Những ngày qua, người dân miền Tây rất quan tâm đến trạm thu phí Cai Lậy ở Tiền Giang vì đây được cho là “điểm nóng” liên quan đến đời sống của tài xế, doanh nghiệp vận tải và những gia đình có ôtô.

Tại huyện Cai Lậy, các hộ ở bốn xã Phú An, Bình Phú, Phú Nhuận và Mỹ Thạnh Nam được ví như đang ở trong “cái rốn” của BOT Cai Lậy nên gia đình nào có ôtô mà không chạy dịch vụ sẽ được miễn phí qua trạm (khoảng 200 xe).

Tính sai ‘nước cờ’

Trò chuyện với Zing.vn, ông Tư Hiền ở khu vực Bót 23, thuộc ấp 6, xã Phú An (huyện Cai Lậy, Tiền Giang), cho biết từ ngày Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang (BOT Tiền Giang) chính thức bán vé qua trạm thu phí Cai Lậy, cuộc sống của người dân trong lộ Giồng Cát, còn gọi là đường liên xã Bình Phú – Phú An, bị đảo lộn.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Theo quan sát của các hộ dân, mỗi ngày có hàng nghìn lượt ôtô các loại chạy vào lộ Giồng Cát để né trạm Cai Lậy, trong khi đây là đường nông thôn.

Cuoc song nguoi dan Cai Lay dao lon khi xuat hien tram thu phi hinh anh 1
Theo lãnh đạo BOT Tiền Giang, trung bình mỗi giờ có 120 ôtô chạy vào đường Phú An – Bình Phú để né trạm Cai Lậy. Ảnh: Việt Tường.

“Ôtô từ Sài Gòn về miền Tây cũng vô lộ Giồng Cát, từ Cần Thơ chạy lên cũng vào đường này. Lúc đầu tài xế chưa thông thạo đường nên họ né trạm ít chứ giờ đây chạy rầm rập vào đường huyện, lượng xe tăng gấp 3 lần. Trước đây đường nông thôn yên bình, bây giờ thì đời sống của chúng tôi bị rối loạn”, ông Tư Hiền than vãn.

Theo ông Hiền, lộ Giồng Cát trước đây là đường đá, sau đó tỉnh đầu tư gần 47 tỷ đồng để trải nhựa và làm mới hai cầu. Sau khi toàn tuyến được thông xe, người dân xã Phú An và Bình Phú rất phấn khởi vì việc đi lại được thuận lợi. Mỗi khi chiều tối, hàng trăm người dân ra đường đi bộ, hít thở không khí trong lành. Còn hiện nay, ôtô chạy suốt ngày đêm nên không ai dám ra đường tập thể dục.

“Có vài trường hợp đi xe đạp gặp lúc 2 ôtô chen nhau nên phải vứt phương tiện để nhảy xuống đường, gấp quá thì té luôn. Xe né trạm thu phí vào đường huyện chạy ẩu rất nguy hiểm. Với mật độ xe như hiện nay, lộ nông thôn này sớm muộn gì cũng xuống cấp, nát bét”, chủ quán giải khát gần chùa Phước Long chia sẻ.

Cuoc song nguoi dan Cai Lay dao lon khi xuat hien tram thu phi hinh anh 2
Sau khi né trạm Cai Lậy, ôtô chạy vào lộ Giồng Cát và ra ở Bót 23 nên khu vực này thường bị ùn tắc cục bộ. Ảnh: Việt Tường.

Cùng quan điểm với ông Tư Hiền, ông Bảy Long ở gần Bót 23 đặt ra chuyện huyện lộ 63 và 67 ở Cai Lậy xuống cấp vì xe né trạm thì kinh phí sửa chữa đơn vị nào chịu trách nhiệm. Hiện nay ngoài đầu đường có biển cho phép xe có tải trọng 10 tấn lưu thông nhưng lúc nào không có cảnh sát giao thông thì xe tải chở vật liệu xây dựng trên 10 tấn cũng chạy vào.

