Chung cư bớt “nóng”, đất nền sốt ảo
Theo Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), nguồn cung căn hộ chung cư tiếp tục gia tăng (trong năm 2017, tại Hà Nội và TP.HCM có gần 88 nghìn căn hộ tại 200 dự án đủ điều kiện được bán đã đưa ra chào bán trên thị trường). Tuy nhiên có dấu hiệu nhu cầu mua chung cư chững lại.
Do vậy, giá nhà chung cư trên thị trường không tăng nhiều, thậm chí một số khu vực giá nhà ở có xu hướng giảm nhẹ, một số chủ đầu tư giảm giá bán bằng nhiều chính sách khuyến mại đa dạng như tặng nội thất, miễn phí dịch vụ 5 năm…
Đối với phân khúc nhà thấp tầng tại các dự án giá tăng nhẹ do số lượng hàng hóa hạn chế, ít dự án mới đưa vào thị trường. Trong khi nhu cầu người tiêu dùng về loại hình này tăng.
Còn theo báo cáo của Viện Kinh tế Xây dựng, giá giao dịch của một số loại hình bất động sản như sau: Tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tháng 4/2018 giảm nhẹ (khoảng 0,04%) so với tháng 3/2018. Còn đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng nhẹ (khoảng 0,34%) so với tháng 3/2018.
Trong khi đó tại TP.HCM, giá căn hộ chung cư tháng 4/2018 có tăng nhẹ (khoảng 0,34%) so với tháng 3/2018, còn đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng nhiều hơn (khoảng 0,92%).
Đáng lưu ý theo Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, thời gian vừa qua các phương tiện truyền thông đã phản ánh tình hình thị trường đất nền tại một số địa phương có diễn biến phức tạp.
Cụ thể, đã xuất hiện tình trạng giá đất nền tăng cao trong thời gian ngắn tại Quận 9, Huyện Củ Chi, Huyện Cần Giờ – TP.HCM; Tp. Nha Trang – Khánh Hòa; khu vực sân bay Long Thành – Đồng Nai và đặc biệt tại 3 địa phương đang chuẩn bị thành lập đặc khu kinh tế như Vân Đồn – Quảng Ninh, Vân Phong – Khánh Hòa, Phú Quốc – Kiên Giang.
Ngoài ra, thị trường đất nền tại một số khu vực của một số địa phương khác như: Hà Đông – Hà Nội, Vĩnh Yên – Vĩnh phúc, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Đà Nẵng… cũng diễn ra sôi động, giá đất nền tăng cao do một số nhóm đầu cơ tạo ra cơn sốt ảo.
Theo Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, việc công bố quy hoạch hệ thống hạ tầng và một số dự án lớn tại các khu vực trên đã có tác động kích thích làm tăng giá đất đồng thời khiến việc phân lô bán nền tăng thêm.
Theo đó, giới đầu cơ, những người môi giới lợi dụng các thông tin về quy hoạch và các tin đồn để làm giá, đẩy giá đất lên cao thu lợi bất chính.
“Những nhà đầu tư thứ cấp cũng theo tâm lý đám đông mua gom đất, chờ lên giá tạo nên cơn sốt ảo tại các khu vực này”, Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết.
Nguy cơ mặc kẹt khi sốt đất hạ nhiệt
Theo nhận định của Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, tình trạng mua bán sôi động tại các khu vực nói trên tạo nên cơn sốt ảo, có tác động xấu đến thị trường bất động sản.
Cơ quan này cho rằng, sau một thời gian nhóm đầu cơ, thổi giá rút đi sẽ tạo làn sóng bán ra ồ ạt và hệ quả là nhiều nhà đầu tư sau mua đất với giá cao của nhà đầu tư trước phải bán đi để cắt lỗ, nhiều nhà đầu tư không bán kịp sẽ bị mắc kẹt.
“Hậu quả để lại cho thị trường rất nặng nề, người có nhu cầu thực không thể có đủ tiền để mua do giá đất bị đẩy lên cao, người đầu cơ không có nhu cầu ở nhưng lại không bán được, vì nếu bán thì lỗ nặng. Dẫn đến tình trạng nhiều nhà, đất sẽ để hoang hóa không sử dụng, lãng phí tài nguyên và nguồn lực của xã hội”, Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản lo ngại.
Tại một diễn đàn về bất động sản mới đây, ông Trần Kim Chung – Phó viện trưởng Viên nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, nếu có 10 dấu hiệu để thị trường bất động sản lung lay, bong bóng thì thời điểm hiện tại có đến 8 điểm.
Ông Chung nêu rõ 8 dấu hiệu đó là giao dịch; giá cả; các công trình khởi công; địa bàn triển khai tăng; chủ thể tham gia thị trường bất động sản; quy mô giá trị dự án; nguồn tiền vào các dự án bất động sản… đều tăng.
“Truyền thông cũng quan tâm nhiều hơn. Bây giờ truy cập vào internet thì 1/3 thông tin về bất động sản. Như vậy chỉ còn 2 điểm nữa là chúng ta sẽ chạm ảnh hưởng vào khủng khoảng 2008 -2009 là đầu tư công và nguồn vốn xây dựng nhà đất. Nếu hai nguồn này đang kéo ngược thị trường bất động sản. Cho nên chúng ta vẫn còn có thể yên tâm”, ông Chung nói.
Cũng theo vị này, từ kinh nghiệm cho thấy thị trường bất động sản có chu kỳ cứ 10 năm lại quay vòng lại một vòng: Phục hồi – tăng trưởng – suy thoái – khủng khoảng.
“Trên thực tế từ năm 2011 đến 2013 chúng ta nằm ở đáy khủng khoảng, 2014 phục hồi, năm 2015-2016-2017 đạt mức bắt đầu tăng. Với năm 2018 thì không làm gì thị trường cũng tăng nhưng đây là thời điểm cực kỳ nhạy cảm”, ông Chung nói.
Trả lời câu hỏi của Dân trí có nên đầu tư vào đất nền thời điểm này, ông Phạm Thanh Hưng – Phó chủ tịch CEN Group cho rằng, mỗi nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường bất động sản đưa ra cho mình những nguyên tắc nhất định, không nên đầu tư theo kiểu phong trào.
“Thấy người ta mua cũng mua, thấy người ta đầu tư cũng đầu tư sẽ dẫn đến thiệt thòi. Khi đầu tư ai cũng nghĩ mình sẽ có lãi, nhưng thực tế không phải vậy”, ông Hưng nói và khuyên các nhà đầu tư khi tham gia thị trường bất động sản cần có những nguyên tắc nhất định để tránh nhận rủi ro.
Nguyễn Mạnh
Theo: Dân Trí