Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Chuyện cây Dầu Đôi ở ngã ba Thành

Gần đến ngã ba Thành (thị trấn Diên Khánh), từ xa đã thấy một cây hai nhánh cao, to sừng sững trường tồn với thời gian. Không chỉ gắn liền với lịch sử, câu chuyện cứu sống cây Dầu Đôi này còn đem lại cho người dân địa phương nhiều cảm xúc khó tả.


Không ai biết chính xác cây Dầu Đôi ở ngã ba Thành đã bao nhiêu tuổi, nhưng những cụ cao niên ở đây cho biết, từ khi sinh ra đã thấy cây Dầu Đôi to lớn như vậy. Đời ông, đời cha của các cụ cũng đã tồn tại cây Dầu Đôi này. Cây cao tới 30m, một bên tán vươn ra đường, một bên che bóng mát cho miếu thờ Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong – người lãnh đạo phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa chống thực dân Pháp vào những năm 1885 – 1886. Hỏi chuyện một số người lớn tuổi ở gần cây Dầu Đôi, ai cũng khẳng định: Miếu thờ Đại tướng Trịnh Phong được lập vào năm 1886, nhưng cây Dầu Đôi đã có rất lâu trước đó. Một số người ước tính cây Dầu Đôi đã có hơn 300 năm tuổi.



Cây Dầu Đôi có tuổi thọ hơn 300 tuổi.



Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2000, khi dự án mở rộng đường 23-10 được triển khai, cây Dầu Đôi được đem ra bàn bạc nên chặt đi để mở rộng đường, phục vụ phát triển giao thông. Lúc này, Công ty Công viên cây xanh và UBND huyện Diên Khánh tìm mọi cách để giữ cây lại. Sở Văn hóa – Thông tin (nay là Sở Văn hóa – Thể thao) thì chủ động gửi văn bản đề nghị các cơ quan chủ quản xem xét đưa ra phương án giữ cây Dầu Đôi. Ngay sau khi có ý kiến phản đối việc bỏ cây Dầu Đôi để mở rộng đường, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp bao gồm đại diện các sở, ban, ngành liên quan để bàn về vấn đề này. Sau cuộc họp, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải nghiên cứu giữ lại cây Dầu Đôi. Sở đã yêu cầu đơn vị tư vấn nghiên cứu và sửa lại bản thiết kế để giữ lại cây. Tuy nhiên, việc làm đường đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến “sức khỏe” của cây Dầu Đôi. Đơn vị thi công đã phải đào sâu xuống, cắt bỏ bớt phần rễ của cây, rồi đổ bê tông làm móng cho con đường. Chính việc đổ bê tông ở dưới đã làm ảnh hưởng rễ cây, rồi cây lại bị hun nóng bởi nhựa đường nên mấy năm sau cành lá héo úa, cây khô cằn và có nguy cơ chết dần.



Bia vinh danh cây di sản Việt Nam được dựng cạnh gốc cây Dầu Đôi.



Nhớ lại sự cố này, ông Trần Đức Thắng – nguyên Giám đốc Công ty Công viên cây xanh cho biết, UBND huyện Diên Khánh phát hiện có 2 nhánh cây rất lớn bị khô nên nhờ Công ty Công viên cây xanh hỗ trợ cắt bỏ. Sau khi cắt xong 2 nhánh cây chết, các kỹ sư phát hiện sức khỏe cây Dầu Đôi có vấn đề. Vì vậy, Công ty Công viên cây xanh tổ chức họp, tham khảo nhiều ý kiến của các kỹ sư, chuyên gia để đưa ra giải pháp tốt nhất. Một số cành cây có dấu hiệu khô héo đã được kỹ sư phun thuốc kích thích; sau đó lắp đặt hệ thống ống ngầm dưới gốc cây để bơm nước hòa lẫn dưỡng chất xuống rễ cây. Việc bơm nước, bón phân được thực hiện gần nửa năm thì cây bắt đầu hồi sinh. Sắc xanh cây Dầu Đôi bắt đầu trở lại. Người dân Diên Khánh vỡ òa niềm vui! Theo ông Thắng, thời điểm đó ít người nghĩ sẽ cứu được bởi cây Dầu Đôi đã quá già. Khi đó, huyện Diên Khánh đã đi mua một cây Dầu khác trồng trong khuôn viên miếu thờ Đại tướng Trịnh Phong để “dự phòng”, nếu lỡ cây Dầu Đôi cổ thụ chết thì cây kia thay thế.  


Với người dân Diên Khánh, cây Dầu Đôi như một hình ảnh thân thuộc. Bao thế hệ người dân Diên Khánh chọn cây Dầu Đôi là điểm hẹn quen thuộc. Những người nơi khác đến cũng lấy cây Dầu Đôi để “định vị” như một địa danh. Chị Nguyễn Ngọc Minh (quê thị trấn Diên Khánh, sống và làm việc ở TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Từ thời sinh viên, cứ mỗi lần đón xe đi TP. Hồ Chí Minh hoặc từ TP. Hồ Chí Minh về quê, tôi cứ nói với tài xế “đón ở cây Dầu Đôi”, “thả xuống cây Dầu Đôi”… Cây Dầu Đôi như một biểu tượng thân thuộc ở Diên Khánh mà hầu như ai cũng biết. Nhiều khi nói “cho tôi về Diên Khánh” họ không biết, nhưng nói “cho tôi về chỗ cây Dầu Đôi” thì họ định hình ra ngay”.


Dưới tán cây Dầu Đôi, nhiều người bán nước giải khát, chạy xe thồ mưu sinh nuôi sống cả gia đình. Anh Lê Văn Nam (chạy xe thồ hơn 20 năm nay) cho biết, đứng dưới cây Dầu Đôi dễ đón khách nhất, bởi ai cũng lấy cây làm điểm hẹn. Mỗi khi vắng khách, anh em tài xế lại quay về cây Dầu Đôi để được ngồi dưới tán cây rợp bóng mát.



Ngày 1-4-2016, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đã công nhận cây Dầu Đôi ở xã Diên An, huyện Diên Khánh là cây di sản Việt Nam. Ngay sau đó, một bia vinh danh cây Dầu Đôi đã được dựng cạnh gốc cây. Người dân nơi đây luôn coi cây Dầu Đôi là một biểu tượng, một hình ảnh thân thuộc, trở thành nỗi nhớ mỗi khi đi xa.


NHẬT THANH

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/ky-niem-370-nam-hinh-thanh-phat-trien-tinh-khanh-hoa/202303/chuyen-cay-dau-doi-o-nga-ba-thanh-8277761/