Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Chuyện về Đội 24

Đội Công tác xã hội tình nguyện tại xã, phường, thị trấn (gọi là Đội 24) được ví như cánh tay nối dài của chính quyền cấp xã trong phòng, chống tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, bên cạnh những nơi làm việc hiệu quả, một số nơi vẫn hoạt động cầm chừng…

Nơi phát huy hiệu quả


Chìa tay chỉ vết sẹo, anh T. (phường Vĩnh Thọ, TP. Nha Trang) kể: “Tôi từng cai nghiện ma túy 5 lần, sốc thuốc 3 lần mà vẫn bị tái nghiện. Có lần tôi chỉ đủ tiền mua ma túy, không mua được bơm kim tiêm nên nhặt bơm kim tiêm cũ, lấy nước ở vũng nước đọng súc qua loa rồi chích luôn! Đến giờ, trên tay tôi vẫn còn vết sẹo do bị áp xe…”. Nhưng đó là chuyện quá khứ. Năm 2006, sau khi cai nghiện thành công, anh T. đi làm, rồi học đại học ngành kinh tế, ngành luật, lập gia đình, có 2 con và được kết nạp Đảng năm 2014. Hiện nay, không chỉ là lãnh đạo một đoàn thể của phường, tham gia một số công tác tại tổ dân phố, anh còn là Đội trưởng Đội 24 của phường và tích cực tham gia hoạt động thiện nguyện. Từng trải qua cảm giác thèm thuốc, từng mặc cảm nên anh T. không ngại va chạm, dễ dàng thâm nhập và được người nghiện tin tưởng. Người nghiện còn học ở anh nghị lực để chiến thắng bản thân. Hiện nay, phường Vĩnh Thọ đang làm hồ sơ hỗ trợ 2 đối tượng hoàn lương; lập hồ sơ quản lý 23 người nghiện, trong đó 3 người đã lập gia đình, chuyên tâm đi biển, 1 người cai được hoàn toàn, một số đang uống thuốc điều trị. Bà Phạm Thị Tuyết – Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Thọ cho biết, nhận thấy anh T. có ý chí làm lại cuộc đời, Đội 24 đã tham mưu phường hỗ trợ, từng bước giao việc từ dễ đến khó để anh phấn đấu. Vừa qua, anh T. đã được quy hoạch chức danh lãnh đạo đoàn thể thuộc Đảng ủy phường quản lý. “Để cai nghiện ma túy thành công, cần nhất ý chí của người nghiện, nhưng để tiếp thêm nghị lực, giúp họ không tái nghiện, rất cần sự quan tâm của gia đình, sự chia sẻ, không kỳ thị của người dân và sự hỗ trợ của chính quyền”, anh T. nói.  



Đội 24 xã Diên Điền (huyện Diên Khánh) phối hợp nắm tình hình tại hộ dân.



Phường Phước Long (TP. Nha Trang) là địa bàn rộng, đông dân, tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp. Với thế mạnh có 4/5 thành viên là đảng viên, không chỉ tích cực phối hợp tuyên truyền, Đội 24 của phường còn phân công từng người nắm tình hình khu vực mình sinh sống. Nhờ đó, thành viên dễ dàng gặp gỡ, động viên, chia sẻ, hỗ trợ người nghiện, người hành nghề mại dâm hoàn lương. Ông Nguyễn Ngọc Trai, Tổ trưởng tổ dân phố Phước Thái 2 nhìn nhận: “Đội luôn phối hợp với tổ dân phố nắm tình hình; tuyên truyền, vận động không quản ngày đêm. Có Đội 24, địa bàn yên ổn hơn”. Nhờ sát sao quản lý địa bàn, giai đoạn 2016 – 2020, phường Phước Long có hồ sơ quản lý 16 người nghiện; đến tháng 4-2021 giảm còn 8 người. Nhiều người tự cai nghiện có tiến bộ, đã lập gia đình, tự kiếm việc làm. Phường còn xóa được 2 điểm đen về tệ nạn mại dâm.

Nơi còn khó khăn


Mấy lần hẹn, chúng tôi mới gặp được chị Thái Thị Mai Trinh – Đội trưởng Đội 24 phường Vĩnh Trường (Nha Trang), bởi chị còn đi làm thêm. Chị Trinh cho biết, nhiệm vụ của đội khá nhiều: Thông tin, tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma túy, mại dâm, giảm lây nhiễm và tác hại của HIV/AIDS; tham gia quản lý, tư vấn, cảm hóa, vận động, hỗ trợ các đối tượng hoàn lương; quản lý, giúp đỡ đối tượng sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú; nhận xét, đánh giá việc thực hiện, lưu hồ sơ người cai nghiện; phối hợp phát hiện vi phạm về phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS… Tuy nhiên, phụ cấp của họ chỉ khoảng 700.000 đồng/tháng. Vì vậy, chị Trinh phải làm thêm thu ngân cho một nhà hàng vào buổi tối. Đa số thành viên là người mới, chuyên môn, kỹ năng còn hạn chế nhưng phải tiếp cận đối tượng nghiện nguy hiểm. Làm đội trưởng gần 1 năm, chị Trinh cũng chưa được tham gia tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ. Vì vậy, việc tiếp cận để vận động, tư vấn cho 19 người nghiện trên địa bàn còn khó khăn.



