Site icon Tin Tức Khánh Hòa

COVID-19: Tác động với kinh tế Việt Nam và các giải pháp ứng phó


Tác động với kinh tế Việt Nam và các giải pháp ứng phó

Ngay sau khi công bố dịch viêm đường hô hấp COVID-19 gây ra, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, ngành và địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc.”

Đây được xem như, lần đầu tiên chưa có trong tiền lệ đối với việc công bố dịch bệnh, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn dịch COVID-19 một cách tích cực và đồng bộ, với liều lượng cao và “mạnh tay hơn” so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, cũng như so với thời điểm diễn ra dịch SARS năm 2003. Bên cạnh đó, là sự chung tay vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong nỗ lực giảm thấp nhất thiệt hại kinh tế có thể xảy ra.

Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu 4 bài viết ghi nhận những ảnh hưởng của dịch tới nền kinh tế, sự hỗ trợ của các bộ, ngành, chính quyền địa phương cũng như sự chủ động của doanh nghiệp – đối tượng chịu tác động trực tiếp từ dịch.

Với quyết tâm không để dịch bệnh lây lan, thậm chí: “Chấp nhận thiệt thòi một phần lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng và cuộc sống bình yên của nhân dân,” Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc để phòng, chống dịch; nhận diện rõ các khó khăn, thách thức và dự báo những kịch bản, tình huống xấu có thể xảy ra; đồng thời, đề xuất các kiến nghị, giải pháp vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước Chính phủ, trong trường hợp khống chế được dịch trong Quý 1/2020 thì tăng trưởng GDP năm 2020 dự báo là 6,25%, giảm 0,55 điểm % so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ; trong đó, quý 1 tăng 4,52%; quý 2 tăng 6,08%; quý 3 tăng 6,92% và quý 4 tăng 6,81%.

Trường hợp dịch được khống chế trong Quý 2/2020 thì tăng trưởng được dự báo là 5,96%, giảm 0,84 điểm % so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ và giảm 0,29 điểm % so với kịch bản khống chế được dịch trong Quý 1/2020; trong đó, Quý 1 tăng 4,52%; Quý 2 tăng 5,1%; Quý 3 tăng 6,70% và Quý 4 tăng 6,81%.

Những thông tin này cùng diễn biến hiện nay của dịch bệnh đang khiến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam rất quan tâm và không khỏi lo lắng trước những tác động của dịch bệnh, cùng những ảnh hưởng tiêu cực đối với mọi hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại và đầu tư trong nước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo những ngành ảnh hưởng trực tiếp do dịch gồm xuất nhập khẩu, du lịch, vận tải; những ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng gián tiếp gồm sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; sản xuất công nghiệp như: sản xuất, chế biến thực phẩm, công nghiệp điện-điện tử, da giày, dệt may, thương mại nội địa, đầu tư, thu chi ngân sách, phát triển doanh nghiệp…

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, thời điểm này, VCCI đang tiến hành tổng hợp, ghi nhận ý kiến từ phía các doanh nghiệp ở hầu hết mọi lĩnh vực và các ngành kinh tế trước những tác động của dịch bệnh. Đây là đại dịch của toàn cầu, diễn biến ngày càng phức tạp và nguy hiểm, gây tổn hại tới sức khỏe, tính mạng con người và đương nhiên sẽ kéo theo những tác động về kinh tế.

Trước tình hình đó, song song với những nỗ lực phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe con người, các doanh nghiệp cũng cần theo sát thông tin từ các cơ quan chức năng để chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh; linh hoạt xử lý các vấn đề phát sinh về hợp đồng và phía đối tác. Điều quan trọng nhất là cẩn trọng, cảnh giác để giảm thiểu tối đa những thiệt hại kinh tế trước những tác động trực tiếp hoặc gián tiếp do dịch bệnh COVID-19, trước khi có những hỗ trợ, giúp đỡ từ phía Chính phủ, các ban, ngành chức năng…

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới khởi phát tại thành phố Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) gây ra vẫn đang tiếp tục lây nhiễm với tốc độ khó lường. Tại thời điểm 16 giờ 15 ngày 15/2, Việt Nam có 16 trường hợp nhiễm COVID-19 phải cách ly để điều trị; trong đó có 7 người chữa khỏi cùng nhiều người đang phải giám sát y tế để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm.

