Liên tiếp trong tháng Tư vừa qua, sự cố máy bay đáp nhầm đường băng của Vietnam Airlines và máy bay của Vietjet Air bị sự cố cùng lúc nóng cả hai động cơ, phải hạ cánh khẩn cấp đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những rủi ro uy hiếp an toàn bay.
Để đảm bảo an toàn hàng không, Cục Hàng không Việt Nam đã ban hành Chỉ thị đối với tất cả các đơn vị trong ngành hàng không trong đó tăng cường công tác kiểm tra, giám sát an toàn đối với các hãng hàng không.
Máy bay lỗi động cơ, phi công hạ cánh nhầm đường băng
Vào ngày 11/4 vừa qua, chuyến bay VJ627 chở 213 hành khách từ Đà Nẵng đi Thành phố Hồ Chí Minh lúc 10 giờ sáng ngay sau khi cất cánh, tổ bay xác định nhiệt độ khí thải sau động cơ tăng tới giới hạn. Ngay lập tức cơ trưởng quyết định cho máy bay quay lại hạ cánh lúc 10 giờ 39 phút giờ địa phương để đội ngũ kỹ thuật kiểm tra tàu bay và hành khách đã được hãng bố trí máy bay khác chuyên chở vào Thành phố Hồ Chí Minh.
Cục Hàng không xác định đây là một sự cố uy hiếp an toàn bay mức độ C và đang tiến hành điều tra đồng thời sẽ thông tin thêm khi có kết quả từ nhà sản xuất động cơ.
[Máy bay của Vietjet Air phải quay lại sân bay sau khi đã cất cánh]
Cục Hàng không cũng đã thực hiện công tác điều tra giải mã thông tin dữ liệu bay của chuyến bay, kiểm tra hồ sơ bảo dưỡng cũng như việc thực hiện qui trình khai thác của tổ bay. Chi tiết về tình trạng động cơ đang được nhà sản xuất CFM đánh giá và kết luận sau khi kiểm tra tại xưởng bảo dưỡng động cơ.
Theo đại diện Vietjet Air, tình huống nhiệt độ khí thải sau động cơ tăng tới giới hạn đã được tổ bay VJ627 thực hiện đúng theo hướng dẫn của Airbus, cũng như huấn lệnh của đài kiểm soát không lưu, đảm bảo đưa tầu bay quay trở lại sân bay Đà Nẵng an toàn. Không làm ảnh hưởng tới các hoạt động khai thác tại sân bay Đà Nẵng.
“Trên cơ sở phân tích các dữ liệu tàu bay và động cơ, hai nhà chế tạo Airbus và CFM đã hướng dẫn Vietjet tiến hành kiểm tra động cơ cũng như các hệ thống của máy bay. Tàu bay sau đó đã được thay động cơ, kiểm tra tình trạng kỹ thuật, báo cáo kết quả cho Cục Hàng không trước khi đưa trở lại khai thác bình thường vào ngày 28/4 vừa qua,” đại diện Vietjet Air cho hay.
Trước đó, chuyến bay VN7344 khai thác bằng tàu bay Airbus A321, số hiệu VN613 khởi hành từ Thành phố Hồ Chí Minh đã hạ cánh lúc 14 giờ 53 phút ngày 29/3 xuống sân bay Cam Ranh trên đường cất hạ cánh mới, chưa đưa vào khai thác.
Ngay sau đó, Cục Hàng không đã điều tra sự cố được xác định ở mức độ nghiêm trọng (nhóm B) và ngày 2/5 đã có kết luận sơ bộ của Tổ điều tra cho thấy, nguyên nhân chính của sự cố là do sau khi thực hiện phương thức tiếp cận RNAV đầu 20 của đường cất hạ cánh, tàu bay đã đối chuẩn với đường cất hạ cánh số 1 đang sử dụng, tuy nhiên tổ lái lại xác định đây là đường lăn và xác định đường cất hạ cánh số 2 đang xây dựng là đường cất hạ cánh khai thác.
