Với 475km đường cao tốc được đưa vào khai thác trong năm 2023, tất cả đều thiếu làn dừng khẩn cấp… lãnh đạo Bộ GTVT đặt kỳ vọng vào năng lực quản lý, vận hành khai thác của Cục Đường bộ Việt Nam.
Đó là nhiệm vụ được Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhấn mạnh trong Hội nghị tổng kết năm của Cục Đường bộ sáng 25/12.
Phải tổ chức giao thông tốt để “bù” việc thiếu làn khẩn cấp
Chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT xuất phát từ thực tế loạt dự án cao tốc do nhà nước đầu tư đang thiếu đơn vị chuyên trách về vận hành và bảo trì (Operations and Maintenance – O&M).
Ông Thọ chia sẻ trăn trở khi một con đường cao tốc hoàn thành, bên cạnh những ghi nhận, cảm ơn của người dân dành cho Nhà nước thì vẫn còn những băn khoăn, lo ngại về giới hạn tốc độ, làn dừng khẩn cấp…
“Nguồn vốn bỏ ra để làm làn dừng khẩn cấp rất lớn. Chúng ta khó khăn về vốn nên phải phân kỳ đầu tư. Nhưng không có nghĩa ta làm ra con đường cao tốc không đủ điều kiện tối thiểu để khai thác”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định.
Thứ trưởng Thọ lấy dẫn chứng các tuyến cao tốc như Hà Nội – Hải Phòng của VIDIFI, hoặc các cao tốc của VEC đều đã được quản lý vận hành tương đối chính quy, hiện đại. Nhưng hầu như các tuyến cao tốc còn lại đều có vấn đề.
Các tuyến này gồm Cao Bồ – Mai Sơn, Mai Sơn – Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu, Nha Trang – Cam Lâm, Dầu Giây – Phan Thiết, Phan Thiết – Vĩnh Hảo, Tuyên Quang – Phú Thọ, Mỹ Thuận – Cần Thơ.
Bên cạnh đó, tuyến cao tốc TPHCM – Trung Lương sau khi dừng thu phí cũng được giao về cho Cục Đường bộ quản lý.
“Khi thiếu làn dừng khẩn cấp, chúng ta bù đắp những bất cập ấy bằng khâu tổ chức giao thông thì sẽ đạt được hiệu quả”, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định.
Ông Thọ dẫn chứng các nước phát triển tổ chức giao thông rất tốt thông qua hệ thống ITS (giao thông thông minh). Khi có xe gặp tai nạn, lực lượng cứu hộ lập tức có mặt. Học tập họ, Việt Nam có thể giải quyết vấn đề tổ chức giao thông mà chưa cần vội đầu tư làn dừng khẩn cấp.
Phân định trách nhiệm của Cục Đường bộ và Cục Đường cao tốc
Tổng kết năm 2023, Cục Đường bộ Việt Nam chọn “điểm sáng” về đầu tư xây dựng là việc khánh thành dự án nâng cấp quốc lộ 31 tại tỉnh Bắc Giang dài 40km, tổng vốn 863,63 tỷ đồng.
Ghi nhận thành quả trên, tuy nhiên Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng lưu ý thành quả này là rất nhỏ nếu so với kỳ vọng của Bộ GTVT về vai trò của Cục Đường bộ Việt Nam.
Một trong những phần việc mà lãnh đạo Bộ GTVT kỳ vọng Cục Đường bộ sẽ làm tốt là quản lý, vận hành hệ thống đường cao tốc. Đây là nhiệm vụ mà một số người còn nhầm lẫn rằng thuộc trách nhiệm của Cục Đường cao tốc.
“Cục Đường cao tốc lo về vấn đề đầu tư xây dựng, tiêu chuẩn, quy chuẩn, giúp địa phương phát triển đường cao tốc và quản lý tài sản làm sao để phát huy hiệu quả, nhượng quyền khai thác… Còn quản lý vận hành đường cao tốc là của Cục Đường bộ”, ông Thọ khẳng định.
Nhiệm vụ của Cục Đường bộ Việt Nam sẽ càng nặng nề khi Bộ GTVT đang nghiên cứu nâng tốc độ các tuyến cao tốc thiếu làn dừng khẩn cấp lên 90km/h – một giải pháp được cho là thuận lợi hơn cho người dân nhưng vất vả hơn cho công tác quản lý vận hành.
Cũng tại hội nghị, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam đã báo cáo về việc tiếp nhận, quản lý vận hành loạt dự án cao tốc khánh thành trong năm 2023, đồng thời kiến nghị Bộ GTVT tăng tổng kinh phí chi cho bảo trì đường bộ để Cục hoàn thành nhiệm vụ.
Theo: Dân Trí
Nguồn: https://dantri.com.vn/xa-hoi/cuc-duong-bo-nhan-viec-kho-quan-ly-loat-cao-toc-thieu-lan-khan-cap-20231225134701802.htm