Sở Công Thương vừa có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương về những bất cập, vướng mắc trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh khai thác, quản lý chợ nhằm có những điều chỉnh, bổ sung các quy định pháp luật cho phù hợp với thực tế.
Hiệu quả bước đầu
Hiện nay, toàn tỉnh có 126 chợ, gồm: 3 chợ hạng 1, 9 chợ hạng 2 và 114 chợ hạng 3. Trong đó, có 15 chợ đã được chuyển đổi mô hình kinh doanh khai thác quản lý chợ từ Nhà nước sang tư nhân. Theo đánh giá của Sở Công Thương, các chợ đã được chuyển đổi hoạt động có hiệu quả nhất định, đặc biệt trong công tác tăng thu ngân sách và đầu tư sửa chữa hạ tầng chợ; công tác thu thuế đối với doanh nghiệp quản lý kinh doanh chợ và các hộ kinh doanh trong chợ thực hiện kịp thời theo đúng quy định của pháp luật. 
Ông Lê Công Bảo – Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Diên Khánh cho biết, khi chợ Thành (thị trấn Diên Khánh) còn do Nhà nước quản lý, hoạt động gặp nhiều khó khăn. Chợ thu không đủ bù chi. Hàng năm, huyện phải trích ngân sách cho công tác quản lý; tình hình an ninh trật tự, buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, lấn chiếm hành lang phòng cháy chữa cháy còn bất cập. Tuy nhiên, từ năm 2017, chợ Thành được Công ty TNHH một thành viên Đại An quản lý, khai thác đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Hiện nay, thu ngân sách từ chợ Thành đạt hơn 90 triệu đồng/năm. Ban quản lý chợ đã sắp xếp lại hành lang trong chợ để đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy; các hộ buôn bán lấn chiếm lòng lề đường trước đây cũng được ban quản lý sắp xếp lại nên có nhiều chuyển biến tích cực.
Chuyển đổi mô hình quản lý gần 10 năm nay, chợ Vĩnh Ngọc (TP. Nha trang) cũng mang lại nguồn thu 350 triệu đồng/năm cho ngân sách địa phương. Đơn vị quản lý cũng chủ động đầu tư sửa chữa một số hạng mục của chợ như: nhà vệ sinh, mái nhà lồng; thuê bảo vệ… để tiểu thương yên tâm buôn bán. 
Tuy góp phần tăng thu cho ngân sách địa phương sau khi chuyển đổi mô hình quản lý nhưng hiện nay, chợ Vĩnh Ngọc vẫn còn hạn chế trong việc sắp xếp lô sạp, buôn bán lấn chiếm lòng lề đường.
Tuy góp phần tăng thu cho ngân sách địa phương sau khi chuyển đổi mô hình quản lý nhưng hiện nay, chợ Vĩnh Ngọc vẫn còn hạn chế trong việc sắp xếp lô sạp, buôn bán lấn chiếm lòng lề đường.
Còn vướng mắc
Tuy đạt một số kết quả, nhưng hiện nay, tại một số chợ đã chuyển đổi mô hình quản lý vẫn còn một số vướng mắc như: đơn vị quản lý thực hiện chưa nghiêm túc phương án kinh doanh đã được chính quyền địa phương phê duyệt, chưa chú trọng công tác phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm…
Về các văn bản pháp luật trong công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, các hộ kinh doanh trong chợ cũng có một số bất cập so với thực tế. Vừa qua, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công Thương đã lấy ý kiến các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp quản lý kinh doanh chợ và các hộ kinh doanh trong chợ thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Theo lãnh đạo Sở Công Thương, hiện nay, Nghị định số 02 ngày 14-1-2003 của Chính phủ về quản lý và phát triển chợ và Nghị định số 114 ngày 23-12-2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02 có một số nội dung không còn phù hợp với thực tế và các luật, văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành khác có liên quan. Cụ thể, trong Nghị định 02 của Chính phủ chưa quy định rõ về: hình thức, thủ tục đầu tư xây dựng, quản lý kinh doanh khai thác chợ; các nội dung liên quan đến công tác quản lý về thực hiện nghĩa vụ về tài chính đối với Nhà nước theo các mô hình đầu tư xây dựng kinh doanh khai thác chợ và mô hình đấu thầu kinh doanh khai thác quản lý chợ. Ngoài ra, trong Nghị định 02 có những quy định liên quan đến quản lý chợ dựa vào các văn bản pháp luật khác nhưng đến nay, các văn bản này đã hết hiệu lực thi hành mà chưa có văn bản thay thế.
Nhằm có cơ sở pháp lý rõ hơn để triển khai công tác phát triển chợ được thuận lợi, Sở Công Thương đã tổng hợp những vấn đề còn bất cập đề nghị Bộ Công Thương xem xét, kiến nghị với Chính phủ ban hành nghị định mới quy định cụ thể các nội dung không còn phù hợp với thực tiễn.
MAI HOÀNG  

Theo: Báo Khánh Hòa