Quyết định 3347 của UBND tỉnh Khánh Hòa về triển khai chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2016 – 2020, trong đó có chính sách hỗ trợ vay vốn nhân rộng mô hình phát triển kinh tế hộ đối với hộ nghèo, cận nghèo DTTS được xem như cú hích giúp bà con có thêm nguồn lực phát triển sản xuất.
Hộ bà Mấu Thị Huệ (thôn Hòn Dung, xã Sơn Hiệp) thuộc diện hộ nghèo của xã. Chồng mất sớm, một mình bà Huệ phải nuôi hai con nhỏ. Trước đây, bà cũng đã từng vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), nhưng gặp khá nhiều khó khăn trong việc trả tiền gốc và lãi. Năm 2018, bà được NHCSXH cho vay 40 triệu đồng theo Quyết định 3347 của UBND tỉnh để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Bà rất phấn khởi vì hàng tháng chỉ phải trả tiền gốc mà không phải lo trả tiền lãi suất, đồng thời tiết kiệm được vài trăm nghìn để lo cho các con ăn học.
Gia đình Bà Bo Bo Thị Nương (thôn Dốc Gạo, thị trấn Tô Hạp) thuộc diện hộ cận nghèo. Năm 2018, gia đình bà cũng nằm trong danh sách những hộ đủ điều kiện được hỗ trợ vay vốn nhân rộng mô hình phát triển kinh tế hộ. Bà đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng đầu tư mua cây giống, phân bón, hệ thống tưới tiêu để thực hiện mô hình phát triển cây sầu riêng. “Với số vốn vay 50 triệu đồng, nếu như trước đây phải trả lãi thì mỗi tháng gia đình tôi phải nộp 400.000 đồng. Tuy nhiên, bây giờ được Nhà nước hỗ trợ lãi suất nên mỗi tháng chỉ phải nộp 100.000 đồng tiền lãi. Số tiền 300.000 đồng tôi thêm vào đầu tư chăm sóc cây sầu riêng và chi phí sinh hoạt hàng ngày”, bà Nương vui mừng chia sẻ.
Theo bà Phạm Thị Hồng – Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Tô Hạp, trước đây khi chưa có chính sách hỗ trợ lãi suất, những hộ nghèo, cận nghèo DTTS chỉ dám vay khoảng 10 – 20 triệu đồng, nhưng sang năm 2018, nhờ có chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn theo Quyết định 3347 của UBND tỉnh, nhiều hộ đã mạnh dạn tiếp cận nguồn vốn và vay đến 50 triệu đồng để đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi, cải thiện đời sống. Đến nay, trên địa bàn thị trấn đã có 21 hộ được giải ngân với số tiền 915 triệu đồng.
Theo quy định, đối tượng được hỗ trợ vay vốn nhân rộng mô hình kinh tế hộ là những hộ nghèo, cận nghèo DTTS chưa được hỗ trợ mô hình phát triển kinh tế hộ (tại điểm 2.1, khoản 2, mục III của Quyết định 3347). Mức vay tối thiểu là 20 triệu đồng/hộ và tối đa là 50 triệu đồng/hộ. Hộ nghèo được hỗ trợ 100% lãi suất hàng tháng, hộ cận nghèo được hỗ trợ 75%. Thời gian hộ vay được hỗ trợ lãi suất trong vòng 5 năm. Sau 5 năm, nếu bà con chưa trả hết tiền gốc thì sẽ tính tiền lãi suất 6,6%/năm đối với hộ nghèo và 7,92%/năm đối với hộ cận nghèo. Trước đây, có rất nhiều hộ đồng bào DTTS tại Khánh Sơn đã được vay vốn NHCSXH. Tuy nhiên, việc trả lãi suất hàng tháng đối với nhiều hộ luôn là vấn đề khó khăn, nhất là những hộ nghèo và cận nghèo. Do vậy, chính sách hỗ trợ lãi suất của tỉnh thực sự đã tạo thêm động lực để bà con mạnh dạn tiếp cận với nguồn vốn vay để có thêm nguồn lực phát triển sản xuất.
Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai thực hiện, đến nay, trên địa bàn huyện Khánh Sơn mới chỉ có 70 hộ nghèo, cận nghèo DTTS tại 4/8 xã, thị trấn được xét đủ điều kiện vay vốn và đã có 34 hộ được giải ngân với số tiền hơn 1,36 tỷ đồng. Trong khi toàn huyện hiện có hơn 4.000 hộ nghèo và hộ cận nghèo, với phần lớn là hộ đồng bào DTTS. “Theo Quyết định 3347/2016 của UBND tỉnh, thì mức vay tối thiểu là 20 triệu đồng nhưng thực tế nhiều hộ có nhu cầu vay dưới 20 triệu đồng. Qua đó, ngân hàng ở cơ sở cũng đã đề xuất lên cấp trên sẽ có hướng tháo gỡ, có mức vay phù hợp với nhu cầu của hộ vay hơn”, ông Nguyễn Thành Hưng – Phó Giám đốc NHCSXH huyện Khánh Sơn nói.
Bên cạnh đó, người dân cũng mong muốn các cấp có thẩm quyền xem xét mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách này để có thêm nhiều hộ nghèo, cận nghèo DTTS được vay vốn hỗ trợ lãi suất của Nhà nước, giúp bà con có thêm nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững.
Đinh Luận
Theo: Báo Khánh Hòa