Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Đã chặt chẽ hơn

Sau hơn 6 tháng triển khai quyết định của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) đối với các loại hình sản xuất, kinh doanh (SX-KD) thực phẩm nhỏ lẻ thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương trên địa bàn tỉnh (từ tháng 3-2017), công tác quản lý lĩnh vực này đã có chuyển biến tích cực, chặt chẽ hơn.

Nâng cao tính chủ động

Thực hiện việc phân cấp quản lý, thời gian qua, Phòng Kinh tế TP. Nha Trang đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về ATTP thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Công Thương trên địa bàn thành phố, trong đó đối tượng trọng tâm là các cơ sở SX-KD thực phẩm nhỏ lẻ. Theo đó, phòng đã tổ chức 12 đợt kiểm tra kiến thức ATTP cho 45 cán bộ, công nhân viên của các cơ sở SX-KD thực phẩm nhỏ lẻ; cấp 27 giấy xác nhận kiến thức ATTP; 8 bản cam kết đảm bảo ATTP cho 5 cơ sở; cấp 15 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Hiện nay, phòng đang phối hợp với 8 xã của thành phố gồm: Vĩnh Ngọc, Vĩnh Phương, Vĩnh Lương, Phước Đồng, Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh và Vĩnh Thái, Vĩnh Hiệp để về tận xã tuyên truyền, cấp thủ tục hành chính về ATTP cho các cơ sở SX-KD nhỏ lẻ của các địa phương này.

Ông Lê Công Bảo – Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Diên Khánh cho biết, từ khi triển khai việc phân cấp quản lý, phòng đã chủ động hơn trong công tác thanh tra, kiểm tra, thẩm định cấp các giấy chứng nhận, xác nhận về ATTP cho các cơ sở SX-KD, giúp công tác quản lý chặt chẽ, bài bản hơn. Từ đầu năm đến nay, phòng đã cấp 12 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; 21 giấy xác nhận kiến thức ATTP cho tổ chức, cá nhân SX-KD thực phẩm nhỏ lẻ của ngành Công Thương.   

Các địa phương khác trong tỉnh như: Cam Lâm, Cam Ranh, Vạn Ninh, Ninh Hòa… cũng đang tích cực triển khai việc phân cấp quản lý nhà nước về ATTP đối với các loại hình SX-KD thực phẩm nhỏ lẻ thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương. Theo đánh giá của Sở Công Thương, công tác quản lý ATTP tuy mới được phân cấp cho các huyện, thị xã, thành phố nhưng đã được các địa phương triển khai một cách chặt chẽ. Cụ thể, đã phối hợp với các xã, phường, phòng chức năng rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động của các cơ sở SX-KD thực phẩm nhỏ lẻ trên địa bàn để phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước về ATTP của ngành Công Thương; phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức tập huấn kiến thức về ATTP; tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đảm bảo chất lượng ATTP, do đó các cơ sở đã nâng cao nhận thức và chấp hành nghiêm túc các quy định về ATTP.

Một điểm kinh doanh rượu và thực phẩm bao gói sẵn thuộc đối tượng phân cấp quản lý của cấp huyện

Tăng cường tuyên truyền

Trong quá trình triển khai việc quản lý theo phân cấp, phòng kinh tế các địa phương cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý về ATTP đối với các cơ sở SX-KD nhỏ lẻ. Lãnh đạo Phòng Kinh tế TP. Nha Trang cho biết, nhiều cơ sở vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc đảm bảo ATTP, dẫn đến vi phạm quy định của pháp luật như: không có giấy xác nhận kiến thức ATTP, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP bị quá hạn… Nha Trang có gần 5.000 hộ SX-KD không có địa điểm cố định (hàng rong). Vì vậy, lực lượng chức năng khó tiếp cận tuyên truyền đối với những hộ này và việc chấp hành quy định về ATTP của các hộ cũng rất hạn chế. Phòng Kinh tế đã tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị, phòng, ban, đặc biệt là các xã, phường đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền. Tuy nhiên, đến nay, công tác cấp giấy chứng nhận, giấy xác nhận kiến thức ATTP vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.

Đối với huyện Diên Khánh, ngoài các hộ SX-KD không có địa điểm cố định, huyện còn gặp khó khăn ở các cơ sở sản xuất thủ công, trong đó nổi bật là SX-KD rượu. Thời gian qua, Phòng Kinh tế huyện đã kiểm tra 17 cơ sở sản xuất rượu trên địa bàn. Qua kiểm tra, hầu hết các cơ sở này đều sản xuất theo phương pháp thủ công, nhỏ lẻ, không có giấy phép đăng ký kinh doanh và các giấy phép khác về ATTP. “Do quyết định phân cấp mới được triển khai nên phòng vẫn chủ yếu tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động, nhắc nhở các cơ sở SX-KD thực hiện quy định. Phòng đã hướng dẫn, nhắc nhở các cơ sở sản xuất rượu vi phạm liên hệ Phòng Kinh tế huyện để làm các thủ tục hành chính liên quan về ATTP”, ông Bảo cho biết.

Theo chỉ đạo của Sở Công Thương, trong thời gian tới, các địa phương cần rà soát, lập danh sách các cơ sở SX-KD nhỏ lẻ tại địa phương; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP bằng nhiều hình thức; lồng ghép công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở này thực hiện quy định về ATTP trong các đợt thanh tra, kiểm tra.

MAI HOÀNG


Phân cấp cho UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý nhà nước về ATTP đối với các loại hình SX-KD thực phẩm nhỏ lẻ thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương trên địa bàn gồm: các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thực phẩm tổng hợp nhỏ lẻ (không bao gồm chợ đầu mối và chợ đấu giá nông sản) được cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hoặc không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; buôn bán hàng rong (đối tượng kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định); các tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ được cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; cơ sở kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn không yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt.

________________________________________________

Các huyện thực hiện quản lý ATTP đối với các loại hình SX-KD thực phẩm nhỏ lẻ trên địa bàn theo các nội dung cụ thể: tiếp nhận hồ sơ, tổ chức kiểm tra và cấp giấy xác nhận kiến thức về ATTP; tiếp nhận hồ sơ, thực hiện cấp, thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; tổ chức ký cam kết bảo đảm ATTP; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP; tham mưu UBND cấp huyện thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra và kiến nghị xử lý vi phạm về ATTP theo quy định.
 


Theo: Báo Khánh Hòa