Vào thời điểm đầu công bố dịch, các địa phương trên cả nước đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đồng loạt tạm dừng đón khách du lịch tham quan tại các điểm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử; đặc biệt, dừng việc tổ chức các hoạt động lễ hội đầu xuân Canh Tý nhằm tránh tập trung đông người, dễ gây nguy cơ phát tán mầm bệnh. Chính bởi nguyên nhân này, ngành dịch vụ du lịch đã phải chịu hậu quả đầu tiên, do những tác động của dịch bệnh COVID-19.

Dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, nếu dịch kéo dài hết quý I, thiệt hại về doanh thu từ khách quốc tế năm 2020 là khoảng 2,3 tỷ USD, nếu dịch kéo dài hết quý 2, thiệt hại khoảng 5 tỷ USD.

Bà Nguyễn Thị Việt Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch AST (AST Travel) cho biết: “Gay go nhất là các công ty du lịch bị hủy các booking đã đặt. Khách châu Âu dù đã đặt chỗ hay ký hợp đồng đều hủy hết các tour đến Việt Nam. Thiệt hại là không tính nổi bởi những đặt chỗ sát ngày thường đã có sự chuẩn bị để đón khách. Song với lý do bất khả kháng thì việc hủy booking không thể phạt được khách hàng. Cả chiều du lịch trong nước hay nước ngoài đều giống nhau. Ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề thì cũng kéo theo cả loạt các công ty khác như vận chuyển đi lại, dịch vụ ăn uống, khách sạn….cũng bị thiệt hại.”

Chị Hạnh Mai ở Hà Nội, đại diện một công ty tổ chức sự kiện lớn của Thủ đô cho hay, ra Tết, thường là mùa lễ hội và du Xuân của khách thập phương. Để đón khách, các địa phương và các công ty tổ chức sự kiện đều phải lên phương án chuẩn bị kỹ càng, đầu tư cơ sở vật chất chu đáo để đón khách du Xuân. Các chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật với sự tham gia của hàng nghìn văn nghệ sỹ, diễn viên và người tham gia… đều “đình chỉ” do dịch bệnh COVID-19. Một phần là sự tuân thủ nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ và các ban, ngành chức năng, song lớn hơn là tâm lý lo ngại tham gia tụ tập ở những nơi đông người, dễ gia tăng nguy cơ lây nhiễm nếu có mầm bệnh.

Ra Tết, vấn đề thiếu hụt lao động luôn là mối lo của đa phần các doanh nghiệp sản xuất. Nhưng năm nay, khó khăn không phải vì Tết mà lại là vì dịch. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, riêng tại một số doanh nghiệp có lao động là người Trung Quốc có trên 11 nghìn người trong tổng số khoảng 40 nghìn lao động chưa quay trở lại làm việc do dịch cúm tại 56 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ngoài ra, ước khoảng 3.000 lao động trong ngành du lịch, dịch vụ, ăn uống bị mất việc do lượng khách du lịch giảm hoặc hủy tour.

Ông Vũ Hoàng, đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn Wolkslift Việt Nam cho biết, là doanh nghiệp cung cấp trang thiết bị cho các công trình xây dựng, nên Wolkslift nhận thầu nhiều hợp đồng lắp đặt thang máy cho các công trình lớn, nhỏ trên khắp cả nước như Nha Trang, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội…

Với diễn biến tình hình dịch bệnh, phía nhà sản xuất (Trung Quốc) đã thông báo tạm nghỉ 10 ngày vì không có công nhân đi làm. Như vậy, nhiều khả năng, doanh nghiệp sẽ bị chậm giao và lắp đặt sản phẩm cho khách hàng theo đúng cam kết về tiến độ đã ký hợp đồng.

