Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Đẩy mạnh các hoạt động phát hiện lao sớm

Chủ động phát hiện các ca mắc mới, mở rộng phạm vi sàng lọc; nâng cao chất lượng xét nghiệm và năng lực hệ thống xét nghiệm… là những hoạt động được đẩy mạnh trong chương trình chống lao ở tỉnh năm qua. Nhờ thế, công tác phòng, chống lao đạt hiệu quả cao.

Đạt hiệu quả tích cực


Sau 9 tháng tham gia điều trị lao kháng thuốc theo phác đồ mới, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân (BN) Hồ Mạnh H. (55 tuổi, TP. Nha Trang) khỏi bệnh hoàn toàn. Theo BN H., ông mắc bệnh lao đã 6 năm. Do công việc thường đi xa nên ông đã 2 lần bỏ điều trị giữa chừng. Khi bệnh chuyển nặng, nhập Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, ông H. mới biết mình bị mắc lao kháng thuốc. Ông được bác sĩ chỉ định điều trị theo phác đồ lao kháng thuốc mới. Theo phác đồ cũ, ông phải điều trị tới 20 tháng, với phác đồ mới chỉ còn 9 tháng, giúp ông phục hồi nhanh sức khỏe.



Khám cho bệnh nhân lao ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh.



Năm 2019, nhiều BN lao kháng thuốc trên địa bàn tỉnh cũng đã được điều trị khỏi bằng phác đồ điều trị mới (tỷ lệ điều trị khỏi chiếm hơn 87%), qua đó góp phần hạn chế nguồn lây có tính chất nguy hiểm cho cộng đồng. Bên cạnh kết quả trên, tỷ lệ điều trị khỏi BN lao phổi mới đạt hơn 98%, cao hơn 8% so với chỉ tiêu của chương trình chống lao quốc gia và tăng gần 2% so với năm 2018. Tỷ lệ BN bỏ điều trị là 0,07%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ chung của toàn quốc (2,5%). Năm 2019, hệ thống mạng lưới phòng, chống lao ở tỉnh đã thực hiện khám cho 80.680 lượt người nghi lao (đạt 120% kế hoạch); xét nghiệm soi đàm trực tiếp (AFB) cho 10.326 người (chiếm 0,8% dân số). Tổng số BN lao các thể được phát hiện, quản lý và thu nhận điều trị hơn 1.580 người, trong đó có 42 trường hợp lao kháng thuốc.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp


Theo bác sĩ Hồ Tá Phương – Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, đạt được kết quả trên là do chương trình chống lao của tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, toàn tỉnh đã thành lập 10 tổ chống lao ở các huyện, thị xã, thành phố, tại Trại giam A2 và Bệnh viện Quân y 87. Hoạt động khám sàng lọc tại cộng đồng được triển khai tốt, nhất là ở những đối tượng có nguy cơ cao. Toàn bộ mạng lưới phòng, chống lao ở các địa phương đã cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc điều trị và thuốc hỗ trợ điều trị cho 100% BN lao.


Song song đó, chất lượng xét nghiệm và năng lực hệ thống xét nghiệm trong toàn tỉnh được đẩy mạnh, đặc biệt là ứng dụng các công nghệ kỹ thuật mới để chẩn đoán nhanh, chính xác bệnh lao, lao đa kháng (CT-Scan phổi, nội soi phế quản, nuôi cấy Mgit, Gene Xpert, soi đờm trực tiếp bằng kính hiển vi huỳnh quang đèn LED); thành lập thêm điểm xét nghiệm kỹ thuật hiện đại Gene Xpert tại Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa.


Ngoài các hoạt động phát hiện bệnh lao thụ động, chương trình chống lao của tỉnh đã tăng cường công tác phát hiện lao chủ động bằng cách tổ chức khám sàng lọc cho 100% phạm nhân ở Trại giam A2, 281 trẻ em có tiếp xúc với nguồn lây trong hộ gia đình có người bị bệnh lao phổi, 220 học sinh tại Làng Trẻ em SOS… qua đó phát hiện 53 BN lao các thể; tích cực phối hợp với 472 cơ sở y tế tư nhân và công lập nằm ngoài hệ thống trong công tác phòng, chống lao. Qua khám sàng lọc, các cơ sở này đã hỗ trợ chương trình phát hiện được 490 BN lao các thể. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì, cập nhật và áp dụng song song 2 phác đồ điều trị lao kháng thuốc cho 2 nhóm BN khác nhau nhằm rút ngắn thời gian điều trị và tăng hiệu quả điều trị cho BN; huy động xã hội hưởng ứng và ủng hộ phong trào gây dựng Quỹ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB), qua đó hỗ trợ cho 3 người bệnh lao có hoàn cảnh khó khăn với số tiền hơn 12 triệu đồng…


Bác sĩ Hồ Tá Phương cho biết: “Khó khăn hiện nay trong công tác phòng, chống lao là cán bộ chống lao tuyến huyện đa phần là y sĩ và còn kiêm nhiệm nhiều công việc; công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bệnh lao cho người dân tộc thiểu số tại các khu vực vùng sâu, vùng xa và miền núi còn hạn chế… Mặc dù vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục giữ vững những kết quả đạt được. Đồng thời, trong năm 2020, tăng cường kỹ năng phát hiện, chẩn đoán, quản lý và giám sát các nguồn bệnh lao ở cộng đồng; đẩy mạnh công tác quản lý lao đa kháng thuốc; chủ động thực hiện công tác phát hiện lao ở trẻ em…”.


C.Đan



Chủ đề ngày Thế giới phòng, chống lao của Việt Nam năm nay: “Biến hiểm họa Covid-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030”. Ý nghĩa của chủ đề là từ cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19, mọi người hãy chung tay tích cực hơn nữa trong công cuộc phòng, chống bệnh lao. Theo WHO, bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng. Hàng năm, trên thế giới ghi nhận khoảng 10 triệu BN lao mới và gần 1,5 triệu người tử vong do lao. Tại Việt Nam, số ca mắc mới khoảng 174.000 người, khoảng 11.000 người tử vong. Bệnh lao thường kéo dài âm thầm và được phát hiện muộn; từ khi phát bệnh đến khi tử vong, BN lao sẽ lây bệnh cho rất nhiều người trong cộng đồng. Bệnh lao có thể được chữa khỏi hoàn toàn, vì thế, nếu có yếu tố nghi ngờ, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.

 



 

Theo: Báo Khánh Hòa ( https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/yte-suckhoe/202003/huong-ung-ngay-the-gioi-phong-chong-lao-24-3-day-manh-cac-hoat-dong-phat-hien-lao-som-8155910/ )