Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Để du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Theo đánh giá của đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa, việc triển khai Chương trình hành động số 14 của Tỉnh ủy về việc “Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn” của UBND tỉnh và các sở, ngành còn chậm, nhiều nội dung đề ra chưa hoàn thành…

Triển khai chậm, nhiều hạn chế

Theo đánh giá của đoàn giám sát, việc triển khai Chương trình hành động số 14 còn quá chậm. Nhiều đề mục công việc được đưa ra trong Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động số 14 chưa hoàn thành. Một số chỉ tiêu du lịch được đặt ra (đến năm 2020 lượng phòng 3 – 5 sao chiếm 70%; tổng lượng khách đạt 8,5 triệu lượt, doanh thu từ du lịch 70.000 tỷ đồng…) có nguy cơ không đạt. Đặc biệt, việc triển khai Chương trình hành động số 14 còn nhiều hạn chế như: chưa có những chính sách dài hạn để khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân vào các lĩnh vực, ngành nghề du lịch, đặc biệt là cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch; chưa có ưu đãi đầu tư đối với vùng sâu, vùng xa có tiềm năng du lịch nhưng khả năng tiếp cận hạn chế; chưa khuyến khích phát triển sản phẩm mới, sản phẩm đặc thù, dịch vụ mang tính chiến lược.

Du khách trải nghiệm tàu lượn hầm mỏ ở Vinpearl Nha Trang.

Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển, du lịch Khánh Hòa chỉ chú trọng đến cơ sở lưu trú (đặc biệt là khách sạn cao tầng) và khu nghỉ dưỡng, ít quan tâm đến các điểm vui chơi giải trí quy mô lớn, khu biểu diễn nghệ thuật… khiến Nha Trang bắt đầu lâm vào tình trạng “thừa chỗ ngủ, thiếu chỗ chơi”. Phần lớn các doanh nghiệp du lịch có quy mô vừa và nhỏ, thiếu vốn, công nghệ nên khai thác những tài nguyên có sẵn hoặc sao chép để hình thành sản phẩm du lịch… nên chất lượng và giá trị hàm chứa trong sản phẩm thấp. Ngành Du lịch và các ngành liên quan thiếu chính sách phát triển du lịch cộng đồng, khuyến khích hỗ trợ phát triển các loại hình du lịch nông thôn, nông nghiệp, du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng; thiếu hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp sang làm du lịch ở các vùng nông thôn.

Theo đoàn giám sát, chiến lược phát triển thị trường khách quốc tế của ngành Du lịch Khánh Hòa chưa nhạy bén, thiếu tính bền vững khi phụ thuộc vào các thị trường lớn như: Trung Quốc, Nga; để thị trường khách châu Âu sụt giảm kéo dài; kích cầu du lịch nội địa chưa hiệu quả, năng lực cạnh tranh còn thấp. Sự hợp tác, liên kết phát triển du lịch thời gian qua mới chỉ tập trung vào công tác quảng bá xúc tiến, trong khi những vấn đề như xây dựng sản phẩm, phát triển nguồn nhân lực chưa được chú trọng đúng mức. Điều đó dẫn đến lực lượng lao động du lịch tuy đông đảo nhưng chưa đáp ứng kỹ năng chuyên nghiệp, hội nhập, liên kết toàn cầu.

Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp, giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp chưa thật sự chặt chẽ. Tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch vẫn tiếp diễn như: khách sạn chưa đủ điều kiện hoạt động vẫn được đưa vào kinh doanh; cơ sở lưu trú mạo danh hạng sao; doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài trái phép…

Sớm xây dựng chiến lược phát triển du lịch

Ước tính năm 2019, Khánh Hòa đã đón 7,2 triệu lượt khách lưu trú, tăng 12,6% so với năm 2018; trong đó có khoảng 3,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 27,5%. Tổng doanh thu từ du lịch ước được 27.000 tỷ đồng, tăng 24,2% so với năm 2018. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có khoảng 50.000 phòng lưu trú, trong đó số phòng có chất lượng 3 – 5 sao chiếm khoảng 67%.

Trên cơ sở đó, đoàn giám sát đề nghị, thời gian tới, UBND tỉnh tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả chủ trương, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, cần sớm hoàn thiện và ban hành chiến lược phát triển du lịch của tỉnh, xác định cơ cấu du lịch hướng đến phát triển bền vững, mở rộng không gian du lịch để giảm bớt sức ép cho Nha Trang. Bên cạnh biển đảo, thời gian tới Khánh Hòa cần phát triển du lịch văn hóa và sinh thái để đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục xây dựng Đề án Nha Trang thành đô thị thông minh trên nền tảng lấy du lịch là ngành tiên phong nghiên cứu áp dụng; tăng cường và đổi mới xúc tiến du lịch, đa dạng hóa thị trường khách quốc tế. Ngành Du lịch cần tăng cường công tác quản lý, ổn định hoạt động kinh doanh lữ hành, trọng tâm là lữ hành quốc tế; thực hiện tốt quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về du lịch giữa các cơ quan, đơn vị các cấp tại địa phương.

Đặc biệt, đoàn giám sát kiến nghị UBND tỉnh sớm bố trí quỹ đất thích hợp để xây dựng công viên, bãi đỗ xe, khu vui chơi giải trí, nhà bảo tàng, trung tâm biểu diễn và hội chợ… để tạo sân chơi và sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu của người dân và du khách. “Nha Trang – Khánh Hòa là một trung tâm du lịch lớn, có sức hút với du khách quốc tế. Vì thế, cần có những giải pháp, quyết định mang tính đột phá để nâng tầm du lịch Nha Trang – Khánh Hòa, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, ông Lê Xuân Thân – Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh bày tỏ.

XUÂN THÀNH