Việc phát triển lượng du khách thuộc đối tượng có mức sống cao từ Trung Quốc, làm cho sự gia tăng số lượng du khách đi đôi với hiệu quả kinh tế thực sự, đó là chuyện mà nhiều doanh nghiệp cho rằng cần làm ngay trước sự lớn mạnh không ngừng của thị trường du lịch ngay bên cạnh này.
Hàng không dồn dập đổ khách
Trong dịp Tết vừa qua, sân bay Cam Ranh tràn ngập khách du lịch người Trung Quốc. Theo thông tin từ Cảng vụ Hàng không miền Trung tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, trung bình mỗi ngày có từ 30 – 40 chuyến bay thuê bao, đưa 9.000 – 12.000 lượt du khách nước này đến đây.
Tại sân bay Cam Ranh trong những ngày Tết, hình ảnh mà phóng viên ghi nhận được là những dòng người tấp nập làm thủ tục xuất nhập cảnh ở bên trong; còn bên ngoài, những chiếc xe du lịch lớn liên tục ghé trước cửa sân bay đổ khách xuống rồi lại xếp hàng dài tại bãi xe chờ khách mới. Khách quá đông khiến nhân viên hàng không, hải quan làm việc không ngừng tay. Thế nhưng, nhiều người cho biết đây chưa phải là thời điểm bận rộn nhất, khoảng từ 2 giờ chiều đến đêm, khi máy bay liên tục lên xuống mới là lúc “làm không kịp thở”.
Colin Blackwell – Giám đốc điều hành của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Nam Anh – doanh nghiệp đang thực hiện dịch vụ tại sân bay cho một số hãng hàng không nước ngoài, không có chút ngạc nhiên nào khi chúng tôi nói về con số hàng chục chuyến bay với hàng ngàn du khách Trung Quốc đến Cam Ranh mỗi ngày. “Một số hãng hàng không Trung Quốc nói với tôi con số đó chẳng là gì cả. Họ có thể đổ xuống hơn cả trăm chuyến và hơn thế nữa nếu sân bay có chỗ. Đây là thị trường khổng lồ, không lo không có khách”, ông Colin Blackwell nói.
Tết Mậu Tuất, du khách từ Trung Quốc đến một số địa phương khác của Việt Nam cũng rất đông. Chẳng hạn như tại TP. Đà Nẵng, trong 7 ngày Tết, có hơn 10.000 khách du lịch Trung Quốc đến. Tờ Nikkei Asian Review dẫn báo cáo của Học viện Du lịch Trung Quốc và Công ty Du lịch trực tuyến Ctrip (Trung Quốc) cho biết, khoảng 6,5 triệu người Trung Quốc du lịch nước ngoài trong suốt kỳ nghỉ Tết dài một tuần bắt đầu từ ngày 15-2 (tức 30 Tết Nguyên đán). Trong đó, Việt Nam là một trong những lựa chọn yêu thích của người dân nước này.
Năm ngoái, Việt Nam đã đón hơn 4 triệu lượt khách từ Trung Quốc, tăng 48,6% so với năm 2016. Nhưng ông Blackwell cho rằng con số đó chưa phải là cột mốc cho “sự bùng nổ”. Với lợi thế khoảng cách gần, có nhiều điểm du lịch có khí hậu ấm áp quanh năm, an toàn, nên du khách từ nước láng giềng này sẽ tiếp tục đổ đến Việt Nam. Việc một số hãng hàng không Trung Quốc bắt đầu tham gia cũng sẽ là đòn bẩy mới cho thị trường. “Phần lớn máy bay thuê bao chở khách hiện được thuê từ các hãng hàng không của Việt Nam. Lượng khách đổ đến sẽ nhiều hơn nữa khi có thêm các hãng hàng không Trung Quốc”, ông Blackwell nói.
Trong một cuộc trao đổi gần đây, ông Nguyễn Văn Thành – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa cho biết, sân bay Cam Ranh đang quá tải nên rất nhiều chuyến bay từ Trung Quốc phải bay vào ban đêm. Nếu nhà ga mới của sân bay đi vào hoạt động đúng tiến độ, dự kiến khoảng từ tháng 4-2018, thì khách du lịch này đến Khánh Hòa có thể tăng đến gần 2 triệu lượt trong năm nay.
Tại TP. Hồ Chí Minh năm vừa qua, Trung Quốc cũng vượt lên đứng đầu trong tốp 10 thị trường du lịch lớn nhất và hứa hẹn sẽ tiếp tục lập kỷ lục mới trong năm nay vì doanh nghiệp đã tìm được cách giải quyết bài toán thiếu chỗ đậu trong sân bay, bằng cách bay đến vào ban đêm.
Không quá khó để tăng thu
Không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều điểm đến khác trên thế giới, sự phát triển của dòng khách từ Trung Quốc luôn đem đến những ý kiến trái chiều. Cùng với sự nồng nhiệt chào đón những du khách từ thị trường lớn nhất thế giới là nỗi lo về quá tải cho hạ tầng, dịch vụ, là sự hoài nghi về hiệu quả kinh tế thực tế cho doanh nghiệp và nền kinh tế địa phương, kèm với sự quan ngại về việc mất cân đối, lệ thuộc vào thị trường.
