Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 29 ngày 18-9-2013 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, bên cạnh một số chuyển biến tích cực, trên thực tế, việc thực hiện công tác ATVSLĐ vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, cần sớm được khắc phục. 

 
Những kết quả ghi nhận

Thực hiện Chỉ thị số 29, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương triển khai. Đồng thời, UBND tỉnh đã thành lập Hội đồng ATVSLĐ tỉnh và giao nhiệm vụ cụ thể hàng năm cho các sở, ngành thực hiện các nội dung về ATVSLĐ.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Doanh nghiệp thực hiện nghiêm những quy định về an toàn,  vệ sinh lao động sẽ góp phần bảo vệ người lao động.

Doanh nghiệp thực hiện nghiêm những quy định về an toàn, vệ sinh lao động sẽ góp phần bảo vệ người lao động.

Các đơn vị, doanh nghiệp (DN) đã chú trọng cải thiện điều kiện lao động bằng việc đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ mới vào sản xuất; thực hiện nghiêm túc việc kiểm định, đăng ký sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ. Các chế độ, quyền lợi như: trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, tổ chức khám sức khỏe định kỳ, thực hiện giờ làm việc nghỉ ngơi, bồi dưỡng lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm… ngày càng được thực hiện tốt hơn. Hàng năm, có hơn 1.200 DN tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho trên 21.700 người lao động (NLĐ). Đặc biệt, mỗi năm, các DN còn dành hơn 65 tỷ đồng để xây dựng và áp dụng các biện pháp kỹ thuật đảm bảo ATVSLĐ.

Ông Văn Đình Tri – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, các ngành chức năng đã nâng cao tránh nhiệm trong việc hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra các đơn vị, DN về thực hiện công tác ATVSLĐ. Từ năm 2013 đến nay, đã thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác ATVSLĐ trên 300 lượt DN. Qua đó, phát hiện, chấn chỉnh những vi phạm, thiếu sót của DN. Bên cạnh đó, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã tư vấn xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ cho hàng trăm DN.

Vẫn còn nhiều hạn chế

Qua kiểm tra, có thể thấy công tác ATVSLĐ vẫn còn nhiều hạn chế. DN còn che giấu, né tránh, chưa báo cáo đúng tình hình tai nạn lao động; chưa tổ chức đánh giá rủi ro về mối nguy hiểm, huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ theo quy định; chưa xây dựng nội quy, quy trình làm việc bảo đảm an toàn, phù hợp với từng loại máy móc, thiết bị, nơi làm việc theo quy định. Ở phần lớn các DN nhỏ còn sử dụng các loại máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu; không trang bị, cấp phát các phương tiện bảo vệ cá nhân hoặc có trang bị nhưng không đầy đủ cho NLĐ. Bên cạnh đó, hiện vẫn còn rất nhiều lao động trong các DN nhỏ chưa được ký hợp đồng lao động; số lượng lao động tự do hạn chế về kiến thức ATVSLĐ nên khi làm việc không theo quy trình, biện pháp an toàn.

Nhiều DN chỉ quan tâm đến hoạt động kinh doanh, sản xuất mà không chú trọng, quan tâm thực hiện công tác phòng chống, khám bệnh nghề nghiệp, xử lý môi trường làm việc nguy hại cho NLĐ. Đồng thời, do nhận thức của NLĐ về các yếu tố nguy hại gây bệnh nghề nghiệp chưa cao nên không đề nghị, yêu cầu DN áp dụng các chế độ liên quan. Toàn tỉnh có trên 11.000 DN với hơn 165.600 NLĐ, tuy nhiên mỗi năm mới chỉ có khoảng 1.200 DN thực hiện khám bệnh nghề nghiệp cho hơn 21.700 NLĐ. Nhiều DN chưa thực hiện xây dựng hoặc xây dựng quy trình lao động mang tính đối phó, không có cán bộ y tế hoặc chỉ có cán bộ y tế kiêm nhiệm. 

 
Qua kết quả thanh tra hàng năm của ngành chức năng tại 70 DN thì cả 70 DN đều còn nhiều sai phạm trong lĩnh vực ATVSLĐ. Tính từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh xảy ra hàng trăm vụ tai nạn lao động làm 33 người chết và hàng trăm người bị thương. Phần lớn các vụ tai nạn lao động là do người sử dụng lao động và NLĐ chưa thực hiện nghiêm các quy định, quy trình về làm việc an toàn.  

 
Ông Văn Đình Tri cho rằng, để thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, công tác tuyên truyền pháp luật về ATVSLĐ cần được đẩy mạnh. Phía DN phải chú trọng cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe NLĐ; thường xuyên tổ chức huấn luyện kỹ thuật an toàn lao động, hướng dẫn nghiệp vụ và kỹ năng lao động an toàn cho NLĐ. Các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, phát hiện sớm sai phạm ATVSLĐ để kịp thời chấn chỉnh. Cùng với đó, cơ quan quản lý nhà nước cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho DN thực hiện ATVSLĐ.

VĂN GIANG
 

Theo: Báo Khánh Hòa