Triển lãm ảnh “Pot-Au-Phở” là một dự án hợp tác giữa Julien Brun (người Pháp) và Nguyễn Dạ Quyên (người Việt Nam), được khai mạc từ ngày 7/4 tại Toong (coworking space) tại số 126 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Pháp. |
Ý tưởng về dự án trên được ra đời vào 2011, lấy cảm hứng từ cuộc sống thường nhật ở Việt Nam và bật mí mối liên hệ độc đáo trong ngôn ngữ giữa hai nước, trong bối cảnh hai nền văn hoá Pháp-Việt đã có sự giao thoa từ xa xưa. “Pot-Au-Phở” là một cách chơi chữ, ghép từ chữ “Pot-au-feu” (tên món ăn súp bò hầm) của Pháp và “Phở” của Việt Nam, như một sự kết hợp của văn hóa Việt-Pháp, hay dấu ấn từ gốc Pháp trong tiếng Việt. |
“Pot-Au-Phở” giới thiệu 38 tác phẩm trong đợt triển lãm này, bao gồm những ảnh chụp nhiều từ ngữ, vật dụng quen thuộc của tiếng Việt có nguồn gốc từ tiếng Pháp. Từ điển tiếng Việt hiện đang có tầm hơn 500 từ ngữ có gốc Pháp hay từ hỗn chủng với tiếng Pháp, như từ Pâté (thịt ba tê), Poupée (búp bê), Rideau (màn ri đô), Rodage (chạy rô đa), Rondelle (lông đền), Sandale (giày xăng đan),… |
Toàn bộ các tác phẩm tại triển lãm đều là ảnh đen trắng với ngụ ý làm nổi bật màu sắc của chi tiết có nguồn gốc mượn từ tiếng Pháp. Những ảnh này được tác giả Julien Brun sáng tác tại nhiều nơi khác nhau tại Việt Nam như Hà Nội, Hội An, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, Sa Đéc, Cao Lãnh, Sóc Trăng, TP.HCM… Trong ảnh là tác phẩm thể hiện chiếc ghi-đông, xuất phát từ từ “guidon” trong tiếng Pháp, có nghĩa là tay lái của xe hai bánh. |
Ngoài ra, toàn bộ hình ảnh đều không có tên hay tiêu đề vì đó chính là thử thách cho khách tham quan khi sử dụng khả năng quan sát, vốn hiểu biết để đoán từ tiếng Việt mượn từ tiếng Pháp được thể hiện trong mỗi hình. |
Bên cạnh đó, ban tổ chức triển lãm cũng chu đáo chuẩn bị cho khách tham quan những tờ postcard, phía mặt sau có bản từ vựng những từ tiếng Việt gốc Pháp được thể hiện qua các tác phẩm. Khách tham quan có thể vừa xem bản hướng dẫn này và đối chiếu với các bức ảnh trong triển lãm. |
Một trong những từ phổ biến nhất mà người Việt thường sử dụng trong ngôn ngữ hàng ngày có lẽ là món ăn “bánh mì”, xuất phát từ từ “pain de mie” trong tiếng Pháp. Bánh mì từ lâu đã là món ăn quen thuộc của Việt, có nguồn gốc từ ổ bánh mì baguette, do người Pháp đem vào Việt Nam. |
Cùng với đó, món ăn thường được kẹp với bánh mì là pa-tê cũng được thể hiện qua ảnh tại triển lãm. Món ăn quen thuộc này được xuất phát từ từ “pâté” trong tiếng Pháp. |
Cũng như vậy, loại thịt phi lê được bán phổ biến ở các chợ, siêu thị cũng có nguồn gốc từ từ “filet” trong tiếng Pháp. |
Triển lãm đã thu hút được khá đông người đến tham quan, trong đó, chiếm số lượng không ít là các bạn trẻ đến để thưởng lãm và tìm hiểu thêm kiến thức. Nguyễn Thị Ngân (người nữ, nhân viên kế toán) cho biết bạn đang muốn học tiếng Pháp và triển lãm này đã mang đến những kiến thức hữu ích cũng như niềm cảm hứng cho bạn để học tiếng Pháp. |
Bên cạnh đó, lượng khách người nước ngoài đến tham quan triển lãm cũng chiếm số lượng lớn. Jeanne Leenhardt, đến từ Paris, cho biết cô mới đến Việt Nam và vô tình biết đến triển lãm này. Mặc dù đã có sự am hiểu về sự giao thoa giữa hai nền văn hoá Pháp-Việt nhưng cô vẫn cảm thấy rất bất ngờ khi người Việt ngày nay vẫn sử dụng rất nhiều từ mượn của tiếng Pháp. |
Chia sẻ về việc tổ chức triển lãm lần này, chị Nguyễn Dạ Quyên cho biết: “Tôi muốn cho các bạn trẻ hiểu biết thêm về nguồn gốc của nhiều từ vựng tiếng Việt mà các bạn vẫn đang sử dụng hàng ngày. Ngoài ra, đối với khách du lịch, đặc biệt là người Pháp, tôi muốn cho họ thấy được những điểm chung rất khăng khít của nền văn hoá Việt-Pháp, thay vì tâm lý chung đi du lịch để tìm ra những điểm khác biệt giữa các quốc gia”. |
Trong khi đó, Julien Brun, người chụp những bức ảnh này, là Tổng giám đốc của một công ty tư vấn. Ông hiện đã sống và làm việc tại Việt Nam hơn 13 năm, và xem đây là “nhà” của mình. |
Toàn bộ các tác phẩm được được trưng bày tại cả 2 tầng ở Toong Minh Khai. Triển lãm ảnh “Pot-Au-Phở” được mở cửa tự do đến hết ngày 30/4. |
Theo: Zing News