Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Còn nhiều bất cập

Đoàn khảo sát của HĐND tỉnh vừa có buổi làm việc với các trường trên địa bàn tỉnh về đào tạo nhân lực du lịch. Qua đó, việc đào tạo nhân lực du lịch còn nhiều bất cập như: thiếu cơ sở vật chất, khung chương trình, việc liên kết với doanh nghiệp du lịch còn hạn chế…

Chưa đáp ứng được nhu cầu

Theo báo cáo của Sở Du lịch, tổng số lao động trực tiếp trong các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh khoảng 28.000 người (lĩnh vực lưu trú khoảng 25.000 người, lữ hành 3.000 người). Trong đó, số lượng lao động đã qua đào tạo về nghiệp vụ du lịch chiếm tỷ lệ 52% (đại học và cao đẳng 8%, trung cấp 16%, sơ cấp 28%).

Nhân viên khu du lịch Hòn Tằm chuẩn bị bàn tiệc để đón khách.

Dự kiến, giai đoạn 2017 – 2020, ngành Du lịch cần thêm khoảng 4.650 lao động/năm. Tuy nhiên, hiện nay, 21 cơ sở đào tạo về nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh mỗi năm chỉ đào tạo được khoảng 3.200 lao động. Theo Kế hoạch phát triển nhân lực Khối sản xuất kinh doanh giai đoạn 2016 – 2020, từ nay đến năm 2020, Sở Du lịch sẽ mở 38 lớp đào tạo nhân lực quản lý, lưu trú và lữ hành với số lượng khoảng 1.420 người. Chương trình này cũng chỉ giải quyết được phần nào về việc thiếu hụt nhân lực du lịch.

Bên cạnh số lượng, chất lượng đào tạo nhân lực du lịch cũng là vấn đề đáng quan tâm. Thực tế cho thấy, chất lượng đào tạo nhân lực chưa cao, học viên ra trường thiếu kỹ năng mềm và kỹ năng ngoại ngữ. Báo cáo của các khách sạn: Nha Trang Lodge, Nha Trang Palace, Liberty Central Nha Trang, Star City gửi HĐND tỉnh đều phản ánh: thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao để tuyển dụng; người lao động trực tiếp có kiến thức về nghề nhưng lại thiếu kỹ năng thực hành nên doanh nghiệp phải đào tạo lại để phù hợp với công việc thực tế. Ông Lê Văn Sơn – Tổng quản lý khách sạn Liberty Central Nha Trang cho biết: “Rất khó tìm thấy nhân lực vừa có kiến thức nghề vừa đáp ứng được khả năng ngoại ngữ. Các trường nên tăng cường cho sinh viên cọ xát với công việc thực tế và nâng cao trình độ ngoại ngữ, nhất là khả năng giao tiếp ngoại ngữ”.

Bất cập trong đào tạo

Làm việc với đoàn khảo sát HĐND tỉnh, các trường đã nêu lên nhiều khó khăn, bất cập trong việc đào tạo nhân lực du lịch. Ông Chu Đình Lộc – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khánh Hòa cho biết, hiện nay, hệ đào tạo nghề du lịch đang tồn tại 3 hệ thống chuẩn khác nhau: hệ thống chuẩn nghề quốc gia, hệ thống chuẩn kỹ năng nghề du lịch EU và hệ thống chuẩn kỹ năng nghề ASEAN. Điều này đã khiến các trường lúng túng trong việc triển khai hoạt động đào tạo. Bên cạnh đó, khung chương trình tổng thể do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chưa hợp lý giữa tiết học chuyên ngành và không chuyên ngành, giữa lý thuyết và thực hành; cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành chưa đạt chuẩn làm hạn chế khả năng thực hành của sinh viên.

Ông Nguyễn Doãn Thành – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Nha Trang cho biết: Để giải quyết điểm yếu về trình độ ngoại ngữ của sinh viên, 2 năm gần đây trường đã liên kết với trung tâm ngoại ngữ để khảo sát, phân loại trình độ ngoại ngữ của sinh viên, qua đó sẽ xếp lớp học phù hợp. Sinh viên phải đạt chuẩn tiếng Anh mới được ra trường. Để tăng hiệu quả các đợt thực tập, trường mời doanh nghiệp đến thảo luận về kế hoạch thực tập của sinh viên, nhờ đó chất lượng thực tập được nâng cao, sinh viên ra trường gần như đều có việc làm…

Trình độ giảng viên của các trường còn hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo cũng được nêu ra tại cuộc họp. “Thực tế chỉ có khoảng  1/3 giảng viên giảng dạy về du lịch là đúng chuyên ngành mà họ đã học. Theo tôi, cần khảo sát chất lượng đội ngũ giảng viên, từ đó nâng cao chất lượng giảng viên để nâng cao chất lượng đào tạo…”, ông Quách Hoài Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang đề xuất.

Tại cuộc họp, đại diện một số trường phản ánh tình trạng doanh nghiệp đứng ngoài công tác đào tạo nhân lực. Các trường đã đề nghị doanh nghiệp cử cán bộ tham gia giảng dạy để nâng cao chất lượng đào tạo nhưng các doanh nghiệp không mặn mà; nhiều doanh nghiệp nhận các em về thực tập nhưng lại không giao việc cho các em làm (sợ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ) nên khi ra trường các em thiếu kỹ năng làm việc.

Thay mặt đoàn giám sát, đồng chí Lê Xuân Thân – Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của các trường. Đồng thời lưu ý, các trường cần tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong việc đào tạo nhân lực; nâng cao chất lượng giảng viên, đào tạo ngoại ngữ phải gắn với ngành nghề du lịch. Một số thành viên trong đoàn giám sát cũng đề nghị Sở Du lịch phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội khảo sát vấn đề việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường. “Vấn đề không phải chỉ dừng lại ở chỗ các em có việc làm hay không, mà còn phải xem công việc của các em có đúng chuyên ngành đã học hay không”, bà Nguyễn Thị Hoàng Diệp – Phó Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh bày tỏ.

XUÂN THÀNH