Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Đẩy mạnh sàng lọc trong cộng đồng

Tuy bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19, nhưng nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở, năm qua, công tác phòng, chống lao ở tỉnh Khánh Hòa đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Đạt nhiều kết quả


Bác sĩ chuyên khoa I Huỳnh Minh Tâm – Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh cho biết: “Sau đại dịch Covid-19, chương trình phòng, chống lao của tỉnh được đẩy mạnh trở lại. Nhằm chủ động phát hiện sớm bệnh nhân mắc lao mới, hạn chế thấp nhất nguồn lây trong cộng đồng, bên cạnh những giải pháp đã được triển khai, bệnh viện đẩy mạnh việc khám sàng lọc lao tại cộng đồng theo chiến lược 2X (nghĩa là sử dụng các thiết bị hiện đại, gồm: xe chụp X-quang kỹ thuật số lưu động và máy xét nghiệm Gene Xpert) để phát hiện sớm ca bệnh, đưa vào điều trị và cắt đứt nguồn lây”.



Kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân nghi mắc lao tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh.



Năm 2022, bệnh viện đã áp dụng chiến lược trên để tầm soát bệnh lao tại 20 xã, phường của TP. Nha Trang, thị xã Ninh Hòa, 11 công ty thuộc Khu Công nghiệp Suối Dầu và 2 đợt tại Trại giam A2. Cùng với việc khám chủ động tại bệnh viện, năm qua, có gần 87.150 lượt người nghi mắc lao được khám (tăng 30,2% so với năm trước). Qua khám, phát hiện và thu nhận điều trị cho 1.756 bệnh nhân lao mới các thể (đạt 111,2% so với chỉ tiêu, tăng gần 38% so với năm trước). Trong số bệnh nhân lao mới, đã phát hiện 89 bệnh nhân lao kháng thuốc (tăng 71% so với năm trước).


Cùng với việc chủ động khám sàng lọc, chương trình duy trì công tác phòng, chống lao tại 100% huyện, thị xã, thành phố và xã, phường; tỷ lệ dân số được chương trình phòng, chống lao tiếp cận đạt 100%. Nhờ triển khai và áp dụng các phác đồ điều trị phù hợp với từng người bệnh, tỷ lệ bệnh nhân lao các thể trên địa bàn tỉnh được điều trị khỏi và hoàn thành điều trị đạt hơn 93% (chỉ tiêu chương trình chống lao quốc gia đưa ra là 90%).

Còn những khó khăn


Theo bác sĩ Huỳnh Minh Tâm, có được kết quả trên là nhờ sự hỗ trợ từ các dự án trong và ngoài nước, như: Quỹ Toàn cầu, USAID, Quỹ PASTB và sự nỗ lực của hệ thống phòng, chống lao từ tỉnh đến cơ sở. Đặc biệt là sự hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật từ Bệnh viện Phổi Trung ương, chương trình chống lao quốc gia. Từ các nguồn lực hỗ trợ, bệnh viện đã được trang bị nhiều thiết bị y tế hiện đại trong việc phát hiện sớm ca bệnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động phòng, chống lao của tỉnh hiện nay gặp một số khó khăn. Cụ thể, số lượng bệnh nhân lao, lao kháng thuốc trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt là tỷ lệ bệnh nhân bỏ điều trị ngày càng cao (năm 2022 tăng 2,4%). Nguyên nhân là từ tháng 7-2022, cả nước thực hiện khám, chữa bệnh lao bằng bảo hiểm y tế (BHYT) theo Thông tư số 36 của Bộ Y tế, dẫn tới nhiều bệnh nhân lao bỏ điều trị hoặc ngại không tới khám, chữa bệnh do không có kinh phí. Từ năm 2018 đến nay, Bảo hiểm xã hội tỉnh chưa thanh toán cho Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh số tiền BHYT vượt trần gần 5 tỷ đồng, gây khó khăn cho bệnh viện trong việc chi trả các khoản tiền thuốc, vật tư tiêu hao trong điều trị bệnh… “Để công tác phòng, chống lao ở tỉnh đạt kết quả cao và tiến tới chấm dứt bệnh lao năm 2030, cần sự chung tay hơn nữa từ cộng đồng, nhất là trong việc hỗ trợ bệnh nhân lao mua BHYT. Bởi hiện nay, hầu hết bệnh nhân lao đều có hoàn cảnh khó khăn”, bác sĩ Tâm kiến nghị.



Thực hiện chủ đề Ngày Thế giới phòng, chống lao năm 2023 với khẩu hiệu: “Việt Nam chiến thắng bệnh lao”, nhiệm vụ chương trình phòng, chống lao tỉnh đặt ra trong thời gian tới là tiếp tục duy trì tốt công tác chống lao tại các huyện, thị xã, thành phố và xã, phường; đẩy mạnh hoạt động phát hiện lao, lao kháng thuốc tại cộng đồng; tăng cường công tác truyền thông. Đồng thời, tranh thủ sự ủng hộ từ các đối tác, nhà tài trợ quốc tế, chương trình chống lao quốc gia, nguồn lực ở địa phương về kỹ thuật và tài chính…


C.Đan

 

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/yte-suckhoe/202303/huong-ung-ngay-the-gioi-phong-chong-lao-24-3-day-manh-sang-loc-trong-cong-dong-8277879/