Trước giờ xét xử phúc thẩm, vợ chồng bị cáo N.M.T (cùng sinh năm 1976, cùng trú huyện Diên Khánh) ngồi lặng lẽ bên góc hành lang. Cả hai rất lo kháng cáo của T. không được tòa chấp nhận.
Lo lắng đó không phải vô căn cứ, bởi bị cáo đã làm 1 người chết. T. vốn là công nhân sửa chữa ô tô. Hôm đó, sau khi sửa xong chiếc ô tô tải ben tại khu vực công trường xây dựng, T. chạy thử xe lên khu vực chở đá của công trường. Trong lúc điều khiển xe, do thiếu quan sát, T. đã để ô tô va chạm với người giám sát công trình đang đứng điều tiết xe vào công trường, làm người này bị ngã và bị bánh xe ô tô đè lên người, tử vong tại chỗ. Ở giai đoạn sơ thẩm, cha của bị hại từng bức xúc cho rằng, hành vi phạm tội của bị cáo cấu thành một tội phạm khác, do bị cáo không có giấy phép lái xe mà vẫn điều khiển xe, gây ra cái chết cho con ông.
Bên cạnh đó, bị cáo còn có 2 tiền án về các tội: Mua bán trái phép chất ma túy và trốn khỏi nơi giam; từng bị kết án về các tội cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản…
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo càng lo hơn khi lý do xin giảm án là gia đình khó khăn bị bác bỏ. Trông đợi duy nhất của bị cáo lúc này chỉ còn tập giấy tờ chứng minh người mẹ có công với cách mạng; người cha có nhiều thành tích tham gia xây dựng quân đội nhân dân.
Chỉ đến khi vị đại diện viện kiểm sát phát biểu quan điểm, phân tích tuy bị cáo có nhân thân xấu, nhưng cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết tăng nặng tái phạm là chưa chính xác. Bên cạnh đó, bị cáo còn có tình tiết giảm nhẹ mới là gia đình có công với cách mạng. Vì vậy, vị này đã đề nghị tòa giảm án cho bị cáo.
Nghe tòa cấp phúc thẩm tuyên chấp nhận kháng cáo, giảm 6 tháng tù, bị cáo chỉ phải chấp hành 1 năm 6 tháng tù về tội vô ý làm chết người, vợ chồng T. mừng quýnh.
Nhìn theo T. ra về, chờ ngày đi chấp hành án, vị đại diện viện kiểm sát cho biết, bị cáo đã quá chủ quan, quá tự tin mà gây ra thiệt hại về tính mạng cho người khác; bị cáo lại có nhân thân xấu, nhưng vẫn cần xem xét theo đúng quy định để không áp dụng tình tiết tăng nặng và áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Ngoài ra, sau khi phạm tội, bị cáo đã xin công ty đứng ra bồi thường thay 600 triệu đồng cho gia đình bị hại, rồi đi làm trả lại dần cho công ty. 2 năm qua, bị cáo đã kiên trì làm việc để trừ dần vào lương mỗi tháng 4 triệu đồng trả lại cho công ty. Điều đó cho thấy bị cáo đã thực sự hối cải. Pháp luật công bằng thì việc áp dụng pháp luật càng phải công minh. Có như vậy, người phạm tội mới tâm phục khẩu phục, quyết tâm cải tạo thành người có ích cho xã hội.
TAM THUẬT
Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/phap-luat/chuyen-ghi-o-toa/202206/cong-minh-8255375/