Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Đại lễ Vesak 2019: Chiêm ngưỡng những ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam

Từ ngày 12-14/5/2019 Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2019, do Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai chủ trì, sẽ được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc, tỉnh Hà Nam, với sự tham dự của 1.600 đại biểu Phật giáo đến từ 105 nước và vùng lãnh thổ.

Đây còn là dịp để Việt Nam giới thiệu đến các bạn bè quốc tế về hệ thống chùa chiền của người Việt ở trong và ngoài nước.

Bộ ảnh hệ thống chùa chiền Việt Nam gồm 45 bức ảnh do TTXVN cung cấp, được chia làm ba phần: Chùa Bắc Nam, Chùa nơi biển đảo và Chùa Việt ở nước ngoài.

Người Việt Nam xem Phật giáo vừa thiêng liêng vừa gần gũi, nên trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, chùa chiền được xây dựng khắp mọi nơi, hầu như không một làng quê nào lại không có chùa thờ Phật.

Hiện nay, Việt Nam có tới hơn 14.000 ngôi chùa, phần lớn là tập trung ở phía Bắc. Nổi bật nhất là Chùa Yên Tử (Quảng Ninh) với quần thể Thiện viện Trúc Lâm, được mệnh danh là “kinh đô của Phật giáo Đại Việt, cội nguồn của đạo Phật Việt Nam.”

[1.600 đại biểu quốc tế sẽ dự lễ Khai mạc Đại lễ Vesak vào sáng 12/5]

Cùng với đó còn có các ngôi chùa Nam tông tại các tỉnh Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng…

Điểm nhấn của bộ ảnh là các ngôi chùa ở Trường Sa như Chùa Trường Sa, chùa Song Tử Tây, chùa Nam Huyên và chùa trên đảo Phú Quốc, Lý Sơn.

Phật giáo đã ảnh hưởng rất lớn đến xã hội nước ta trong suốt quá trình phát triển của đất nước. Kiến trúc chùa nước ta được xây dựng và phát triển phong phú qua các thời kỳ lịch sử.

Không chỉ là công trình kiến trúc nghệ thuật, chùa còn là biểu tượng khát vọng của người dân.

Đạo Phật đã được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, chịu ảnh hưởng chủ yếu từ Phật giáo Ấn Độ và Trung Hoa, song đã được bản địa hóa khi kết hợp giữa việc thờ Phật và thờ thần, thánh, mẫu, bởi vậy Phật giáo Việt Nam có điểm tương đồng nhưng cũng có nhiều khác biệt so với Phật giáo của các nước khác trên thế giới.

Đặc biệt, với tính giản dị, từ bi, đại chúng và bình đẳng của giáo lý và kiến trúc Phật giáo, các ngôi chùa của người Việt ở nước ngoài như Việt Nam Phật quốc Tự tại Ấn Độ và Nepan, chùa Giác Hoàng tại Thủ đô Washington Mỹ, chùa Một Cột tại Moscow Nga hay chùa Vĩnh Nghiêm Praha, Cộng hòa Séc… là nơi lưu giữ nỗi niềm nhớ quê hương của cộng đồng người Việt.

Phật giáo đã thấm nhuần vào cách suy tư và sinh hoạt của người Việt, nên ở đâu có người Việt ở đó xây chùa bái Phật.

Một số hình ảnh các ngôi chùa được trưng bày trong triển lãm:

Chùa Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa, đón cán bộ, chiến sỹ hải quân vùng 4 ra thăm đảo. (Ảnh: TTXVN)
Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm nhìn ra Vịnh Bái Tử Long, Quảng Ninh. (Ảnh: TTXVN)
Chùa bốn mặt Sóc Trăng. (Ảnh: TTXVN)
Chùa Giác Hoàng tại thủ đô Washington, Mỹ. (Ảnh: TTXVN)

(Vietnam+)

Theo: Viet Nam Plus