[Kết quả điều tra vụ máy bay đáp nhầm đường băng tại Cam Ranh]
Bên cạnh đó, tổ lái cũng chưa tìm hiểu kỹ về sơ đồ sân bay và không thực hiện tốt phương thức hạ cánh bằng mắt (không tham chiếu đến đèn dẫn đường PAPI khi thực hiện phương thức hạ cánh bằng mắt).
Ngoài ra, Tổ điều tra cũng đưa ra các yếu tố khách quan tác động dẫn đến sự cố, đó là mặc dù đường cất hạ cánh số 2 đã thể hiện không sử dụng (gạch chéo) trên sơ đồ sân bay, tuy nhiên các dấu sơn, kẻ trên đường cất hạ cánh đang xây dựng cơ bản hoàn thiện dễ gây nhầm lẫn cho tổ lái. Các hoạt động quan sát từ Đài kiểm soát không lưu chưa được thực hiện đầy đủ để cảnh báo, hỗ trợ kịp thời cho tổ lái trong giai đoạn tiến sát đến đầu đường cất hạ cánh và tiếp đất.
Giám sát an toàn hãng hàng không
Trước các sự cố mất an ninh an toàn hàng không trong thời gian gần đây, Cục Hàng không Việt Nam đã ra Chỉ thị gửi hãng hàng không, cảng hàng không và cơ quan điều hành bay yêu cầu tăng cường đảm bảo an toàn hàng không.
Theo đó, Vietnam Airlines phải yêu cầu người lái tăng cường công tác chuẩn bị trước chuyến bay đảm bảo có đầy đủ các thông tin cần thiết cho chuyến bay, nghiên cứu kỹ sơ đồ của sân bay hạ cánh; trong quá trình bay, khi điều kiện cho phép, phải liên lạc sớm với Đài Kiểm soát không lưu của sân bay đến để lấy thông tin khí tượng, phương thức và đường hạ cánh để có đầy đủ thời gian chuẩn bị.
[Xử lý nghiêm các đơn vị để xảy ra sự cố uy hiếp an ninh hàng không]
Đối với Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Cục yêu cầu tăng cường công tác giám sát hoạt động của tàu bay trong giai đoạn tiếp cận, hạ cánh cho đến khi tàu bay thoát ly khỏi đường cất hạ cánh để có cảnh báo kịp thời ngăn ngừa các sự cố tương tự có thể xảy ra.
Đối với Cảng vụ hàng không khu vực, Cục Hàng không yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát an toàn đối với các hãng hàng không, cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu, người khai thác cảng và các chủ đầu tư, đơn vị thi công các công trình trên địa bàn cảng hàng không, sân bay đảm bảo việc tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn liên quan đến công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong tài liệu khai thác và biện pháp tổ chức thi công được phê chuẩn.
“Các cơ quan chuyên môn của Cục Hàng không trực tiếp giám sát công tác giảng bình của các cơ quan, đơn vị đối với sự cố; giám sát chặt chẽ việc tuân thủ pháp luật của người khai thác tàu bay, đơn vị cung cấp dịch vụ điều hành bay, người khai thác cảng hàng không, các chủ đầu tư thực hiện các công trình trong và khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay để kịp thời tham mưu cho Cục ban hành các chỉ thị, hướng dẫn, các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn hàng không tránh các trường hợp tương tự có thể xảy ra,” lãnh đạo Cục Hàng không nêu rõ.
[Nguy cơ ảnh hưởng an ninh hàng không là trực tiếp và nguy hiểm hơn]
Cục Hàng không cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện công tác giảng bình, phổ biến rút kinh nghiệm liên quan đến sự cố cho tất cả người lái tàu bay, kiểm soát viên không lưu và nhân viên liên quan về việc đảm bảo an toàn hàng không./.
Theo: Viet Nam Plus