Theo kế hoạch, toàn tỉnh phấn đấu có 58/94 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2020. Tuy nhiên, nhiệm vụ này đang đứng trước những thách thức lớn. Trước mắt, trong năm 2018, nguồn lực đầu tư cho các xã đăng ký đạt chuẩn NTM đang phải tạm ngừng để tập trung vào việc khắc phục hậu quả cơn bão số 12.

Năm 2017 là một năm đầy gian khó đối với Khánh Hòa. Cơn bão số 12 đã tác động đến hầu hết các lĩnh vực. Đối với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, việc đầu tư nguồn lực như thế nào trong năm 2018 đã được cân nhắc rất kỹ trong quá trình xây dựng kế hoạch vốn đầu tư. Hiện nay, tỉnh có 35 xã NTM. Để có thể đạt được 58 xã đạt chuẩn vào năm 2020, trong các năm 2018, 2019 và 2020, phải có thêm 23 xã đạt NTM. Nếu chia ra từng năm thì mỗi năm phải có ít nhất 7 – 8 xã đạt NTM.

Vườn rau sạch của một hộ ở xã Ninh Thân.

Vườn rau sạch của một hộ ở xã Ninh Thân.

Trước những khó khăn về nguồn lực, cuối năm 2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan thường trực chương trình NTM đề xuất sẽ xây dựng 4 xã đạt chuẩn trong năm 2018. Trong cuộc họp giữa UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan về chương trình NTM diễn ra tháng 10-2017, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu đơn vị tham mưu xây dựng kế hoạch năm 2018 phải có ít nhất 6 xã đăng ký đạt chuẩn. Trên cơ sở rà soát bổ sung của các địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất UBND tỉnh 6 xã đăng ký đạt chuẩn với nhu cầu vốn đầu tư cấp tỉnh hỗ trợ gần 47,5 tỷ đồng.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Tuy nhiên, qua tính toán nguồn lực đầu tư và kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 – 2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nguồn vốn xây dựng NTM 2018 chỉ có thể chủ động cân đối được cho 3 xã cần vốn đầu tư cấp tỉnh ít nhất (khoảng 18 tỷ đồng). Vì vậy, Sở Kế hoạch – Đầu tư đề xuất chỉ xây dựng 3 xã NTM trong năm 2018 gồm: Ninh Thân (thị xã Ninh Hòa), Diên Thạnh (huyện Diên Khánh) và Vạn Bình (huyện Vạn Ninh). 3 xã còn lại là: Ninh Sim, Ninh Vân (Ninh Hòa) và Cam An Bắc (huyện Cam Lâm) tùy thuộc vào nguồn thu ngân sách có thể bổ sung sau.

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn về vốn đầu tư, UBND tỉnh vẫn muốn dành tối đa nguồn lực cho các chương trình phát triển kinh tế – xã hội nói chung, trong đó có các chương trình trọng điểm của tỉnh như: NTM, kinh tế – xã hội miền núi, phát triển nhân lực, nước sạch nông thôn, Chương trình 135… Tuy nhiên, cơn bão số 12 đổ bộ vào Khánh Hòa tiếp tục tạo thêm vô vàn khó khăn trong việc cân đối ngân sách để thực hiện các chương trình này. Vì thế, trong cuộc họp vào trung tuần tháng 1-2018 để rà soát kế hoạch đầu tư công trung hạn 2018 và danh mục dự án sử dụng nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020, qua thảo luận, đồng chí Lê Đức Vinh – Chủ tịch UBND tỉnh kết luận: Để tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả cơn bão số 12, sớm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đồng ý chủ trương chưa giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2018 đối với 9 dự án khởi công mới sử dụng toàn bộ vốn ngân sách tỉnh; tạm dừng triển khai đối với các dự án khởi công mới thuộc các chương trình: nước sạch nông thôn, xây dựng NTM, phát triển nhân lực, phát triển kinh tế – xã hội miền núi, Chương trình 135 sử dụng vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ. Căn cứ vào tình hình thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2018 và đánh giá, dự báo thu ngân sách nhà nước năm 2018, các sở, ngành liên quan sẽ tham mưu UBND tỉnh xem xét quyết định đối với từng dự án cụ thể.

Theo cơ quan chức năng, hiện nay, các xã tập trung khắc phục hậu quả cơn bão số 12, trong đó bao gồm khôi phục sản xuất và cơ sở hạ tầng. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là phấn đấu duy trì các tiêu chí đã đạt, tập trung đẩy mạnh việc thực hiện đối với các tiêu chí cần ít nguồn lực hơn. Bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền các cấp, sự tham gia tích cực của người dân cũng là yếu tố quan trọng nhằm sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này.

H.Đăng

Theo: Báo Khánh Hòa