hóa.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Ông Huỳnh Tấn Hải – Quyền Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, phụ trách Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho biết, chương trình điểm bán hàng Việt Nam thuộc Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Bộ Công Thương triển khai. Sở Công Thương đã xây dựng mô hình thí điểm điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt” tại Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Sở đã phối hợp với các địa phương khảo sát các địa điểm bán hàng và chọn điểm bán theo các quy định của Bộ Công Thương (điểm bán phải có tỷ lệ hàng Việt Nam từ 80% trở lên). Theo đó, Bộ Công Thương hỗ trợ kinh phí 40 triệu đồng/điểm, phục vụ cho công tác tuyên truyền quảng bá, trang trí cửa hàng, quầy kệ… Đề án cũng sẽ tổ chức hội nghị kết nối giao thương giữa các đơn vị sản xuất với đơn vị kinh doanh và người tiêu dùng. Thời gian thực hiện mô hình thí điểm từ tháng 5 đến hết tháng 10-2018.

Khi Việt Nam gia nhập thị trường quốc tế thì các doanh nghiệp trong nước buộc phải nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa bằng cách cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá cả hợp lý hơn. Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, đồng thời tạo lòng tin với người tiêu dùng về chất lượng hàng Việt Nam, chương trình điểm bán hàng Việt Nam là động thái tích cực của ngành Công Thương. Sở Công Thương sẽ tiến hành tổng kết hiệu quả của mô hình thí điểm và báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh xem xét tiếp tục nhân rộng đề án này tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh bằng nguồn kinh phí của các địa phương.

MAI HOÀNG

Theo: Báo Khánh Hòa