Ông Hoàng bày tỏ lo ngại: “Sợ nhất là hiệu ứng domino kéo dài! Nguy cơ và tác động sẽ khó tính toán nổi…” Vì lẽ đó, nên chăng các cơ quan chức năng xem xét, tính toán các giải pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp. Cụ thể như về cơ chế tài chính là giãn nợ hoặc điều chỉnh lãi suất cho vay; hay tác động thêm về thị trường bằng cách tăng cường xúc tiến thương mại hàng hóa, khơi thông tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới…, ông Hoàng đề xuất.

Trên thực tế, với nỗ lực của cả 2 phía Việt Nam và Trung Quốc, từ ngày 8-12/2, tại cửa khẩu Lào Cai đã nhập tổng số 613 xe nông sản và xuất khẩu 363 xe; trong đó, mặt hàng thanh long xuất được 227 xe, tương đương gần 4.500 tấn. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong những ngày qua đạt trên 5,3 triệu USD và tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai là gần 13.000 tấn; riêng xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc trên 6.500 tấn.

Hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, bà Trần Phương Nga, CEO Công ty tư vấn Bất động sản Viko Housing cũng cho biết, thị trường thuê mua nhà ở và văn phòng ở Hà Nội của khách Hàn Quốc đang khá sôi động và đem lại nhiều nguồn thu.

“Bỗng chốc dịch bệnh COVID-19 tới bất ngờ, khiến công ty hiện vắng hẳn khách Hàn Quốc. Họ rất cẩn thận vì sợ lây nhiễm nên tránh tiếp xúc. Giao dịch cũng vì thế giảm hẳn. Tình hình này chưa biết khi nào được cải thiện…?. Nên chăng, công tác truyền thông phải giúp trấn an dư luận,” bà Nga đặt vấn đề.

Ở góc độ nghiên cứu, bà Nguyễn Thúy Hạnh, Chuyên gia về dịch bệnh, Viện Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) bày tỏ lo lắng, tình hình dịch bệnh như hiện nay nếu không nhanh chóng kiểm soát hay khống chế sẽ kéo theo nhiều tác động xấu và hệ lụy tới các ngành sản xuất nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung. Nông nghiệp vốn là ngành dễ chịu tổn thương và thường “lao đao” vì thời tiết. Nay vì dịch bệnh, nông dân và thương nhân buôn bán nông sản sẽ phải chịu tác động đầu tiên.

Bên cạnh khá nhiều doanh nghiệp đang gặp “rắc rối” vì dịch bệnh COVID-19, cũng có một số công ty khá “tỉnh táo” và may mắn hơn.

Ông Phạm Đức Toàn, ở Hà Nội, có công ty chuyên kinh doanh ngành thép hợp kim, thuộc lĩnh vực cơ khí, cho biết: “Nguồn hàng của công ty đến đúng từ trung tâm dịch là tỉnh Vũ Hán, Trung Quốc. Song rất may mắn là đợt hàng gần nhất đã về từ trung tuần tháng 12/2019 và đủ để tiêu thụ cho 6 tháng đầu năm 2020. Qua thời gian này, chúng tôi hy vọng mọi sự sẽ hanh thông trở lại. Mọi việc sau đó cũng mới tính tiếp.”

Trước diễn biến của dịch COVID-19, Chính phủ, các bộ ngành đã nỗ lực vào cuộc phòng, chống dịch, bảo vệ nhân dân, đồng thời có các đối sách để kịp thời hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp-lực lượng giữ vai trò nòng cốt cho nền kinh tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu ngay một số gói chính sách tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, nông dân chịu ảnh hưởng của dịch. Cụ thể, hỗ trợ thanh khoản, duy trì cho vay, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ, đẩy nhanh quá trình và thời gian xem xét các đơn xin vay và giải ngân các khoản vay, miễn lãi quá hạn các khoản vay….

Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính nghiên cứu các giải pháp, chính sách thuế để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; logistics, bán lẻ, sản xuất, chế biến hàng nông, lâm, thủy sản, dịch vụ, du lịch; đồng thời miễn, giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng của dịch trong thời gian diễn ra dịch; kéo dài thời gian, giãn tiến độ nộp tiền thuê đất sau khi dịch được kiểm soát; giảm giá thuê đất, mặt bằng cho các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp bán lẻ để kịp thời hỗ trợ các dịch vụ hậu cần, lưu thông, kho lạnh, bảo quản hàng hóa, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản, thúc đẩy và tăng cầu nội địa trong thời gian chịu ảnh hưởng của dịch.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất Chính phủ giao các Bộ: Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các đơn vị liên quan nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cụ thể để tiếp tục bảo đảm thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu, cắt giảm chi phí đầu vào thông qua việc hỗ trợ giảm mức phí điện, nước cho các doanh nghiệp đang phải tạm ngừng sản xuất, kinh doanh do dịch.

Cùng với việc kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm khắc các hành vi lạm dụng chính sách kiểm soát dịch để gây khó dễ cho doanh nghiệp trong hoạt động thông quan hàng hóa để loại bỏ chi phí không chính thức của doanh nghiệp, các ngành chức năng tăng cường truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông sản để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và các nước khác.

Nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói riêng đang trải qua giai đoạn khó khăn và chưa thể khẳng định diễn biến tiếp theo. Tuy nhiên, với sự chung tay có trách nhiệm của toàn xã hội và các quyết sách, cơ chế hỗ trợ kịp thời của Chính phủ sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và duy trì phát triển./.

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã tác động không nhỏ tới hoạt động xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. Bên cạnh các mặt hàng trái cây chịu tác động nhất do sức ép thời vụ và bảo quản, nhiều nông sản khác tuy cũng bị ảnh hưởng nhưng các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng này vẫn tự tin trước thời cuộc.

Bởi nhiều ngành hàng đã và đang có sự chuẩn bị để thích ứng với biến động mạnh này từ thị trường xuất khẩu lớn và truyền thống này; đồng thời coi đây là thời cơ để chuyển đổi sản xuất, kinh doanh, tái cơ cấu mạnh mẽ.

Thích ứng khó khăn

Trung Quốc là thị trường lớn của nông sản Việt Nam, chiếm từ 22-24% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam; trong đó nhiều mặt hàng chiếm tỷ trọng cơ bản như rau quả. Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra đã khiến ngay từ đầu năm, tình hình xuất khẩu nông sản sang thị trường này bị hạn chế, thậm chí ngưng trệ một thời gian khá dài.

Hậu quả kèm theo đó là việc đàm phán mở cửa chính thức thị trường nông sản với nhiều mặt hàng như: sầu riêng, yến, khoai lang… vốn diễn biến thuận lợi, nhiều khả năng bị đình trệ do các cơ quan chức năng của Trung Quốc không sang được Việt Nam.

Gạo là một trong những mặt hàng chịu tác động khá mạnh và sớm từ những thay đổi chính sách của Trung Quốc. Năm 2019, mặt hàng này đã gặp rất nhiều khó khăn khi sang thị trường này. Nhưng với tình hình hiện nay, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam tự tin cho biết, gạo lại là một trong những ngành hàng sẽ có nhiều điều may mắn.

Bà Bùi Thị Thanh Tâm cho biết, năm 2019, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc giảm 64%; trong khi đó cách đây 5-6 năm, thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 50% tổng sản lượng với trên 6 triệu tấn xuất khẩu mỗi năm của doanh nghiệp. Tuy nhiên, năm 2019, cơ cấu xuất khẩu gạo đã có nhiều thay đổi do Trung Quốc thay đổi cơ chế nhập khẩu, cộng với việc nâng cao chất lượng và tìm được những thị trường mới. Vì vậy, năm 2019, doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt 477.000 tấn với kim ngạch 247 triệu USD trong tổng số xuất khẩu trên 6 triệu tấn với kim ngạch khoảng 2,7 tỷ USD.

