Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Công tác quản lý lao động người nước ngoài: Còn nhiều bất cập

Qua 2 năm thực hiện, Quy chế phối hợp quản lý lao động là người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập. Lợi dụng thiếu sót trong các quy định, nhiều doanh nghiệp (DN) đã lách luật, thậm chí phớt lờ để tuyển dụng, đưa lao động người nước ngoài vào làm việc không phép.

Phát hiện hàng trăm lao động không phép

Mới đây, UBND TP. Nha Trang kiểm tra tại Nhà hàng Việt Nam Tứ Xuyên của Công ty TNHH Đầu tư Phong Nguyên (2 Tôn Đản) phát hiện có 5 lao động người Trung Quốc đang làm việc tại nhà hàng. Trong đó có 2 người không có giấy phép lao động, 1 người không có giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động… UBND TP. Nha Trang đã ra quyết định xử phạt công ty này 90 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 2 tháng…

Lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, đơn vị đã chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức kiểm tra 25 DN chủ yếu hoạt động dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh. Qua đó phát hiện có 314 lao động người nước ngoài làm việc không phép, vi phạm pháp luật. Sở và các ngành chức năng đã ra quyết định xử phạt hơn 3,3 tỷ đồng. Những con số thống kê trên vẫn chưa thực sự đầy đủ. Bởi có một số sở, ngành, đơn vị không thực hiện rà soát, đánh giá. Do sự thiếu hụt lao động Việt Nam biết ngoại ngữ nên các DN mới tuyển những lao động nước ngoài vào làm việc chui. Có nhiều trường hợp, khi lực lượng chức năng kiểm tra nơi ở, phát hiện visa hết hiệu lực đã nhiều năm. 

Lao động người nước ngoài hướng dẫn tour cho khách du lịch tại Nha Trang.

Lắm chiêu lách luật

Tại buổi làm việc với các sở, ngành mới đây, ông Nguyễn Đắc Tài chỉ đạo: Sở LĐ-TB-XH tiếp thu các ý kiến đóng góp để sửa đổi, bổ sung vào dự thảo Quy chế trình UBND tỉnh xem xét, ban hành. Việc kiểm tra phải được tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét để tiến hành kiểm tra liên ngành, tránh việc kiểm tra nhiều lần, gây phiền hà cho DN. Công an tỉnh phải tăng cường quản lý về cư trú của lao động người nước ngoài. Đối với UBND cấp huyện, phải có trách nhiệm trong chỉ đạo và tăng cường công tác quản lý lao động người nước ngoài trên địa bàn…

Ông Văn Đình Tri – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết, chỉ sau 2 năm thực hiện Quy chế phối hợp quản lý lao động là người nước ngoài đã phát sinh nhiều khó khăn, bất cập, khiến các ngành chức năng rất lúng túng. Cụ thể, hiện nay, rất khó xác định công việc mà lao động người Việt Nam không đáp ứng được phải tuyển lao động nước ngoài. Vì trong các quy định không nói rõ tiêu chí cụ thể ở những vị trí, công việc nào cần thẩm định, xác minh. Đặc biệt, theo quy định, người nước ngoài là thành viên góp vốn sẽ không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Lợi dụng chính sách này, nhiều DN, người lao động nước ngoài chỉ góp từ 1 đến 10 triệu đồng là có thể xin xác nhận để làm việc.

Đại tá Phạm Văn Dũng – Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập cảnh Công an tỉnh cho biết, hiện nay, có nhiều DN lợi dụng quy định của Luật Xuất nhập cảnh để mời, bảo lãnh cho lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc và được Cục Quản lý xuất nhập cảnh cấp thị thực ký hiệu là DN có thời hạn 12 tháng. Theo quy định, trước khi mời, bảo lãnh thì DN phải làm thủ tục và được UBND tỉnh chấp thuận, các cơ quan quản lý nhà nước cấp giấy phép hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép. Tuy nhiên, không hiểu vì sao nhiều lao động nước ngoài vẫn được Cục Quản lý xuất nhập cảnh duyệt cho nhập cảnh vào Việt Nam để làm việc và cấp thị thực DN.

Bên cạnh đó, hiện nay, có rất nhiều lao động nước ngoài vào Việt Nam bằng con đường du lịch rồi ở lại làm việc không phép. Đa số những lao động này làm việc ở các cửa hàng bán cho khách đi theo tour cố định và người dân sở tại không thể vào được. Khi các ngành chức năng đến kiểm tra thì ngay lập tức những lao động này “biến” thành khách du lịch vào mua hàng. Với chiêu thức này, các ngành chức năng khó phát hiện được.

Cần sửa đổi quy định và tăng cường quản lý

Năm 2016, ngành chức năng thực hiện cấp mới, cấp lại giấy phép lao động cho 348 người và xác nhận thuộc diện không cấp giấy phép lao động 161 người; năm 2017 cấp mới, cấp lại cho 409 người và xác nhận cho 178 người; từ đầu năm 2018 đến nay cấp mới, cấp lại cho 257 người và xác nhận cho 50 người.

Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH, hiện nay, các huyện, thị xã, thành phố chưa tham gia thực hiện quy chế phối hợp mà xem đó là trách nhiệm của các sở, ngành. Do vậy, UBND tỉnh cần quy rõ trách nhiệm của các huyện, thị xã, thành phố trong quy chế. Từ đó, góp phần tăng cường công tác quản lý lao động người nước ngoài.

Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, tình trạng DN, lao động nước ngoài lách luật theo hình thức góp vốn đang diễn biến khá phức tạp. Do đó, UBND tỉnh cần có quy định rút ngắn thời gian cấp giấy xác nhận đối với những trường hợp góp vốn ít. Về lâu dài, cần kiến nghị sửa đổi quy định pháp luật về thành viên góp vốn là người nước ngoài theo hướng phải có mức cụ thể từ 100 triệu đồng trở lên mới được xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Bên cạnh đó, cần thành lập tổ kiểm tra liên ngành để tránh nhiều sở, ngành liên tục kiểm tra gây phiền hà cho DN.

Đại tá Phạm Văn Dũng cho biết, đối với DN mời, bảo lãnh lao động, UBND tỉnh và các ngành cần đề nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh kiểm tra chặt chẽ việc DN có được UBND tỉnh chấp thuận trước khi duyệt và cấp thị thực DN cho lao động. Trong khi đó, ông Nguyễn Sỹ Khánh – Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang đề xuất, nên tạo điều kiện cho địa phương cùng tham gia với các sở, ngành trong công tác kiểm tra. Bên cạnh đó, nên bỏ quy định về thời gian thử việc 3 tháng để tránh việc lao động phổ thông là người nước ngoài vào Việt Nam lách luật mà ưu tiên cho lao động chất lượng cao. Đồng thời, phải tăng cường công tác quản lý tạm trú, tạm vắng. Ngoài ra, khi kiểm tra DN sử dụng lao động nước ngoài trái phép thì ngoài chuyện xử phạt người lao động cũng nên xử phạt cả chủ DN…

VĂN GIANG

Theo: Báo Khánh Hòa