Thời gian qua, nhiều dự án khu nghỉ dưỡng trên các tuyến đường Phạm Văn Đồng, Nguyễn Tất Thành… trong quá trình xây dựng, đơn vị thi công đã tự ý đấu nối từ đường nội bộ ra đường chính, “quên” không xin phép cơ quan chức năng.
Hàng chục trường hợp bị phạt
Doanh nghiệp (DN) tư nhân Ban Mai thực hiện dự án Khu du lịch Non Nước đã mở một con đường từ dự án đấu nối vào Đại lộ Nguyễn Tất Thành. Vị trí đấu nối nằm ngay lưng dốc đèo Cù Hin. Đây là đoạn đường cong cua, khuất tầm nhìn với mật độ phương tiện lưu thông cao nên dễ dẫn đến mất an toàn giao thông. Theo quan sát của chúng tôi, đường đấu nối có bề ngang khoảng 10m, đủ để các phương tiện xe ben có thể thoải mái lưu thông.
Ngay khi phát hiện DN này tự ý đấu nối, thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã nhắc nhở, mời DN lên làm việc và yêu cầu hoàn trả lại đường. Tuy nhiên, DN vẫn cố tình cho xe lưu thông, thanh tra sở đã ra quyết định xử phạt DN này 35 triệu đồng về hành vi đấu nối từ đường nhánh ra đường chính; đồng thời cho đơn vị bảo trì đặt 2 cục bê tông chắn không cho phương tiện lưu thông. “Hiện đơn vị này đã dừng thi công, chúng tôi cũng yêu cầu phải hoàn trả đường. Nếu muốn đấu nối để triển khai thì DN phải đến Sở GTVT làm việc và xin cấp phép. Đến nay, DN đã đóng tiền phạt, nhưng chưa hoàn trả mặt bằng”, đại diện thanh tra giao thông cho biết.
Cạnh đó, Công ty TNHH Dịch vụ Nam Hợp Hưng không chỉ đấu nối trái phép ra đường chính mà còn xây dựng trái phép trên hành lang an toàn đường bộ. DN này cũng bị xử phạt 2 hành vi với số tiền 47 triệu đồng. Sau khi được tuyên truyền, phổ biến những kiến thức về an toàn hành lang đường bộ và bảo vệ kết cấu, DN đã khắc phục, hoàn trả lại đường.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, chỉ tính riêng trên địa bàn TP. Nha Trang đã có 22 trường hợp đấu nối trái phép bị xử phạt với tổng số tiền gần 350 triệu đồng. Các đơn vị này đa phần là các DN thi công các khu nghỉ dưỡng, resort.
Khó khăn trong xử lý
Nghị định 11/2010-NĐ/CP của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và Thông tư 50 của Bộ GTVT hướng dẫn một số điều thực hiện Nghị định 11 đã quy định: Những công trình muốn mở đường đấu nối vào tuyến đường chính đều phải được các cấp thẩm quyền phê duyệt, cấp phép. |
Ông Nguyễn Văn Dần – Giám đốc Sở GTVT cho biết, trong quá trình thi công, nhiều dự án khu nghỉ dưỡng đã “bỏ quên” thủ tục xin phép đấu nối từ đường nhánh nội bộ của dự án ra các đường chính. Việc đấu nối trái phép ảnh hưởng lớn đến an toàn giao thông và hư hại kết cấu hạ tầng đường. Hành vi này bị xử phạt rất nặng. Từ đầu năm đến nay, việc vi phạm đấu nối diễn ra khá phức tạp và nhiều hơn so với những năm trước. Sở đã yêu cầu thanh tra giao thông cùng với hạt đường bộ phối hợp, thường xuyên kiểm tra; khi phát hiện thì kịp thời nhắc nhở, nếu cố tình không khắc phục sẽ xử phạt.
Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, công tác tuần tra, phát hiện và xử lý đối với hành vi xâm hại đến kết cấu hạ tầng giao thông và hành lang an toàn giao thông đường bộ còn nhiều khó khăn. “Khi phát hiện các hành vi vi phạm về đấu nối, Hạt Quản lý cầu đường và Đội Thanh tra số 1 (Thanh tra Sở GTVT) rất khó xác định chủ thể vi phạm (nhất là đối với các khu dân cư, hộ dân) để tiến hành lập biên bản theo quy định. Không chỉ vậy, một số trường hợp hộ dân không hợp tác làm việc, một số thì sau khi thực hiện hành vi vi phạm lại bỏ đi nơi khác”, ông Nguyễn Đức Vinh – Phó Đội trưởng Đội Thanh tra số 1 cho biết.
Ngoài ra, nhiều DN, hộ dân thực hiện hành vi đấu nối trái phép vào ban đêm nên cơ quan chức năng khó phát hiện. Không chỉ vậy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tuần đường thuộc Hạt Quản lý cầu đường còn bị người dân hăm dọa, gây khó khăn.
“Thực tế để phát hiện và xử lý kịp thời việc đấu nối trái phép của hộ dân hay DN rất cần sự chung tay của chính quyền địa phương cấp xã. Mong rằng thời gian tới, địa phương phối hợp để xác minh tên hộ vi phạm; tăng cường tuyên truyền giải thích, nhắc nhở các trường hợp vi phạm và trực tiếp ngăn chặn xử lý kịp thời”, ông Vinh nói.
MẠNH HÙNG
Theo: Báo Khánh Hòa