“Việc ‘giảm phụ thuộc’ ở mặt hàng gạo có ý nghĩa quan trọng. Nên nhìn chung đối với mặt hàng gạo sẽ không chịu sự tác động nhiều,” bà Tâm cho hay.

Xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 1,2 tỷ USD mỗi năm, nhưng doanh nghiệp ngành hàng gỗ cũng rất tự tin. Ông Nguyễn Tôn Quyền, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhìn nhận, các sản phẩm gỗ xuất khẩu sang thị trường này lớn nhưng không phải sản phẩm tinh, chủ yếu là dăm, mảnh. Bên cạnh đó, mặt hàng này xuất khẩu qua đường bộ chiếm rất ít, khoảng 40 triệu USD trong tổng số trên 1,1 tỷ USD sang Trung Quốc. Qua đường biển, Việt Nam chủ yếu bán theo giá FOB nên giao dịch không ảnh hưởng nhiều.

Thời gian tới, việc mua hàng tại Việt Nam của Trung Quốc sẽ giảm. Nhưng đây là cơ hội cho ngành gỗ giảm xuất khẩu dăm, mảnh, tạo nguồn nguyên liệu cho sản xuất ván nhân tạo, viên nén. Điều này sẽ góp phần làm gia tăng giá trị đối với ngành gỗ.

Nếu dịch bệnh kéo dài, doanh nghiệp sẽ có sự chuyển biến trong nhận thức và chuyển đổi hoạt động chế biến, kinh doanh. Hiệp hội đã làm việc với các doanh nghiệp và họ đồng tình về sự chuyển hướng mua thiết bị sản xuất gỗ công nghiệp và viên nén thay cho xuất khẩu dăm, mảnh, ông Nguyễn Tôn Quyền cho hay.

Không chỉ các mặt hàng gạo hay gỗ, thủy sản tuy cũng bị tác động bởi việc giao hàng sẽ bị chậm trễ, tốn thêm chi phí, nhưng ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, ngành vẫn có 2 cơ hội. Đó là sẽ chuẩn bị hàng đồ hộp, đông lạnh bởi dự báo sau những sự kiện như thế này (3-5 tháng) sẽ có sự điều chỉnh văn hóa tiêu dùng. Mặt hàng tươi, sống sẽ ít đi và hàng đồ hộp, đông lạnh sẽ có nhu cầu lớn. Cơ hội thứ hai, Việt Nam sẽ gia tăng được thị phần mặt hàng cá ngừ ở các thị trường bởi Trung Quốc là 1 trong 5 nước bán cá ngừ lớn.

Thế nhưng, nhìn lại trái cây thì đây vẫn là mặt hàng chịu sức ép thời vụ và bảo quản nên khó xoay chuyển tình thế trong thời gian ngắn. Trái cây nói riêng và nông sản nói chung không dễ chuyển hướng thị trường khi chưa được nước khác cho nhập khẩu chính thức; hoặc không đáp ứng được các tiêu chuẩn thông thường về truy xuất nguồn gốc, nhãn mác, bao bì…

Trong khi đó, ngành chế biến nông sản của Việt Nam phát triển vượt bậc, nhưng năng lực chế biến sâu của một số ngành hàng nông, lâm, thủy sản còn gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng kịp thời việc tập trung thu mua, chế biến các sản phẩm nông sản trong nước hiện nay.

Tái cơ cấu đến đâu, xây dựng thị trường đến đó

“Biến thách thức thành thời cơ. Phải tìm thấy cơ hội từ thử thách đặc biệt. Chợ cũ đứng trước nguy cơ rủi ro cháy không phải ngồi đó mà khóc mà phải bàn xây dựng chợ mới. Đây là tiền đề, áp lực chỉ ra ngành nông nghiệp phải tái cơ cấu sâu sắc, chứ không chỉ chờ đợi xảy ra rồi chắp vá.” Đó là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường với các ngành hàng, địa phương, doanh nghiệp và người sản xuất.

Nông nghiệp Việt Nam sẽ không phát triển được nếu nông sản không xuất khẩu được vì sức sản xuất quá lớn. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ sẽ phối hợp chặt với các bộ, ngành, địa phương từ tái cơ cấu đến mở cửa thị trường.

