Ngày 17-5, một số cựu tù chính trị Côn Đảo đã hội ngộ tại Nha Trang. Gặp nhau, ký ức về một thời hào hùng của mấy chục năm trước, thời họ dấn thân đi theo cách mạng, trong đó nhiều người bị địch tuyên án tử hình, rồi bị đưa ra nhà tù Côn Đảo nhưng vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh bất khuất… một lần nữa được tái hiện trong niềm rưng rưng xúc động của những người cựu tù.
Một thời hào hùng
7 giờ 30 ngày 17-5, căn nhà của ông Võ Thanh Trà (sinh năm 1941, số 1 Nguyễn Thái Học, Nha Trang, người cựu tù Côn Đảo, từng bị chế độ Việt Nam cộng hòa tuyên án tử hình nhưng may mắn sống sót) rộn rã tiếng nói cười, bởi có sự góp mặt của những người bạn tù Côn Đảo một thời. Người từ TP. Hồ Chí Minh ra, người từ Bình Định vào… Lâu ngày mới gặp nhau, những mái đầu bạc hỏi thăm tin tức bạn tù, ôn lại những năm tháng hoạt động cách mạng sôi nổi, những ngày tháng “nếm mật nằm gai” ở nhà tù Côn Đảo.
Nếu không được giới thiệu trước, tôi không thể nào tin con người nhỏ bé, hiền lành như ông Võ Văn Em (sinh năm 1945, cựu tử tù Côn Đảo, hiện nay sống ở TP. Hồ Chí Minh) đã từng lập nên những chiến công cảm tử, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. 16 tuổi, ông Em đã tham gia lực lượng du kích ở “đất thép” Củ Chi, sau đó được huấn luyện rồi vào nội thành Sài Gòn xây dựng lực lượng vũ trang nội đô. Ngày 7-12-1966, ông Em cùng một đồng đội đã chặn xe, ám sát dân biểu Trần Văn Văn (ứng cử viên Tổng thống Việt Nam Cộng hòa thời đó) ngay giữa Sài Gòn. Khi bị bắt, địch đã tra tấn rất dã man, nhưng ông Em chỉ nhận mình được một người lạ thuê chở chứ không biết gì về vụ ám sát, không hé lộ đường dây. Ngày 10-1-1967, ông Em bị tuyên án tử hình, đến cuối năm đó bị đày ra Côn Đảo.
Những ngày ông Em ở trong lao tù, ở Quy Nhơn, ông Võ Thanh Trà (khi ấy đang là lính đặc công của Quân khu 5) lại nung nấu những dự định táo bạo không kém. Tháng 5-1967, được sự chấp thuận của cấp trên, ông Trà dẫn đầu một nhóm đặc công xâm nhập, đốt kho xăng của địch ở Quy Nhơn. Trên đường thoát ra hậu cứ, không may ông Trà bị địch vây bắt và bị kết án tử hình. Tháng 12-1967, địch đưa ông Trà từ Quy Nhơn vào nhà lao Chí Hòa, Sài Gòn. Tại đây, ông được gặp nhiều tử tù khác, trong đó có ông Trương Thanh Danh – người cũng bị kết án tử hình vì tham gia lực lượng vũ trang Sài Gòn, góp mặt trong nhiều trận đánh phá ở nội đô Sài Gòn thời kỳ ấy. “Địch đã tuyên bố sẽ xử bắn tôi cùng anh Lê Minh Châu, Bùi Văn Chiếu vào ngày 17-11-1967. Tuy nhiên, sau đó vì phía Mỹ lo ngại quân ta sẽ hành quyết các tù binh của Mỹ để trả thù nên đã gây sức ép yêu cầu dời ngày xử bắn. Nhờ đó mà chúng tôi thoát chết”, ông Danh nhớ lại.
Đầu năm 1968, chế độ Việt Nam Cộng hòa đưa các tử tù ra giam giữ ở Côn Đảo. Tại đây, ông Trà, ông Danh gặp tử tù Võ Văn Em cùng nhiều tử tù khác. Từ đây, họ cùng sát cánh bên nhau trong một cuộc đấu tranh mới chống lại chế độ hà khắc của nhà tù Mỹ – Ngụy.
Trong cuộc hội ngộ lần này còn có bà Nguyễn Thị Nhung (sinh năm 1942) và bà Huỳnh Thị Thúy (sinh năm 1952), những người phụ nữ kiên trung của đất võ Bình Định. Họ đã hoạt động cách mạng, bị địch bắt và đày ra Côn Đảo. Những ngày ở trong tù, họ lại tiếp tục tham gia công tác truyền tin cho nhóm tử tù chính trị, góp phần vào phong trào đấu tranh bất khuất của các tử tù ở Côn Đảo.
