Sau sự cố môi trường tháng 3-2017, Nhà máy Đường Khánh Hòa (nay là Công ty Cổ phần Đường Việt Nam) đã đầu tư kiên cố hóa hệ thống xử lý nước thải, kiên quyết không để xảy ra sự cố đáng tiếc một lần nữa.
Theo chân ông Trần Phi Bút – phụ trách mảng cây xanh môi trường công ty, chúng tôi ra khu vực xử lý nước thải – nơi xảy ra sự cố môi trường năm 2017. Trước mắt chúng tôi, một hồ xử lý sinh học rộng hàng ngàn m2 được xây dựng kiên cố, tường dày hàng chục cm, thay cho hồ đất trải bạt trước đây. Đi một vòng xung quanh khu vực xử lý nước thải, các kênh dẫn nước thải xung quanh nhà máy cũng được kiên cố, màu nước chảy ra khá trong, không còn mùi của nước thải. Hệ thống quan trắc tự động liên tục truyền số liệu về bộ phận điều khiển và truyền về Sở Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) để theo dõi, kiểm tra.
Ông Nguyễn Trí Tuân – Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm cũng cho biết, sau sự cố môi trường năm 2017, Nhà máy Đường Khánh Hòa đã nỗ lực khắc phục, bảo đảm chất lượng nước thải ổn định, không có hiện tượng lén lút xả thải chưa qua xử lý như thông tin. Hiện nay, người dân khu vực xung quanh nhà máy có phản ánh về nồng độ bụi, mùi trong không khí, nhà máy đang tiếp tục khắc phục.
Ông Đỗ Thành Liêm – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đường Việt Nam cho biết, sau sự cố môi trường năm 2017, công ty đã chấn chỉnh lại nhân sự và đầu tư kiên cố hồ hóa lý sinh học với dung tích 12.000m3, đủ sức chứa, dự phòng, kiên quyết không để xảy ra sự cố một lần nữa. Đồng thời, kiên cố hệ thống kênh, mương xử lý nước thải, bảo đảm công tác bảo vệ môi trường. Ngoài ra, hệ thống quan trắc hoạt động liên tục 24/24 giờ, truyền số liệu về Sở TN-MT. Hệ thống xử lý theo quy trình, nước chưa xử lý được đưa vào hồ chứa 2.500m3 xử lý bằng phương pháp yếm khí và hiếu khí, sau đó lắng lọc và đưa vào hồ sinh học 12.000m3 xử lý tiếp cho đến khi nước thải đạt chất lượng cột A mới xả ra môi trường.
Năm 2017, Công ty Cổ phần Đường Việt Nam đã đóng đủ tiền xử phạt vi phạm hành chính theo Quyết định số 1407 ngày 22-5-2017 của UBND tỉnh với số tiền hơn 3 tỷ đồng và bồi thường cho hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại hơn 6,6 tỷ đồng. |
Theo lãnh đạo Sở TN-MT, sau sự cố chảy tràn nước thải, Công ty Cổ phần Đường Việt Nam đã đầu tư thêm một số hạng mục của hệ thống xử lý nước thải theo yêu cầu và hướng dẫn của Sở TN-MT. Vì thế, từ đầu vụ sản xuất đến nay, qua theo dõi quan trắc, lấy mẫu, các thông số ô nhiễm nằm trong giới hạn cho phép và đạt cột A trong quy chuẩn Quốc gia về nước thải công nghiệp. Ngày 11-4, Sở TN-MT phối hợp với UBND huyện Cam Lâm, UBND xã Cam Thành Bắc mời đại diện một số hộ thôn Tân Quý (xã Cam Thành Bắc) đối thoại và kiểm tra thực tế công tác bảo vệ môi trường tại nhà máy, kết quả hệ thống xử lý nước thải vận hành bình thường.
Cũng theo lãnh đạo Sở TN-MT, hiện nay, Công ty Cổ phần Đường Việt Nam đang tiếp tục thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các quy định cụ thể tại Quyết định 2805 (ngày 13-2-2001) của Bộ Khoa học Công nghệ và môi trường (nay là Bộ TN-MT). Theo đó, nhà máy phải tiến hành quan trắc, giám sát môi trường đối với nước thải, khí thải, bụi, không khí xung quanh, nước biển ven bờ… Việc quan trắc nước thải, khí thải phải có hệ thống quan trắc tự động liên tục truyền số liệu về sở để theo dõi, bao gồm cả hình ảnh camera giám sát cửa xả…
Ông Bùi Minh Sơn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN-MT cho hay, về tình hình bụi ảnh hưởng đến khu dân cư, qua kiểm tra ngày 11-4, nguyên nhân là do mía bị dính nhiều bụi đất. Trước mắt, nhà máy đã triển khai gia cố thêm lưới và tưới nước để hạn chế bụi ảnh hưởng tới khu dân cư trong những ngày gió to. Sở TN-MT đang theo dõi, giám sát chặt chẽ việc khắc phục, nếu bụi tiếp tục ảnh hưởng đến môi trường khu dân cư sẽ tham mưu UBND tỉnh xử lý theo quy định.
QUANG VIÊN
Theo: Báo Khánh Hòa