“Tôi thấy vị trí đặt trạm không hợp lý. Ai mà đặt ở huyện Cai Lậy để tài xế có đường né, nếu đặt ở đầu đường tránh tại xã Mỹ Quý của thị xã Cai Lậy thì không có đường nào để tài xế thoát. Mấy ông này đã tính sai ‘nước cờ’, đường huyện mà hư thì lại lấy ngân sách ra sửa”, ông Bảy Long nói.

Cử tri bức xúc

Ông Nguyễn Văn Bằng, Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy, cho biết đường Phú An – Bình Phú có vốn đầu tư trên 46 tỷ đồng, mặt đường tốt, đảm bảo cho xe có tải trọng 10 tấn nên không thể hạ tải lúc này. Biện pháp duy nhất của địa phương hiện nay là chỉ đạo cảnh sát giao thông thường xuyên tuần tra nhằm xử phạt xe chở quá tải trọng cho phép và chạy sai tuyến.

Phóng viên đặt vấn đề về những bức xúc của người dân, ông Bằng nói đời sống của người địa phương bị xáo trộn là chuyện đương nhiên; bởi trước đây ôtô chạy đường dài chỉ đi ngoài quốc lộ, nay né trạm nên vào đường huyện khiến lượng xe tăng đột biến.

Cuoc song nguoi dan Cai Lay dao lon khi xuat hien tram thu phi hinh anh 3
Lãnh đạo Sở GTVT Tiền Giang cho biết tài xế cố tình kéo dài thời gian qua trạm Cai Lậy không nhiều. Ảnh: Tùng Tin.

“Bây giờ chưa tính được điều gì, khi nào phát sinh thêm vấn đề thì tính tiếp. Người dân nói xe né trạm gây ảnh hưởng cuộc sống nhưng việc gì cũng giải quyết theo trình tự của pháp luật, không đứng trên pháp luật được”, người đứng đầu chính quyền huyện Cai Lậy nêu quan điểm.

Liên quan đến bức xúc của người dân và có ý kiến cho rằng cần dời trạm thu phí vào đường tránh hoặc đặt tại xã Mỹ Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn nói phương án xây dựng BOT Cai Lậy đã được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phê duyệt từ nhiều năm trước nên khó thay đổi. Sau này trạm thu phí có di dời hay không thì Bộ GTVT và Tổng Cục đường bộ xem xét quyết định, vì quốc lộ 1 do Trung ương quản lý.

“Khi trạm đang xây dựng thì đại biểu HĐND có tiếp nhận phản ánh của người dân với nội dung vị trí đặt trạm không hợp lý, có thể ùn tắc giao thông. HĐND sau đó chuyển ý kiến cử tri đến UBND tỉnh và chúng tôi nhiều lần phản ảnh với Bộ GTVT việc này. Bộ sau đó trả lời là sẽ cùng nhà đầu tư tìm giải pháp”, ông Tuấn nói.

Cuoc song nguoi dan Cai Lay dao lon khi xuat hien tram thu phi hinh anh 4
Giám đốc BOT Tiền Giang nói rằng ông không nắm chính xác số lượng xe qua trạm thu phí mỗi ngày. Ảnh: Việt Tường.

Zing.vn đặt vấn đề chuyện tài xế chạy vào đường huyện để né trạm, lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang nói rằng việc này rất khó giải quyết triệt để bởi địa phương đầu tư đường là để phục vụ cho việc vận chuyển, đi lại thuận tiện thì không thể cấm xe. Nhiều tài xế tìm cách né trạm là điều dể hiểu vì ai cũng muốn chọn giải pháp ít tốn kém nhất.

“Chúng tôi chưa đặt ra chuyện hạ tải vì đường thiết kế tải trọng như vậy thì phải cho người ta lưu thông. Về nguyên tắc không ai cho phép tự ý hạ tải, trừ trường hợp đường xuống cấp hoặc cầu hư. Còn các lý do khác, theo tôi là không chính đáng. Đối với giá vé, dân phản ánh cao thì tỉnh sẽ kiến nghị các bộ xem xét cho hợp lý”, ông Tuấn khẳng định.

Theo: Zing News