Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Cơn bão đầu tiên của năm 2019 đang hướng về phía mũi Cà Mau

 

Ảnh mây vệ tinh cơn bão số 1. (Nguồn: nchmf.gov.vn)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chiều 1/1, áp thấp nhiệt đới trên vùng biển Tây Nam quần đảo Trường Sa đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 1 năm 2019 và có tên quốc tế là Pabuk.

Hồi 13 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 6,3 độ Vĩ Bắc; 110 độ Kinh Đông, cách đất liền các tỉnh Nam Bộ khoảng 500 km về phía Đông Nam, cách Côn Đảo khoảng 450km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15km.

Đến 13 giờ ngày 2/1, vị trí tâm bão ở khoảng 6,2 độ Vĩ Bắc; 107,3 độ Kinh Đông, cách mũi Cà Mau khoảng 360km về phía Đông Nam, cách Côn Đảo khoảng 280km về phía Nam Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên) phía Bắc vĩ tuyến 5 độ Vĩ Bắc.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 13 giờ ngày 3/1 vị trí tâm bão ở khoảng 6,5 độ Vĩ Bắc; 104,7 độ Kinh Đông, cách mũi Cà Mau khoảng 220 km về phía Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 13 giờ ngày 4/1, vị trí tâm bão ở khoảng 7,9 độ Vĩ Bắc; 102 độ Kinh Đông, cách mũi Cà Mau khoảng 300km về phía Tây Tây Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

[Áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão, sức gió giật cấp 10]

Trong 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc.

Do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh mạnh nên vùng biển phía Tây của khu vực Nam Biển Đông có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10, biển động mạnh; vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận (bao gồm cả huyện đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh; vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Về diễn biến lũ trên các sông từ Thừa Thiên-Huế đến Ninh Thuận đang biến đổi chậm, mực nước lúc 19 giờ ngày 1/1 trên sông Bồ (Huế), tại Phú Ốc là 1,56m, trên bao động 1 là 0,06m; tại Sông Vệ 2,73m, trên báo động 1 là 0,23m; sông Kôn (Bình Định) tại Thạnh Hòa 6,45m, trên báo động 1 là 0,45m; sông Dinh Ninh Hòa (Khánh Hòa) tại Ninh Hoà là 3,99m báo động 1.

Dự báo từ nay đến ngày 3/1, lũ trên các sông từ Thừa Thiên-Huế đến Ninh Thuận có khả năng lên lại. Mực nước trên các sông ở Thừa Thiên Huế, từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa lên mức báo động 1, báo động 2, trên một số sông nhỏ tại Phú Yên, Khánh Hòa lên mức báo động 2, báo động 3.

Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp và đô thị tại các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Ninh Thuận. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1

Ngoài ra, cần phòng nguy cơ lở đất và ngập úng cục bộ tại các tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà do sáng sớm ngày 1/1 một số nơi thuộc các tỉnh Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to đến rất to nhưSuối Sung 57mm; Đập Kiều: 48mm, Đá Trải: 31mm, Ủy ban Nhân dân xã Sông Hinh 50,6mm.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định, khu vực này tiếp tục có mưa vừa, mưa to với lượng phổ biến từ 30-40mm, cục bộ có nơi 60mm, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ vùng trũng thấp và đô thị ở các tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa đặc biệt là huyện Sông Hinh (Phú Yên), Vạn Ninh (Khánh Hòa). Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1./.

Theo: Viet Nam Plus