Theo đó, các tỉnh, thành chỉ đạo các ngành cùng hiệp hội ngành hàng rà soát tất cả các mặt hàng, trước hết là những nông sản xuất khẩu lớn sang Trung Quốc. Địa phương phải cùng với các doanh nghiệp chế biến họp bàn đưa ra các giải pháp về thời vụ, điều tiết sản xuất.

Tình hình dịch bệnh có thể kéo dài, các tỉnh trồng dưa hấu cần rà soát lại và không trồng tiếp, chuyển sang cây trồng khác. Đây là mặt hàng chưa trở thành thói quen chế biến thì cần giảm bớt áp lực bằng các loại cây trồng khác.

Với mặt hàng thanh long, bên cạnh giải pháp trước mắt là rà soát, cân đối tiêu thụ hợp lý, kéo dài thời gian thu hoạch, về lâu dài tỉnh Bình Thuận – địa phương có sản lượng thanh long lớn nhất cả nước, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền người dân liên kết thực hiện theo chuỗi giá trị sản xuất với tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa, nâng cao chất lượng sản đảm bảo an toàn thực phẩm, theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tăng sản lượng xuất khẩu bằng chính ngạch.

Sản xuất theo chuỗi liên kết là giải pháp quyết định hiệu quả. Những địa phương hay mặt hàng nào chưa hình thành được chuỗi sản xuất thì hết dịch bệnh cũng sẽ phải đối mặt giải quyết những sự cố khác. Do vậy Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, các địa phương phải cùng doanh nghiệp hướng dẫn, định hướng nông dân tổ chức sản xuất hiệu quả, hình thành các hợp tác xã.

“Cùng các chính sách, nhưng tại sao tỉnh Sơn La trong 2 năm đã hình thành được gần 400 hợp tác xã nông nghiệp ? Với khát vọng lớn, sự quyết tâm thực hiện cao, Sơn La đã cùng Tiền Giang trở thành những tỉnh đứng đầu về diện tích cây ăn quả,” Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường so sánh.

Về mở cửa thị trường, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, Bộ đã phối hợp với cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại các nước trên thế giới triển khai toàn diện, đạt hiệu quả cao nhất về xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa bàn trọng điểm, tiềm năng và thị trường ngách ngay từ đầu năm 2020, tạo sự đột phá trong đa dạng hóa thị trường.

Từ giữa tháng 2 này, nhiều đoàn công tác do lãnh đạo Bộ dẫn đầu sẽ cùng các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Dubai (UAE), Trung Đông, Hoa Kỳ, Brazil, Nhật Bản, Liên bang Nga, Australia, NewZealand, châu Âu, ASEAN…

Với thị trường trong nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức các diễn đàn xúc tiến thương mại trong nước kết nối thu mua nông sản giữa các địa phương, doanh nghiệp và nông dân.

“Nông dân hiện đã ở thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trồng cây gì phải đau đáu nghĩ sẽ chế biến, bán hàng như thế nào chứ không chỉ có đất là trồng. Trong thế giới phẳng, bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra, người dân cũng cần đồng hành, sản xuất có trách nhiệm bằng việc gắn kết, liên kết với doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất lớn, chuỗi giá trị sâu. Đó mới là chiến lược lâu dài,” người đứng đầu ngành nông nghiệp nhấn mạnh./.


Theo các nhà phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam (mã: CTS), việc xem xét diễn biến thị trường chứng khoán khi xảy ra dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) năm 2003 có thể mang lại những bài học giá trị nhất định cho nhà đầu tư, do chủng mới của Corona gây ra dịch COVID-19 được cho là có trình tự bộ gene giống từ 75 đến 80% trình tự bộ gene của virus SARS.

