Theo ông Lê Huy Toàn, Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang (Khánh Hòa), dù hộ ông Nguyễn Khoái (ngụ 69 Yersin) là gia đình chính sách cũng phải chấp hành quy định pháp luật, chỉ được sửa nhà bằng vật liệu gỗ, không được thay đổi kết cấu.
Theo trình bày của ông Nguyễn Khoái, gia đình ông có bà nội và mẹ là mẹ Việt Nam anh hùng, cha và anh trai là liệt sĩ. Cơn bão số 12 đã phá tan phần mái, hư hỏng tường ván nhà số 69 Yersin có 16 người đang ở. “Là đại gia đình chính sách có công với cách mạng, chúng tôi chưa nhận được bất cứ hỗ trợ chi phí khắc phục nhà sau bão của địa phương nhưng khi sửa nhà lại bị đình chỉ, cưỡng chế” – ông Khoái phân trần.
Nhà ông Nguyễn Khoái được dựng lại bằng khung thép để bảo đảm an toàn nhưng phường buộc cưỡng chế tháo gỡ
Theo ông Khoái, ngày 8-11, gia đình ông mua ống sắt về làm trụ, thay các cây gỗ đã bị bão đánh gãy để lợp lại mái tôn thì hôm sau, UBND phường Phương Sài đến lập biên bản, yêu cầu ngừng sửa chữa với lý do “thi công công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị”. Đến ngày 10-11, UBND phường này ra quyết định đình chỉ thi công. Quá thời hạn 3 ngày, nếu chủ đầu tư không tự phá dỡ bộ phận công trình vi phạm thì sẽ bị cưỡng chế phá dỡ. Ông Khoái cho biết nhà cửa bị hỏng nặng không thể ở được. Gia đình cần nơi ở gấp nên làm bằng thép hộp nhưng phường buộc sửa bằng vật liệu gỗ. Tôi cam kết khi thỏa thuận, giải phóng mặt bằng xong sẽ tự nguyện tháo dỡ nhưng phường không đồng ý. Thậm chí chưa đủ 3 ngày, chiều 10-11, phường đã cử người đến thu giữ đồ đạc của gia đình.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Lê Huy Toàn cho rằng việc phường xử lý là đúng với quy định pháp luật. Căn nhà ông Khoái nằm trong dự án Trường Mầm non Kiều Đàm của chùa Thiên Hòa phục vụ con em trong phường. UBND TP Nha Trang đã có thông báo thu hồi đất này và đang làm các thủ tục kiểm đếm để giải tỏa, tái định cư nhưng ông Khoái không đồng ý.
Theo ông Toàn, sau bão số 12, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã có văn bản yêu cầu chính quyền tạo điều kiện cho người dân sửa chữa nhà cửa. Riêng đối với các hộ có nhà bị sập nhưng thuộc các trường hợp xây dựng nhà trái phép, lấn chiếm quy hoạch thì vận động người dân di dời, bố trí tái định cư. Nếu không thì sửa chữa theo nguyên trạng ban đầu. “Ngày 13-11, UBND TP Nha Trang sẽ có văn bản trả lời cụ thể về trường hợp này, sẽ yêu cầu ông Khoái sửa chữa theo kết cấu cũ. Việc làm khung sắt sẽ tốn kém cho nhà nước khi đền bù” – ông Toàn cho biết.
Theo luật sư Nguyễn Hồng Hà, Phó Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa, nếu thi hành quyết định này, gia đình ông Khoái lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Việc xử lý đối với gia đình trong hoàn cảnh bất khả kháng này là trái tình, trái lý.
Theo: Người Lao Động