Sức mạnh niềm tin cách mạng
Theo những cựu tử tù, chế độ ở nhà tù Côn Đảo rất hà khắc. Ngày đó, họ phải ở hầm đá, chuồng cọp, chân tay bị gông cùm, liên tục bị đánh đập… Địch muốn biến nơi đây thành một địa ngục thật sự nhằm giết dần giết mòn những chiến sĩ cách mạng bằng những ngón đòn cực kỳ nham hiểm. Tuy nhiên, đó cũng là lúc để các tử tù thể hiện tinh thần quật cường, lòng trung thành với cách mạng. “Vừa lên đảo, địch đã bắt chúng tôi giẫm lên cờ đỏ sao vàng để đi qua, chúng tôi lại lấy lá cờ đội lên đầu. Ngay lập tức, cai tù quẳng chúng tôi vào xà lim, để cho tù thường phạm đánh đập rất dã man”, ông Trà nhớ lại. Có đợt, vì đấu tranh, tử tù Nguyễn Văn Phấn bị địch đưa lên “chuồng bò” đánh suốt 6 ngày liên tiếp với khoảng 300 roi mây song ông vẫn không từ bỏ quyết tâm đấu tranh. Không khuất phục được người tử tù, địch đành thả về.
Nhìn những con người bình dị trước mắt, tôi hỏi đâu là sức mạnh để họ vượt qua những ngày tháng ngục tù ở Côn Đảo – nơi từng được gọi là “địa ngục trần gian”? Ông Trương Thanh Danh nhẹ nhàng nói, đó chính là sức mạnh của niềm tin cách mạng. “Ở Côn Đảo, dù là tử tù nhưng chúng tôi vẫn tin rằng sẽ có người sống sót trở về. Vì vậy, chúng tôi luôn tự dặn nhau rằng phải giữ vững khí tiết, địch có thể tra tấn, hành hạ về thể xác nhưng không để chúng lung lạc về tinh thần, khuất phục về ý chí. Chúng tôi gõ vào vách đá theo kiểu tín hiệu morse để truyền tin cho nhau, động viên nhau giữ vững tinh thần đấu tranh”, ông Danh lý giải.
Năm 1993, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Bình Định về việc cấp 1 lô đất và 20 triệu đồng để xây dựng nhà tình nghĩa cho ông Võ Thanh Trà, TP. Quy Nhơn. Tuy nhiên, ông Trà đã từ chối, dù lúc ấy cuộc sống của vợ chồng ông vẫn còn rất khó khăn. Vợ chồng ông viết đơn gửi Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Định xin nhượng lại lô đất và 20 triệu đồng để làm quà tặng cho Mẹ Việt Nam tiêu biểu nhất ở Bình Định đang gặp khó khăn. |
Ở nhà tù Côn Đảo, những người tử tù tập hợp được những đảng viên tiêu biểu để làm nhiệm vụ lãnh đạo (tạm gọi là Chi bộ đảng trong phòng giam tử tù). Trong đó, ông Danh là chi ủy viên; ông Em được giao nhiệm vụ giữ liên lạc thư từ tài liệu với các phòng tù khác. Với kinh nghiệm của một người từng hoạt động đơn tuyến ở nội thành, ông Em đã hoàn thành tốt nhiệm vụ mà các đồng chí tin cẩn giao phó. “Có lần, vừa nhận thư chưa kịp chuyển đi thì bị cai tù ập đến, tôi liền bỏ thư vào miệng nuốt vào bụng để bảo toàn bí mật. Tên cai tù xông tới bóp cổ, may nhờ có anh em trợ giúp nên tôi đã đủ thời gian để nuốt trôi lá thư vào bụng”, ông Em kể.
Bao nhiêu năm đã qua, nhưng những người tử tù Côn Đảo vẫn nhớ như in những tháng ngày đấu tranh ở nhà tù Côn Đảo. Sau Hiệp định Paris 1973, địch chia số tù chính trị ra làm hai, một nửa mang trao trả, nửa còn lại quy vào Giai nhân hợp đảng (tù thường phạm) để không trao trả. Chúng bắt các tử tù lăn tay để làm lại hồ sơ, anh em đấu tranh phản đối. Địch ném lựu đạn hơi cay, cho tù thường phạm vào đưa các tử tù về các phòng biệt giam. Hai người còng dính vào nhau ở một phòng. Các tử tù vẫn đấu tranh quyết liệt.
Ngày 30-4, miền Nam được giải phóng. Ở Côn Đảo, địch hoảng loạn đào thoát. Sáng 1-5, những người tù chính trị ở Côn Đảo đã thoát khỏi “địa ngục trần gian”. Sau khi liên lạc về đất liền, họ được đưa về Bà Rịa – Vũng Tàu vào ngày 5-5-1975. “Trong số hàng ngàn tù nhân ở Côn Đảo trở về, có 32 tử tù Mỹ – Ngụy chưa kịp hành quyết. Tuy nhiên, một số người đã mất do bệnh tật, di chứng của những ngày lao tù nên đến nay số người còn lại không nhiều. Tất cả anh em chúng tôi, mỗi người mỗi ngã rẽ khác nhau, nhưng luôn giữ được phẩm chất cách mạng”, ông Danh tự hào chia sẻ! Trong câu chuyện về cuộc đời mình, các cựu tử tù Côn Đảo luôn khẳng định, những hy sinh mất mát của họ không là gì, điều mà họ hạnh phúc nhất đó là nước nhà được độc lập, thống nhất.
XUÂN THÀNH
Theo: Báo Khánh Hòa