Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Cú hích lớn phát triển nuôi biển hiện đại

Nghị quyết 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa đã mở ra nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi chưa từng có về phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên biển. Điều này sẽ tạo cú hích lớn trong phát triển nuôi biển xa bờ, hiện đại, giúp nuôi biển Khánh Hòa sẽ là hình mẫu, dẫn dắt ngành nuôi biển của cả nước.

Ưu đãi cho đầu tư nuôi biển


Một trong những định hướng quan trọng trong phát triển mạnh kinh tế biển Khánh Hòa tại Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 là: “Nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, nhất là nuôi biển công nghệ cao, thân thiện với môi trường”.



Nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè chất liệu HDPE thích ứng với gió bão, ứng dụng công nghệ cao trên vịnh Vân Phong.



Ông Lê Tấn Bản – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 55 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; trong đó có các chính sách đặc thù về phát triển NTTS trên biển thuộc phạm vi khu vực biển của tỉnh quản lý, với nhiều ưu đãi về miễn, giảm tiền sử dụng khu vực biển, thuế thu nhập doanh nghiệp cho hoạt động NTTS trên biển trong khu vực từ 3-6 hải lý, vùng biển nằm đồng thời trong và ngoài 6 hải lý và trên vùng biển ngoài 6 hải lý. Đây là động lực, cú hích lớn thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn về nuôi biển đến Khánh Hòa đầu tư, phát triển NTTS theo hướng công nghiệp, hiện đại, quy mô lớn; từng bước giúp tỉnh hình thành các vùng NTTS xa bờ, vừa đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội, vừa góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng. Nghị quyết 55 của Quốc hội còn cho phép HĐND tỉnh quyết định việc hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm tai nạn cho người lao động NTTS, bảo hiểm rủi ro thiên tai đối với thủy sản nuôi sẽ giúp nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước yên tâm, mạnh dạn đầu tư vào nuôi biển xa bờ tại Khánh Hòa. Bên cạnh đó, việc UBND tỉnh được phép giao khu vực biển, cấp phép NTTS cho nhà đầu tư trong nước trong khu vực biển ngoài 6 hải lý, khu vực biển nằm đồng thời trong và ngoài 6 hải lý sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian trong việc giao mặt biển, cấp phép NTTS…  

 

Nhiều chuyên gia cho rằng, với các cơ chế, chính sách ưu đãi của Nghị quyết 55, Khánh Hòa sẽ thu hút được các nhà đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực nuôi biển trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, nuôi biển xa bờ tại tỉnh có nhiều thuận lợi khác khi Khánh Hòa là địa phương đi đầu cả nước về nuôi biển, là trung tâm về giống thủy sản; nơi tập trung nhiều cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu; nơi đứng chân của các trung tâm nghiên cứu về biển, thủy sản; đào tạo nhân lực thủy sản… Tuy nhiên, muốn phát triển nuôi biển xa bờ cần phải có lộ trình chuyển đổi dần từ quy trình nuôi theo kiểu truyền thống sang quy trình nuôi hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Vấn đề đặt ra là vốn đầu tư nuôi biển xa bờ ứng dụng công nghệ cao rất lớn, tỉnh phải có kế hoạch thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực nuôi biển. Bên cạnh đó, khi không gian nuôi biển ven bờ thu hẹp dần, phải giải quyết bài toán sinh kế, chuyển đổi nghề cho những hộ nuôi lồng bè truyền thống, không thể đầu tư nuôi xa bờ.

Khẩn trương triển khai


Trong số những đơn vị mong muốn đầu tư vào lĩnh vực nuôi biển tại Khánh Hòa, Công ty Cổ phần Tập đoàn Nhựa Super Trường Phát đã nhiều lần đến Khánh Hòa khảo sát, làm việc, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Chính vì thế, khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 55, công ty kỳ vọng sớm trở thành một trong những nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực nuôi biển tại Khánh Hòa. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực làm việc với tỉnh để hiện thực hóa mong muốn nghiên cứu, thử nghiệm và triển khai các dự án nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa. Chúng tôi mong muốn tỉnh sớm có quy hoạch, chỉ ra các địa điểm nuôi cụ thể; có các văn bản hướng dẫn chi tiết cho doanh nghiệp về các thủ tục liên quan đến giao khu vực biển, cấp phép NTTS. Bên cạnh đầu tư của doanh nghiệp, tỉnh quan tâm xây dựng các chuỗi liên kết, có chính sách riêng về hỗ trợ lãi vay cho các hộ nuôi, hợp tác xã có mong muốn, tiềm lực chuyển đổi sang nuôi biển xa bờ ứng dụng công nghệ cao”, bà Nguyễn Thị Hải Bình – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Nhựa Super Trường Phát nói.


