UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, mục tiêu quan trọng là tạo ra những sản phẩm đặc sắc, đặc trưng từ ngành nghề nông thôn.
Nhiều ngành nghề đặc trưng
Làng nghề xoi trầm hương ở thôn Phú Hội 1, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh có lẽ là hình mẫu tiêu biểu cho việc duy trì và phát huy ngành nghề nông thôn ở Khánh Hòa. Với 350 hộ sản xuất, hơn 500 lao động thường xuyên, có tay nghề vững, thu nhập của người xoi trầm nơi đây mỗi tháng khoảng 6 triệu đồng/người. Những năm qua, cùng với nỗ lực của những người thợ xoi trầm, sự hỗ trợ thiết thực từ Nhà nước bằng việc đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các công trình trưng bày, quảng bá ngành nghề, sản phẩm từ nghề và kết nối với du lịch, làng nghề trầm hương Vạn Thắng đang vươn lên từng bước vững chắc.
Cùng với xoi trầm, một số nghề đã được nhiều người biết đến khi nhắc tới Khánh Hòa, như: Khai thác, chế biến tổ yến; đúc đồng; làm gốm; dệt chiếu; chế tác đá mỹ nghệ… Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), toàn tỉnh có hơn 4.700 cơ sở sản xuất kinh doanh về ngành nghề nông thôn. Trong đó, ngành nghề chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản chiếm tỷ lệ lớn với gần 1.700 cơ sở. Các ngành nghề liên quan đến thủ công mỹ nghệ, sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may… cũng khá phổ biến với khoảng 1.500 cơ sở.
Những năm qua, tỉnh đã công nhận 6 nghề truyền thống, 4 làng nghề và 1 làng nghề truyền thống. Doanh thu mỗi năm từ các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống này gần 40 tỷ đồng, thu hút gần 1.300 lao động nông thôn với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng.
Đẩy mạnh hỗ trợ
Ngân sách nhà nước sẽ tập trung thực hiện hỗ trợ phát triển 7 nghề, như: Nghề làm gốm (Vạn Ninh); nghề làm bún bánh, dệt chiếu cói (thị xã Ninh Hòa); đúc đồng (huyện Diên Khánh); chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản (TP. Cam Ranh)… Có 9 dự án phát triển làng nghề sẽ được triển khai, trong đó có làng nghề xoi trầm hương, chế tác đá cubic, sản xuất cá – mực khô, làm bánh (Vạn Ninh); làng nghề trồng hoa cúc, chế tác đá mỹ nghệ (Ninh Hòa); làng nghề bún bánh (Diên Khánh); nghề truyền thống gỗ mỹ nghệ và mây tre đan, nghề mỹ nghệ trầm hương (Cam Ranh). Đặc biệt, sẽ có 2 làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới được triển khai, đó là nghề xoi trầm hương, thôn Phú Hội 1, xã Vạn Thắng và làng nghề sản xuất cá khô, mực khô ở thôn Tây Bắc, xã Đại Lãnh, Vạn Ninh. |
Theo ông Huỳnh Quang Thành – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, bên cạnh những điểm nhấn đáng chú ý, nhìn chung, các ngành nghề nông thôn vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Nhiều ngành nghề đã và đang dần mai một, thậm chí biến mất do thiếu vùng nguyên liệu, đơn cử nghề dệt chiếu. Nhiều ngành nghề khó khăn về mặt bằng (nhà xưởng) sản xuất, phổ biến là sử dụng nhà ở làm xưởng sản xuất; khi quy mô sản xuất tăng lên hoặc có sử dụng thiết bị, hóa chất gây ô nhiễm môi trường trong khu vực dân cư. Phần lớn sản phẩm hàng hóa của ngành nghề nông thôn chưa có nhãn hiệu – thương hiệu, chất lượng chưa đồng đều, cạnh tranh yếu thế so với sản phẩm công nghiệp cùng loại.
Theo kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn Khánh Hòa giai đoạn 2021 – 2025, trong 5 năm tới, tỉnh sẽ dành gần 40 tỷ đồng để phát triển làng nghề; gần 80% số vốn này từ ngân sách nhà nước, còn lại của các chủ thể sản xuất. Hoạt động hỗ trợ của Nhà nước tập trung vào 3 nhiệm vụ chính: Bảo tồn các nghề truyền thống lâu đời, đang có nguy cơ mai một; khôi phục để phát triển một số nghề phát triển cầm chừng và mở rộng, nâng tầm các nghề, làng nghề đang phát triển tốt. Cụ thể, sẽ có thêm 15 nghề, làng nghề ở khu vực nông thôn được công nhận; xây dựng 7 dự án phát triển ngành nghề nông thôn; 9 dự án phát triển làng nghề; 2 làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới; bảo tồn và phát triển 3 nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền…
Ngoài ra, nhiệm vụ hỗ trợ các cơ sở đúc đồng di dời ra khỏi khu dân cư cũng sẽ được thực hiện. Cùng với đó là xây dựng 3 điểm trưng bày sản phẩm ngành nghề cho các nghề, làng nghề tại Nha Trang, Cam Ranh và Ninh Hòa.
Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT – đơn vị chủ trì triển khai kế hoạch, song hành với các chính sách hỗ trợ về kinh phí, các hoạt động đào tạo nghề, xúc tiến thương mại, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xác lập quyền sở hữu trí tuệ… cũng được đẩy mạnh. Mục tiêu phát triển nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống ở khu vực nông thôn có thể làm ra được các sản phẩm đặc sắc, đặc trưng, đồng thời đáp ứng được thị hiếu, đòi hỏi của người tiêu dùng.
Hồng Đăng
Theo: Báo Khánh Hòa
Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202104/day-manh-phat-trien-nghe-nong-thon-8214537/