Sáng 12-5, trong khuôn khổ Festival Biển 2019,  Trường Đại học Khánh Hòa và Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam (VITEA) cùng khách sạn Galina Nha Trang tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Đào tạo nguồn nhân lực du lịch trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”. Hội thảo do PGS.TS Phạm Trung Lương – Phó Chủ tịch VITEA chủ trì với gần 100 nhà quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực du lịch trên toàn quốc tham gia.

Chất lượng nhân lực du lịch còn thấp

Theo báo cáo của VITEA, so với các nước trong khu vực, chất lượng du lịch Việt Nam còn hạn chế; một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng đó là do nhân lực của chúng ta vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chuyên môn nghiệp vụ. Hiện nay, cả nước có khoảng 1,7 triệu lao động đang làm việc trong ngành Du lịch, nhưng tỷ lệ lao động có chuyên môn nghiệp vụ du lịch chỉ đạt khoảng 43%, hơn 50% số lao động làm du lịch không biết ngoại ngữ. Dự báo đến năm 2020, ngành Du lịch cả nước cần 2 triệu lao động trực tiếp cho các cơ sở du lịch; mỗi năm, ngành Du lịch cần thêm khoảng 40.000 lao động. Tuy nhiên, năng lực đào tạo của các trường trong nước chưa đáp ứng được con số này.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Cần nâng cao chất lượng nhân lực du lịch.

Cần nâng cao chất lượng nhân lực du lịch.

GS.TS Đào Mạnh Hùng – Chủ tịch VITEA cho biết: Qua khảo sát tại các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch cho thấy, chương trình đào tạo chưa thống nhất, chưa sát với nhu cầu của xã hội; chất lượng giảng viên còn thấp; cơ sở vật chất giảng dạy còn thiếu; phương pháp giảng dạy còn nặng về lý thuyết, coi nhẹ hoặc lẩn tránh việc thực hành. Điều đó đã khiến người lao động ra trường không bắt kịp với thực tế công việc; giao tiếp cơ bản trong công việc chưa đạt yêu cầu, đặc biệt là việc sử dụng ngoại ngữ…

Các đại biểu tham gia hội thảo đều nhìn nhận, vấn đề phát triển nguồn nhân lực du lịch, nhất là nhân lực chất lượng cao đang là thách thức của du lịch Việt Nam trong tình hình mới. Hiện nay, ngành Du lịch ASEAN đã xây dựng tiêu chuẩn chung cho 6 nghiệp vụ: lễ tân, buồng phòng, bếp, dịch vụ ăn uống, đại lý du lịch và điều hành tour với tổng số 32 chức danh nghề nghiệp (không bao gồm hướng dẫn viên du lịch). Sắp tới đây sẽ triển khai thỏa thuận cho phép người lao động được dịch chuyển trong ngành Du lịch các nước khối ASEAN, nên nếu không chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, du lịch Việt Nam sẽ thua ngay trên sân nhà.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Tiến sĩ Nguyễn Văn Lưu – nguyên Vụ trưởng Vụ Đào tạo của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho rằng, cần phải quan tâm đúng mức đến chiến lược phát triển nhân lực du lịch. Ông đề nghị cần xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh hợp tác quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0; tăng cường mối liên hệ giữa đơn vị quản lý nhà nước về du lịch, nhà trường, doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả đào tạo nhân lực du lịch; số hóa công tác quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn nhân lực du lịch…

Tính đến thời điểm này, cả nước có 196 cơ sở đào tạo du lịch, gồm 65 trường đại học có khoa du lịch, 55 trường cao đẳng, 71 trường trung cấp và 4 trung tâm đào tạo nghề. Hàng năm, các cơ sở đào tạo du lịch cho ra trường khoảng 22.000 sinh viên, học viên. Trong đó, có khoảng 1.800 sinh viên đại học, cao đẳng chuyên nghiệp; 2.100 sinh viên cao đẳng nghề du lịch, 18.200 học viên hệ trung cấp. Chất lượng đào tạo nhân lực còn nhiều bất cập.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay như: thống nhất chương trình chung cho các cơ sở đào tạo; nâng cao cơ sở vật chất của cơ sở đào tạo và trình độ của giảng viên giảng dạy du lịch; tăng cường thời gian thực hành, học ngoại ngữ và tin học, thí điểm đào tạo một số ngành nghề bằng tiếng Anh để nâng cao khả năng hội nhập cho người lao động. Đặc biệt, nhiều đại biểu đề nghị các cơ sở đào tạo cần liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp du lịch, trong đó các doanh nghiệp nên chủ động đặt hàng cho cơ sở đào tạo, tạo điều kiện cho sinh viên thực tập tại cơ sở, từ đó triển khai việc kiểm tra tay nghề, tuyển dụng nhân viên sau khóa học. “Khi đào tạo đòi hỏi phải có thực hành, nhưng khi đi thực tập sinh viên lại ít được tiếp cận, cọ xát với công việc thực tế… nên không tích lũy được kinh nghiệm. Đây là điều nhà trường và doanh nghiệp tiếp nhận sinh viên phải thay đổi”, GS.TS Đào Mạnh Hùng nhấn mạnh. Ông Nguyễn Văn Thành – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa đề nghị các trường đại học, cao đẳng du lịch của Việt Nam cần tăng cường kinh nghiệm nâng cao kỹ năng thực hành của sinh viên.

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Thị An – Trường Đại học Khánh Hòa đề nghị phải đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của cách mạnh công nghiệp 4.0 trong đào tạo nhân lực du lịch; tăng cường liên kết, học tập kinh nghiệm đào tạo của các trường nước ngoài; đổi mới cách thức học tiếng Anh của sinh viên các trường du lịch… Ở một góc độ khác, PGS.TS Phạm Trung Lương đề nghị phải đổi mới chương trình đào tạo marketing du lịch 4.0; tăng cường cập nhật hiểu biết và nâng cao trình độ công nghệ thông tin cho đội ngũ giảng viên để phục vụ công tác giảng dạy…

XUÂN THÀNH