Khánh Hòa là trung tâm du lịch lớn với hàng ngàn cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, ăn uống. Thế nhưng, hiện nay rất ít cơ sở đăng ký xin cấp biển hiệu đạt chuẩn. Dường như, các chủ cơ sở kinh doanh  không mặn mà với tấm biển “bảo chứng” về chất lượng dịch vụ…

Chuẩn để làm gì?

Từ năm 2008, Tổng cục Du lịch đã hướng dẫn các địa phương triển khai việc cấp biển hiệu cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách. Ở Khánh Hòa, ngành Du lịch đã phổ biến, triển khai cho các cơ sở kinh doanh mua sắm, nhà hàng đăng ký xét duyệt để cấp biển hiệu đạt chuẩn từ cách đây khá lâu. Thế nhưng, theo lãnh đạo Sở Du lịch, hiện nay, trên địa bàn tỉnh mới có 22 cơ sở được cấp bảng hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch (9 nhà hàng và 13 trung tâm thương mại, điểm mua sắm), trong đó có 7 cơ sở được cấp phép trong năm 2018. Đó là con số quá ít so với hàng ngàn cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, ăn uống trên địa bàn tỉnh.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh – Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Về nguyên tắc, việc cấp biển cơ sở mua sắm, ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch dựa trên tinh thần tự nguyện của chủ cơ sở kinh doanh (làm hồ sơ đăng ký xét duyệt). Các cơ sở muốn được gắn biển đạt chuẩn phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí như: diện tích kinh doanh, chất lượng hàng hóa dịch vụ, cách bày trí, việc niêm yết giá, vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý nhân sự… theo quy định của Tổng cục Du lịch. Trong những năm qua, ngành Du lịch đã tuyên truyền rất nhiều về đăng ký cơ sở đạt chuẩn để phục vụ du lịch. Tuy nhiên, với các tiêu chí khá khắt khe và không phải là quy định bắt buộc nên các doanh nghiệp không mặn mà với việc đăng ký để được xét duyệt cấp biển hiệu đạt chuẩn.

Nhà hàng bia tươi Lousiane - một trong những cơ sở được cấp chứng nhận đạt chuẩn.

Nhà hàng bia tươi Lousiane – một trong những cơ sở được cấp chứng nhận đạt chuẩn.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều cơ sở ăn uống, mua sắm đủ tiêu chuẩn để được cấp biển hiệu đạt chuẩn, tuy nhiên các cơ sở này lại không đăng ký để được thẩm định, cấp biển hiệu. Theo tìm hiểu của phóng viên,  nguyên nhân chính là do doanh nghiệp e ngại sự khó khăn khi thực hiện thủ tục đăng ký, chưa thấy được lợi ích cũng như sự cần thiết của việc cấp biển hiệu đạt chuẩn. “Chúng tôi chưa hiểu nhiều về các thủ tục để đăng ký cấp biển hiệu đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Từ trước đến nay, không có biển hiệu này chúng tôi vẫn kinh doanh tốt…”, ông L.Đ – chủ một nhà hàng ở đường Phạm Văn Đồng, TP. Nha Trang bày tỏ.

Những năm gần đây, lượng khách du lịch đến Khánh Hòa liên tục tăng, số lượng cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch ngày càng nhiều. Việc đăng ký, thẩm định và cấp biển hiệu cơ sở dịch vụ du lịch đạt chuẩn là rất cần thiết. Điều này sẽ giúp du khách có cơ sở để lựa chọn điểm đến chất lượng, tạo được niềm tin, ấn tượng đẹp trong lòng du khách. Đồng thời, đây cũng là dịp để các đơn vị chức năng rà soát lại chất lượng dịch vụ của các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong ngành Du lịch. “Thời gian tới, ngành Du lịch sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức thẩm định và công nhận các cơ sở kinh doanh dịch vụ đạt chuẩn. Chúng tôi rất mong muốn các cơ sở kinh doanh có đủ tiêu chí sẽ đăng ký để được thẩm định”, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh nói.

Một điều quan trọng không kém, cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ, quảng bá, giới thiệu dịch vụ sản phẩm của các cơ sở kinh doanh đạt chuẩn để thu hút khách du lịch đến với cơ sở du lịch đạt chuẩn. Thiết nghĩ, Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa cần cập nhật danh mục các cơ sở đạt chuẩn, phải kết nối các đơn vị kinh doanh lữ hành với các cơ sở mua sắm, ăn uống đạt chuẩn; yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành hướng dẫn khách đến các điểm ăn uống, mua sắm đã được công nhận đạt chuẩn. Có như vậy, việc cấp biển hiệu cơ sở đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch mới thực sự có ý nghĩa và lan tỏa.

 
THÀNH NGUYỄN