Ông Nguyễn Trọng Chánh – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Hiện nay, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang khẩn trương hoàn thiện Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao trên các vùng biển tỉnh quản lý. Nhiệm vụ của đề án là nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu công nghệ mới, phù hợp về giống, công nghệ nuôi thương phẩm; quan trắc môi trường, chủ động phòng, chống dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu; dịch vụ hậu cần nuôi biển; bảo quản và tiêu thụ sản phẩm; chuyển đổi công nghệ nuôi biển ứng dụng công nghệ cao, hiện đại… để phục vụ nuôi biển công nghệ cao trên các vùng biển xa bờ. Đề án còn đánh giá thực trạng, tiềm năng, định hướng để xây dựng tiêu chí, lựa chọn địa điểm, đối tượng, công nghệ nuôi phù hợp với từng khu vực từ 3-6 hải lý, vùng biển nằm đồng thời trong và ngoài 6 hải lý và trên vùng biển ngoài 6 hải lý… Đây là cơ sở quan trọng để hiện thực hóa định hướng phát triển nuôi biển của tỉnh trong những năm tới.


Song song đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh sớm ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm tai nạn cho người lao động làm việc trên lồng bè NTTS và trên các phương tiện phục vụ cho hoạt động NTTS trên biển (theo hướng hỗ trợ 100% kinh phí); hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm rủi ro thiên tai đối với đối tượng thủy sản nuôi trên biển (hỗ trợ đến 70% kinh phí). Bên cạnh đó, tỉnh mời gọi và tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp có năng lực vào đầu tư nuôi biển tại Khánh Hòa.



Các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển NTTS trên biển thuộc phạm vi khu vực biển do tỉnh quản lý:

. Trên cơ sở ý kiến chấp thuận của Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh giao khu vực biển để NTTS và cấp phép NTTS trên biển cho nhà đầu tư trong nước trong khu vực biển ngoài 6 hải lý, khu vực biển nằm đồng thời trong và ngoài 6 hải lý.

. Miễn tiền sử dụng khu vực biển trong 15 năm và giảm 50% tiền sử dụng khu vực biển cho thời gian còn lại đối với diện tích được giao để thực hiện dự án NTTS trên biển của tổ chức, cá nhân là nhà đầu tư trong nước có hoạt động NTTS trên biển ngoài 6 hải lý, khu vực nằm đồng thời trong và ngoài 6 hải lý.

Áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10%, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với thu nhập của tổ chức là nhà đầu tư trong nước từ dự án NTTS trên biển ngoài 6 hải lý, khu vực nằm đồng thời trong và ngoài 6 hải lý.

. Miễn tiền sử dụng khu vực biển trong 15 năm đối với diện tích khu vực biển được giao để thực hiện dự án NTTS của tổ chức, cá nhân là nhà đầu tư trong nước có hoạt động NTTS trên biển từ 3 đến 6 hải lý.

Áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 17%, miễn thuế 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập của tổ chức là nhà đầu tư trong nước từ dự án NTTS trên biển từ 3 đến 6 hải lý.

. Trong khả năng cân đối ngân sách địa phương, HĐND tỉnh quyết định hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm tai nạn cho người lao động làm việc trên lồng bè NTTS và trên các phương tiện phục vụ cho hoạt động NTTS trên biển; hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm rủi ro thiên tai đối với đối tượng thủy sản nuôi trên biển.

. Thời gian bắt đầu hưởng ưu đãi, điều kiện áp dụng ưu đãi thuế, thu nhập được hưởng ưu đãi thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Tổ chức, cá nhân không được hưởng ưu đãi trong trường hợp vi phạm các quy định về giao khu vực biển, cấp phép NTTS trên biển theo quy định của pháp luật có liên quan.


HẢI LĂNG

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202208/cu-hich-lon-phat-trien-nuoi-bien-hien-dai-8259125/