Ra quân tuyên truyền về tác hại của ma túy tại xã Diên Điền (huyện Diên Khánh).



Ở phường Ngọc Hiệp (Nha Trang), Đội 24 lại khó tiếp cận, vận động người nghiện tham gia tư vấn, hỗ trợ điều trị tại điểm tư vấn cai nghiện, bởi phần lớn không hợp tác. Người nghiện ma túy và gia đình ngại đến cơ sở tư vấn. Một số nơi khác cũng khó tiếp cận đối tượng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đội 24 của xã Diên Điền (huyện Diên Khánh) thành lập năm 2013, vận động được 7 đối tượng cai nghiện tại cộng đồng, nhưng sau đó một số tái nghiện, một số phạm tội, phải chấp hành án. Theo Đội trưởng Cao Trung Nguyên, thuyết phục người nghiện là khó nhất. Các đối tượng thường tránh né, phải đến nhiều lần; một số vắng mặt tại địa phương dài ngày. Thành viên đội lại thường xuyên thay đổi, kiêm nhiệm, nên khó nắm bắt về chuyên môn, quản lý địa bàn; kỹ năng tiếp xúc cũng hạn chế. Bên cạnh đó, ý thức đấu tranh, phòng ngừa của người dân chưa cao; gia đình đối tượng tránh né…


Kết quả kiểm tra hoạt động của Đội 24 tại 5 xã, phường thuộc TP. Nha Trang giai đoạn 2016 – 2020 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cuối năm 2021 cho thấy, thành phố có 14 đội; trong khi số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý là 339 người, tăng 88 người so với năm 2020.

Cần được quan tâm hơn


Thực tiễn cho thấy, nơi nào Đội 24 hoạt động hiệu quả, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội được quan tâm, thì nơi đó giảm nguy cơ phát sinh tệ nạn. Theo bà Lê Phương Thảo – Phó Trưởng phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở LĐ-TB-XH, hiện nay toàn tỉnh có hơn 2.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý và khoảng 500 người có nguy cơ cao về mại dâm làm ở các cơ sở dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn. Toàn tỉnh có 61 Đội 24, tăng 20% so với năm 2015. Các Đội 24 đã góp phần giúp các đối tượng nhận ra lầm lỡ, từ bỏ tệ nạn để hòa nhập cộng đồng và thành công trong công việc, xây dựng gia đình hạnh phúc. Đến nay, toàn tỉnh đã triển khai cho 65 người hoàn lương vay vốn với số tiền gần 1,2 tỷ đồng để làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Đa số người vay đã phát huy được hiệu quả vốn vay, trả nợ đúng hạn.



Tuy nhiên, hoạt động của các Đội 24 vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế nhất định. Một số địa phương thiếu sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát nên công tác phối hợp chưa hiệu quả. Một số nơi chưa mạnh dạn tạo điều kiện cho đối tượng vay vốn tìm việc làm, ổn định cuộc sống. Nhiều gia đình có người nghiện còn bao che, không hợp tác với chính quyền. Số người nghi hoạt động mại dâm không có nơi cư trú ổn định nên khó quản lý. Thành viên đội đa số kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi nên việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chưa kịp thời. Bên cạnh đó, phụ cấp của họ còn thấp, khoảng từ 400.000 đến 700.000 đồng/tháng, trong khi thường xuyên phải làm ngoài giờ hành chính, làm ban đêm; va chạm, tiếp cận những người có yếu tố phức tạp, nguy hiểm.


Đại diện Sở LĐ-TB-XH cho rằng, để nâng cao hiệu quả hoạt động của Đội 24, rất cần sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; cần bố trí người nhiệt huyết, năng động, nhạy bén trong tham mưu, xử lý công việc; bám sát địa bàn, đối tượng. Sở sẽ tăng cường hỗ trợ bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho đội, đồng thời tập trung rà soát, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 25/2009 về cho vay vốn đối với hộ gia đình có người sau cai nghiện ma túy, mại dâm hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có sử dụng lao động là người sau cai nghiện ma túy, mại dâm hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh theo hướng mở rộng hỗ trợ vay vốn cho lao động nữ có nguy cơ cao về mại dâm làm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ.


NGUYỄN VŨ – VĂN GIANG

 

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202204/chuyen-ve-doi-24-8247869/