Thời gian gần đây, hàng chục hộ dân ở xã Suối Cát, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) phản ánh việc cơ sở tái chế rác thải nhựa trên địa bàn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân.
Thường xuyên hít khói bụi độc hại
Ông Lê Văn Thuận, Tổ trưởng Tổ An ninh số 1, thôn Khánh Thành Bắc, xã Suối Cát cho biết: “Từ cuối năm 2018 đến nay, trên địa bàn thôn có một cơ sở tái chế rác thải nhựa hoạt động. Cứ sau vài ngày gom đủ số lượng rác thải tái chế, họ tiến hành xử lý để biến số rác đó thành hạt nhựa. Mỗi lần dây chuyền tái chế vận hành, toàn bộ khu vực dân cư lân cận phải chịu làn khói bụi nồng nặc, mùi nhựa cháy rất độc hại”.
Bà Võ Thị Ngọc Xuân, nhà cách cơ sở này khoảng 150m than: “Mỗi lần họ đốt rác là khói khét gây khó thở, tức ngực, đau đầu. Cứ 1, 2 ngày họ đốt một lần, mỗi lần đốt kéo dài từ tối đến sáng”. Bà Đinh Thị Son, nhà ở phía sau cơ sở này cho biết: “Ở thôn quê, ban đêm chúng tôi thường mở cửa sổ để lấy gió trời mát mẻ, trong lành. Nhưng từ khi cơ sở này hoạt động, dù đã đóng bít hết cửa, mùi khói khét vẫn xộc thẳng vào nhà, không tài nào ngủ ngon được”.
Ông Lê Đức Bình, một người dân trong thôn cho biết, dễ nhận thấy nhất là vào lúc sáng sớm, khi tưới cây cối trong vườn, trên mặt lá cây đều dính một lớp mỏng bụi đen nhỏ li ti như hạt cám, hệ quả của việc cả đêm cơ sở xả khói để tái chế rác thải nhựa.
Hoạt động không có giấy phép
Sáng 20-8, chúng tôi có mặt tại cơ sở này. Trên mảnh đất rộng khoảng 2.000m2, chủ cơ sở xây dựng một nhà tiền chế rộng 240m2, bên trong lắp đặt hệ thống dây chuyền để biến rác thải nhựa thành các hạt nhựa. Tại cơ sở không phát tán mùi hôi thối đặc trưng của rác thải thông thường, tuy nhiên, mùi khét của hạt nhựa gây khó chịu cho mọi người khi tiếp xúc. Xung quanh nhà xưởng là những đụn rác chất đống, chờ được xử lý. Thời điểm trên, chủ cơ sở không có mặt, chỉ có một vài người làm thuê. Một lao động ở đây cho biết, cơ sở chủ yếu hoạt động vào ban đêm, khung giờ phổ biến từ 8 giờ tối đến 3 giờ sáng hôm sau. Hình thức hoạt động là rác được đưa lên băng chuyền, rửa, rồi qua máy nung nấu, sau đó qua một loại máy ép nhựa, tạo thành hạt nhựa. Số hạt nhựa này được bán đi nơi khác.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Yến – Phó Chủ tịch UBND xã Suối Cát cho biết, đầu năm 2019, UBND xã đã nhận được đơn phản ánh của người dân về việc cơ sở này gây ô nhiễm môi trường. Qua kiểm tra, phản ánh của người dân là đúng. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở là ông Phạm Văn Duy, trú ở Vĩnh Hòa, Nha Trang không cung cấp được các giấy tờ pháp lý liên quan đến việc cho phép cơ sở hoạt động. Vì vậy, UBND xã đã tiến hành lập biên bản, yêu cầu cơ sở tạm ngưng hoạt động, liên hệ với cơ quan chức năng để hoàn tất các giấy tờ pháp lý. Được một thời gian, người dân tiếp tục phản ánh cơ sở này vẫn hoạt động. Vì thế, ngày 3-6, UBND xã đã tiến hành kiểm tra, làm việc với chủ cơ sở. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở đang hoạt động, có khói và mùi bốc ra môi trường xung quanh. Tại cơ sở, có khoảng 2 tấn bao nhựa đã qua sử dụng được tập kết dưới dạng nguyên liệu, khoảng 200kg hạt nhựa thành phẩm, 1 hố nước do cơ sở tự đào để chứa nước thải trong quá trình vận hành.
Theo biên bản làm việc giữa UBND xã Suối Cát và chủ cơ sở, tại thời điểm ngày 3-6, chủ cơ sở thừa nhận việc vẫn lén lút sản xuất hạt nhựa và chưa hoàn tất việc xin giấy phép hoạt động. Ngày 4-6, UBND xã Suối Cát đã lập biên bản xử phạt chủ cơ sở 2,5 triệu đồng vì đã vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà không có kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định. Đồng thời, báo cáo vụ việc lên UBND huyện Cam Lâm. Ngày 5-8, UBND huyện Cam Lâm đã tổ chức đoàn kiểm tra, lập biên bản. Ngày 8-8, huyện đã ra quyết định xử phạt cơ sở này 2,5 triệu đồng cùng với vi phạm tương tự.
Bà Nguyễn Thị Yến cho biết: “Thời gian qua, xã, huyện đã nhiều lần tổ chức kiểm tra, xử phạt, nhưng cơ sở vẫn lén lút hoạt động. Cái khó hiện nay là chính quyền cấp xã không có chuyên môn để thẩm định mức độ ô nhiễm môi trường của cơ sở này. Xã đang rất cần cơ quan chuyên môn có thẩm quyền, có thể xác định được mức độ ô nhiễm môi trường, hỗ trợ xã trong việc giải quyết dứt điểm sự việc”.
Hồng Đăng
Theo: Báo Khánh Hòa