Thời gian qua, những vụ việc lộn xộn như: doanh nghiệp, hướng dẫn viên người Trung Quốc điều hành tour trái quy định tại Việt Nam, sự trỗi dậy của tour 0 đồng – loại tour được doanh nghiệp bán dưới giá thành nhưng lấy lời bằng việc ép khách đi tour mua hàng hóa, dịch vụ với giá cao… đã khiến nhận định không hay về thị trường này được khẳng định thêm. Một số doanh nghiệp than phiền là đang phải nhả dần thị trường Trung Quốc bởi giá tour đi bằng máy bay thuê bao mà các công ty du lịch bên kia bán chưa bằng giá vé máy bay khứ hồi thông thường giữa hai nước. Với một số chương trình tàu biển, công ty du lịch địa phương chỉ “kiếm ăn” được ở những chuyến đầu bởi sau đó bị đối tác liên tục ép giá.
Theo tổng giám đốc một công ty du lịch tại TP. Hồ Chí Minh, việc có những nhận định cho rằng du khách nước này không mang lại hiệu quả kinh tế cao và không thể xen vào vòng tròn cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp nước họ để kiếm tiền là sự đánh giá không đầy đủ về thị trường. Cứ nói đến du khách Trung Quốc là nhiều người nghĩ ngay đến dòng du lịch bằng máy bay thuê bao, vốn thường xảy ra một số lộn xộn kiểu như tour 0 đồng. Trong khi đó, một số lượng lớn du khách Trung Quốc ở những thành phố cấp một, chi tiêu cao, đi du lịch thường xuyên, đặt tour qua các kênh trực tuyến như Ctrip hay kênh hệ thống thương mại điện tử Alibaba thì lại không được chú ý tiếp cận và cung cấp dịch vụ. “Những người này tự đi hoặc đi qua công ty du lịch mà họ đặt như bất cứ khách du lịch nào trên thế giới. Chúng ta có thể lấy được nhiều tiền ở đây nhưng lại bỏ qua. Thực tế, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam nhưng việc tiếp thị, tạo sản phẩm đang bị gãy”, ông nói và cho biết công ty ông đang đón nhiều du khách sử dụng dịch vụ 4 – 5 sao từ các thành phố lớn của nước này như: Thượng Hải, Thâm Quyến, Bắc Kinh. Thị phần còn rất lớn bởi có đến 500 thành phố có nguồn khách chất lượng cao ở nước láng giềng.
Theo báo cáo của Học viện Du lịch Trung Quốc và Công ty Ctrip, trung bình mỗi du khách nước này chi tiêu khoảng 9.500 nhân dân tệ (khoảng 1.500 đô la Mỹ) cho du lịch nước ngoài trong dịp Tết Nguyên đán 2018. So sánh với cuộc điều tra được công bố gần nhất vào năm 2014 của Tổng cục Du lịch Việt Nam, có thể thấy khách Trung Quốc đang chi nhiều hơn 386 đô la so với mức bình quân của lượt khách quốc tế có nghỉ qua đêm ở các cơ sở lưu trú tại Việt Nam.
Ông Blackwell của Công ty Nam Anh đưa phóng viên đi một vòng sân bay Cam Ranh, quan sát từng nhóm du khách đổ vào sảnh chờ để nói về thói quen tiêu dùng của họ. Vài năm trước, khách hàng không mua sắm nhiều nhưng hiện nay, rất nhiều người vào sân bay với hàng tá túi xách, thùng hàng trên xe đẩy. Những đoàn đi cùng nhau thường mang về những gói hàng với màu sắc và kích cỡ bao bì giống nhau vì mua cùng một cửa hàng. Trong đó, thường là những sản phẩm nông sản như: cà phê, các loại hạt, trái cây, hải sản, các sản phẩm chế biến từ cao su như nệm mút… Doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu qua kênh này nhưng với điều kiện là phải cung cấp thông tin bằng tiếng Trung, thông tin cho khách hàng biết những cửa hàng bán sản phẩm tốt, đúng giá… Quảng bá trực tuyến là kênh thông tin hiệu quả nhất.
“Khi đến Việt Nam, du khách sẽ kết nối Internet mua SIM card, đây là cơ hội để người bán hàng giới thiệu cho du khách biết họ có thể mua cái gì, mua ở đâu. Ở nước chúng tôi, khách Trung Quốc đến và chi rất nhiều tiền, hơn cả du khách từ Mỹ”, doanh nhân người Anh này nói.
Ông Blackwell cũng đặc biệt nói nhiều đến những khách du lịch độc lập từ Trung Quốc. Đây là những người ở những thành phố lớn, có thu nhập tốt, biết tiếng Anh, có kinh nghiệm để chủ động sắp xếp các kỳ nghỉ, là khách hàng quan trọng mà du lịch Việt Nam cần nhắm đến. “Nếu đưa thông tin nhiều, lại có thêm dịch vụ trả tiền qua ví điện tử, thanh toán bằng điện thoại nữa thì cơ hội bán hàng cho thị trường này là rất lớn”, ông nói.
Đào Loan
(Thời báo Kinh tế Sài gòn)
Theo: Báo Khánh Hòa