Một mô hình mới về liên kết giữa tổ chức đại diện cho người trồng mía và doanh nghiệp sản xuất đường được xây dựng. Tuy nhiên, người dân chưa thấy được sự khác biệt của mô hình mới so với hợp đồng liên kết doanh nghiệp – nông dân từ trước tới nay. Vì vậy, chuỗi liên kết ấy đã không thành.
Mô hình liên kết mới
Nhiều năm qua, giữa người trồng mía và các công ty sản xuất đường luôn có sự liên kết chặt chẽ thông qua hợp đồng kinh tế được thực hiện hàng năm. Cụ thể, vào đầu mỗi vụ, công ty đường (Cam Ranh và Ninh Hòa) cùng với nông dân trồng mía bàn bạc, thương thảo hợp đồng về hỗ trợ đầu tư, chăm sóc, thu hoạch, bao tiêu sản phẩm, bảo hiểm giá cả…
Cuối năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) triển khai thí điểm mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp – hợp tác xã (HTX) – hộ nông dân. Khánh Hòa được chọn thí điểm mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ mía đường. Khác biệt của mô hình này so với các bản hợp đồng nói trên, là các nhà máy đường sẽ đứng ra thương thảo với các HTX thay vì ký kết với từng hộ nông dân như trước đây. Diện tích sản xuất để liên kết cũng khá cao, mỗi HTX phải đáp ứng ít nhất 200ha.
Khi hình thành được liên kết, phía doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản lượng mía của HTX, tiến hành hỗ trợ vốn, máy móc, giống mía… Người trồng mía được cho là sẽ kéo giảm giá thành sản xuất do đã đứng trong mô hình cánh đồng lớn, các chi phí sản xuất sẽ giảm thiểu so với sản xuất đơn lẻ. Ngoài ra, cánh đồng lớn cũng giúp việc cơ giới hóa trong tất cả các khâu diễn ra sâu rộng hơn, được ưu tiên thu hoạch khi đến vụ.
Về phía doanh nghiệp tiêu thụ mía, chi phí cũng sẽ giảm khi không còn phải đến từng hộ dân để ký hợp đồng, mà chỉ cần thương thảo với tổ chức đại diện của nông dân là HTX, một kênh liên kết được cho là phù hợp hơn vì đó là mối liên kết ngang hàng giữa doanh nghiệp – HTX.
Chưa thấy sự khác biệt
Triển khai kế hoạch này tại Khánh Hòa, Công ty Cổ phần Đường Việt Nam (Vietsugar) là doanh nghiệp đăng ký tham gia chuỗi liên kết. Sở NN-PTNT cùng với các địa phương thống nhất chọn xã Ninh Tân (Ninh Hòa) có diện tích 200ha của 30 hộ trồng mía và xã Diên Đồng (Diên Khánh) với diện tích 285ha của 44 hộ nông dân triển khai thí điểm mô hình. 2 HTX trồng mía của 2 xã này cũng được thành lập để thay mặt nông dân thương thảo các hạng mục liên kết với doanh nghiệp.
Theo Sở NN-PTNT, qua quá trình triển khai, bản dự thảo “hợp đồng đầu tư – nhận vốn đầu tư trồng mía và mua bán mía nguyên liệu” mà Vietsugar và HTX tiến hành thương thảo được các nông dân đánh giá là không có tính mới và đột phá. Các nội dung hỗ trợ, đầu tư phía doanh nghiệp đưa ra không khác biệt nhiều so với các hợp đồng kinh tế mà nông dân đã ký kết với các nhà máy đường từ trước đến nay. Các thành viên HTX cũng như HTX không được Vietsugar đảm bảo quyền lợi khác biệt khi tham gia liên kết. Ngoài ra, HTX là một tổ chức kinh tế, là chủ thể trực tiếp ký hợp đồng mua bán mía nguyên liệu với Vietsugar nhưng không được hưởng giá chênh lệch khi thực hiện giao dịch giữa 2 bên.
Bên cạnh đó, theo cơ quan chuyên môn, mối liên kết này được xây dựng trong bối cảnh 3 năm qua, cây mía đường luôn ở trong cảnh khó khăn do giảm mạnh về năng suất cũng như giá thu mua mía. Hầu hết người trồng mía đều không có lãi, thua lỗ và phần lớn trong số đó đã bỏ lơ cây mía, những hộ khấm khá hơn đã mạnh dạn chuyển sang cây trồng khác.
Theo Sở NN-PTNT, mục tiêu của kế hoạch xây dựng mối liên kết doanh nghiệp – HTX – nông dân là một trong những hướng liên kết nhằm hình thành nên các HTX nông nghiệp phát triển bền vững. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai, trước những khó khăn, khúc mắc kể trên, đa số các thành viên HTX đều không muốn tiếp tục tham gia chuỗi liên kết, sản xuất, tiêu thụ mía đường. Vì vậy, sở đã có công văn báo cáo Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NN-PTNT) cho phép dừng kế hoạch xây dựng triển khai thí điểm chuỗi liên kết này.
Hồng Đăng
Theo: Báo Khánh Hòa