Khói thuốc lá không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của thai phụ mà còn gây nguy hiểm cho thai nhi. Theo các nhà nghiên cứu, phụ nữ mang thai dù hút thuốc lá trực tiếp hay hút thuốc bị động (ngửi phải khói thuốc) rất có thể dẫn đến thai chết lưu, sinh non, sinh con nhẹ cân, tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh…
Nhiều chất độc hại
Khói thuốc lá được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) liệt kê vào danh sách các chất gây ung thư loại 1. Trong khói thuốc có chứa đến 4.000 chất hóa học tác động xấu đến hệ thống thần kinh, mạch máu, nội tiết, đặc biệt có 2 chất (nicotine và carbon monoxide) ảnh hưởng đến bà mẹ và thai nhi.
Cùng với thuốc lá điếu truyền thống, hiện nay, nhiều bạn trẻ hay sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá không khói được sản xuất dưới hình thức thuốc hít, thuốc ngậm, thuốc lá hòa tan… Loại thuốc lá “công nghệ cao” này ít hay nhiều đều chứa nicotine và chúng cực kỳ gây nghiện. Thời gian tồn tại của khói thuốc trong không khí hơn 2 giờ, ngay cả khi không còn nhìn và ngửi thấy. Vì thế, những ai làm việc hoặc sống cùng người hút thuốc lá trực tiếp sẽ hít phải lượng khói thuốc tương đương với việc hút 5 điếu thuốc mỗi ngày. Khi mang thai, việc hít phải khói thuốc lá hay hút thuốc lá đều gây ra những ảnh hưởng không tốt đối với thai phụ. Do phụ nữ mang thai thường có sức đề kháng yếu hơn bình thường, nên khi hít phải khói thuốc lá dù là vô tình hay cố ý tiếp xúc, chất nicotine và các loại chất độc hại khác sẽ đi qua phổi vào trong máu và đưa trực tiếp đến thai nhi. Điều này có thể gây ra các nguy cơ thai nhi bị phát triển chậm; tăng nguy cơ sinh non; gây ra các tổn thương não và phổi cho thai nhi; tăng nguy cơ thai chết lưu, bị dị tật bẩm sinh…
Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính xác, nhiều bệnh viện trong nước, trong đó có Khoa Phụ sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã ghi nhận nhiều trường hợp phụ nữ mang thai bị biến chứng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới thai nhi do hút thuốc lá chủ động và thụ động.
Những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới trẻ
Bác sĩ Tôn Thất Toàn – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, theo các nghiên cứu trên thế giới, khi người mẹ hít phải nicotine và carbon monoxide có trong khói thuốc, chất carbon monoxide sẽ làm giảm cung cấp oxy đến mô, não và tất cả cơ quan, từ đó sẽ giảm lượng oxy đến nhau thai, còn chất nicotine làm co mạch máu, lượng máu lưu thông giảm. Do lượng ôxy và lượng máu người mẹ không đủ để nuôi em bé sẽ dẫn đến thai nhi bị ngạt. Khi bị ngạt do thiếu ôxy và máu, em bé phải cố gắng vận động nhiều để có đủ lượng máu nuôi đủ bản thân. Điều này khiến em bé mệt mỏi, dẫn đến sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non, nhẹ cân hơn so với những đứa trẻ bình thường khác. Nhẹ cân kéo dài khiến đầu em bé nhỏ, xương ngắn lại, còi cọc và suy dinh dưỡng. Tình trạng chậm phát triển sẽ dẫn đến thiếu nhận biết, ảnh hưởng đến thần kinh và cuộc sống sau này của trẻ.
Trẻ có mẹ hít phải thuốc lá chủ động hoặc thụ động quá nhiều từ người xung quanh sẽ có nguy cơ dị tật bẩm sinh tăng 2/3; tỷ lệ thai nhi bị chậm tăng trưởng tăng 3,4 đến 4,2 lần, cân nặng của trẻ giảm từ 170 đến 200gr. Ngoài ra, trong quá trình mang thai, người mẹ hút thuốc hay hít phải khói thuốc cũng làm tăng gấp 3 lần tỷ lệ chết sau khi bé sinh ra được 1,5 tháng; khả năng bị hen suyễn rất cao và theo thời gian cấu trúc thay đổi gen sẽ có nhiều bệnh ung thư tiềm ẩn. Nicotine trong khói thuốc có khả năng gây ra cơn co thắt trong ống dẫn trứng, nguy cơ mang thai ngoài tử cung của thai phụ tăng lên. Nhau thai có chức năng cung cấp ôxy và chất dinh dưỡng để nuôi sống thai nhi, khi hít phải khói thuốc nhiều, thai phụ có thể bị bong nhau thai hoặc nhau thai bị đứt, dẫn đến tình trạng chảy máu nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng cả mẹ và con…
Ngăn ngừa ảnh hưởng khói thuốc lá là việc làm cần thiết để bảo vệ sức khỏe của mẹ lẫn thai nhi. Vì thế, phụ nữ mang thai nên tránh đến những nơi đông người, biết nói không khi có người hút thuốc bên cạnh. Đồng thời, các thành viên trong gia đình cần chủ động loại bỏ khói thuốc khi trong nhà có phụ nữ mang thai.
C.Đan