Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường: Vẫn chưa được quản lý chặt

Đoàn giám sát của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Khánh Hòa vừa thực hiện việc giám sát công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động dạy thêm, học thêm (DT-HT) trên địa bàn tỉnh. Kết quả sơ bộ cho thấy, hoạt động DT-HT ngoài nhà trường vẫn chưa được quản lý chặt.

Nhiều giải pháp để quản lý

Tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh, bà Hoàng Thị Lý – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết, những năm qua, công tác quản lý nhà nước về DT-HT đã được ngành chú trọng. Sở và chính quyền các địa phương thường xuyên tổ chức, tuyên truyền các quy định mới đối với hoạt động DT-HT; công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động này cũng được chú trọng. Cuối năm 2013, UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về hoạt động DT-HT. Từ năm 2014 đến 2017, đoàn đã tiến hành 4 cuộc kiểm tra trên toàn tỉnh. Trong thời gian này, sở cũng tiến hành 108 cuộc thanh tra DT-HT trong nhà trường.

Một lớp dạy thêm trong nhà trường.

UBND cấp huyện và các Phòng GD-ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai, quản lý hoạt động DT-HT. Trong đó, phòng GD-ĐT yêu cầu hiệu trưởng các trường triển khai cho giáo viên ký cam kết không tổ chức dạy thêm trái phép; phối hợp với địa phương nơi giáo viên cư trú quản lý, kiểm tra việc dạy thêm tại nhà. Tuy nhiên, việc quản lý DT-HT ngoài nhà trường vẫn còn khó khăn do ý thức chấp hành pháp luật của một số giáo viên còn hạn chế, vẫn lén lút dạy thêm không phép (trong đó có trường hợp giáo viên tiểu học, giáo viên mới ra.

Qua giám sát thực tế ở các địa phương và các trường, đoàn giám sát của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh đánh giá, hệ thống văn bản quy định về quản lý DT-HT khá đầy đủ, có đủ căn cứ để xử lý sai phạm. Tuy nhiên, trên thực tế việc kiểm tra, xử lý các vi phạm về quy định DT-HT chưa chặt chẽ. Kết quả kiểm tra cho thấy, một số trường chưa thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng các lớp DT-HT trong nhà trường cũng như chưa tổ chức sơ, tổng kết rút kinh nghiệm chỉ đạo riêng cho hoạt động này. Một số trường còn để giáo viên tự tổ chức lớp nên chủ yếu là dạy học sinh chính khóa.

Chưa được xử lý nghiêm

Tính đến cuối tháng 4-2018, Sở GD-ĐT đã cấp phép DT-HT trong nhà trường cho 28 trường THPT; cấp giấy phép DT-HT ngoài nhà trường cho 17 cơ sở. Ngoài ra, các phòng GD-ĐT cấp huyện đã cấp giấy phép DT-HT cho 53 trường THCS và 4 cá nhân tổ chức dạy thêm bên ngoài nhà trường. Mức thu phổ biến trong các cơ sở GD có tổ chức DT-HT được cấp phép từ 120.000 – 150.000 đồng/học sinh/tháng/môn/2 buổi/tuần. Việc thu, quản lý và sử dụng tiền học thêm ở bên ngoài nhà trường được thực hiện theo quyết định của UBND tỉnh. Các cơ sở được cấp phép đều thực hiện đúng quy định này.

Ông Hồ Văn Mừng – Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh cho biết, hiệu trưởng các trường đã tổ chức cho giáo viên ký cam kết không vi phạm việc tổ chức DT-HT trái phép ngoài nhà trường nhưng trên thực tế lại không quản lý được giáo viên vi phạm. Việc phối hợp giữa nhà trường với địa phương nơi giáo viên cư trú để quản lý việc DT-HT chưa chặt chẽ. Chủ tịch UBND một số xã, phường chưa tích cực tiến hành kiểm tra và xử phạt hoạt động DT-HT trên địa bàn mình quản lý theo đúng tinh thần Chỉ thị 16/2015 của UBND tỉnh. Các ban, ngành, địa phương và hiệu trưởng các trường còn ngại va chạm, sợ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của giáo viên nên chưa thực hiện nghiêm việc xử lý sai phạm.

Tại buổi làm việc với Sở GD-ĐT và các địa phương, ngành liên quan, đoàn giám sát đề nghị, ngành GD cần tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm về việc tổ chức lớp học thêm trong nhà trường, các trường thường xuyên kiểm tra chất lượng của hoạt động này; chính quyền địa phương các cấp tăng cường thành lập các đoàn liên ngành để thực hiện việc kiểm tra, xử lý các trường hợp DT-HT trái quy định. Nhiều thành viên đoàn giám sát nhấn mạnh, ngành GD và chính quyền các địa phương cần tạo điều kiện và hướng dẫn các thủ tục cấp giấy phép dạy thêm cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký dạy thêm ngoài nhà trường theo quy định của pháp luật. “Dạy thêm là lao động chính đáng của các thầy cô giáo; học thêm cũng là nhu cầu của phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, việc DT-HT phải được quản lý chặt chẽ, tránh nảy sinh tiêu cực. Các trường cần tuyên truyền cho phụ huynh về việc không khuyến khích cho con học thêm ở cấp tiểu học; tham gia học thêm đúng quy định ở cấp THCS và THPT…”, bà Nguyễn Thị Hoàng Diệp – Phó ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh đề nghị.

XUÂN THÀNH

Theo: Báo Khánh Hòa