CTS điểm lại các mốc diễn biến chính xảy ra dịch, đưa ra so sánh các mốc thời gian diễn ra dịch SARS và dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

CTS khuyến nghị, trong ngắn hạn (như trong dịch SARS thời gian tạo đáy khoảng 3-4 tháng) thị trường chứng khoán sẽ ảnh hưởng tiêu cực từ dịch do COVID-19. Ngưỡng hỗ trợ theo phân tích kỹ thuật mạnh gần nhất quanh mức 900 điểm.

Tín hiệu bắt đáy là khi có quốc gia đầu tiên công bố khống chế dịch thành công (Việt Nam là nước đầu tiên công bố khống chế dịch SARS thành công), thị trường phục hồi và đi lên.

Nhìn lại những biến động các nhóm cổ phiếu của Hong Kong (Trung Quốc) khi đại dịch SARS xảy ra, nhóm ngành tài chính có xu hướng giảm nhẹ 2,04% trong khi dịch xảy ra và tăng 39% khi thị trường hồi phục. Trong khi đó, nhóm ngành bất động sản chịu tác động nặng nề khi giảm 17,4% trong khi dịch xảy ra và phục hồi mạnh 61% khi dịch kết thúc. Mặc dù đà tăng, giảm bao gồm ảnh hưởng bởi các nhân tố khác, nhưng đây là một số kinh nghiệm tốt có thể rút ra.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng bộ phận Kinh tế, Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) nhận định, trên thực tế, khi đánh giá kỹ càng và thận trọng thì sẽ nhận ra các dịch bệnh gây ra do các loại virus đã xảy ra trước đây như dịch SARD năm 2003 và dịch cúm H1N1 năm 2009. Tuy nhiên, tác động đến kinh tế vĩ mô, thị trường chứng khoán thế giới nói chung và các quốc gia xuất hiện dịch bệnh nói riêng chỉ ở mức độ trong ngắn hạn.

Ngay sau khi dịch bệnh được kiềm chế thì nền kinh tế vĩ mô của các quốc gia này cũng như thị trường chứng khoán đã có sự phục hồi đáng kể, do đó ông Tuấn cho rằng không nên quá quan ngại yếu tố này.

Trước diễn biến bất ngờ của dịch viêm đường hô cấp do chủng mới virus corona (COVID-19), ngành giao thông vận tải đã có những phản ứng kịp thời nhằm bảo vệ hành khách, lực lượng lao động của ngành cũng như góp phần ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh. Ngành cũng chủ động có các giải pháp để bù đắp thiệt hại do dịch gây ra.

Ngay sau khi có chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam đã ban hành liên tiếp 4 chỉ thị về việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19; trong đó, chỉ thị mới nhất của Cục này đã yêu cầu các hãng hàng không chủ động điều chỉnh kế hoạch bay, tạm ngừng tất cả các chuyến bay từ vùng có dịch đến Việt Nam.

Các hãng hàng không không thực hiện các chuyến bay thường lệ và không đề nghị cấp phép bổ sung cho các chuyến bay từ Việt Nam đến vùng có dịch của Trung Quốc.

Phía các cảng hàng không, sân bay được Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu chủ trì, phối hợp với các hãng hàng không, đơn vị cung cấp dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất và các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát quy trình ứng phó tình huống khẩn nguy y tế, chuẩn bị sẵn sàng về nguồn lực cho các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, đồng thời khuyến cáo hành khách thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khi tham gia giao thông.

Để khắc phục khó khăn, ổn định hoạt động kinh doanh, ngành giao thông vận tải đã triển khai một số giải pháp. Theo đó, ngành đường sắt đưa nhiều chương trình giảm giá vé cho hành khách thực hiện trong tháng 2 và 3.

Cụ thể, Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội sẽ giảm từ 12-18% giá vé giường nằm tàu Thống Nhất đến hết ngày 16/2/2020; giảm từ 7-20% giá vé giường nằm tàu tuyến Hà Nội-Vinh-Hà Nội đến hết ngày 10/3/2020. Từ giữa tháng 2/2020, Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn sẽ áp dụng nhiều chương trình giảm giá vé từ 5-15% cho tập thể và khứ hồi tùy theo mác tàu và số lượng khách trong đoàn.

Theo: Viet Nam Plus