Các địa phương trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đang tích cực chuẩn bị cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN). Nỗi lo thường trực của địa phương là tình trạng lũ quét, sạt lở đất gây chia cắt trong mùa mưa lũ.
Nỗi lo thường trực
Cứ mỗi mùa mưa bão đến gần, gia đình ông Mấu Xuân Nếu ở thôn Tha Mang (xã Ba Cụm Bắc) lại đối diện với nỗi lo nhà ở, đất canh tác bị sạt lở xuống sông Tô Hạp. Sau mấy mùa mưa gần đây, bờ sông đã lở vào sát căn nhà sau của gia đình ông. “Sông Tô Hạp biến đổi dòng chảy, nước xiết đổ dồn về khu dân cư nên phía sau nhà chúng tôi thường xuyên bị sạt lở, bờ sông đã mấp mé nhà sau. Nguy cơ sông Tô Hạp uy hiếp khu dân cư, trong năm 2019, huyện đã đầu tư tuyến kè chống sạt lở khu dân cư đoạn từ cầu A Thi đến Trường Mầm non Sao Mai. Hiện nay, nhiều cụm dân cư từ Trường Mầm non Sao Mai về phía thượng nguồn cũng bị sạt lở nhưng chưa làm kè, chúng tôi rất lo lắng”, ông Nếu cho biết. Không chỉ đất ở bị sạt lở, gia đình ông Nếu còn có một phần diện tích đất sản xuất cạnh sông, ông dự định mua cây ăn quả về trồng nhưng sau mấy cơn mưa lớn trong tháng 9 vừa qua, hơn 2 sào đất của gia đình ông đã bị sạt xuống sông.
Tại xã Sơn Bình có hàng chục điểm sạt lở dọc theo sông Tô Hạp, gây mất đất sản xuất của người dân, uy hiếp an toàn một số khu dân cư ven sông. Qua rà soát, địa phương xác định có 3 công trình thủy lợi, 4 công trình giao thông có nguy cơ bị sạt lở, chia cắt. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 12 hộ với 58 nhân khẩu sinh sống ven sông, suối ở các thôn: Liên Hòa, Liên Bình, Xóm Cỏ, Ko Lăk có nguy cơ sạt lở cao cần di dời.
Ông Nguyễn Ngọc Hiếu – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Khánh Sơn cho biết, mặc dù nhiều tuyến kè chống sạt lở đất sản xuất, khu dân cư, công trình giao thông xung yếu đã được đầu tư xây dựng nhưng với địa hình đồi núi, độ dốc lớn, mỗi khi mưa lũ tràn về, các địa phương trên địa bàn đều rất dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Chỉ tính riêng sông Tô Hạp, liên tục những năm qua, từ thượng nguồn đến tận hạ nguồn bị sạt lở nghiêm trọng; riêng mùa mưa lũ năm 2018, toàn huyện đã mất 150.000m2 đất do sạt lở. Mùa mưa lũ năm nay, 2 nỗi lo thường trực của huyện vẫn là lũ quét và sạt lở đất gây chia cắt.
Chủ động kiểm tra, rà soát
Bước vào mùa mưa năm nay, huyện Khánh Sơn xác định trên địa bàn có nhiều khu vực đối diện với nguy hiểm. Cụ thể, khu vực 2 bên bờ sông Tô Hạp các đoạn: Thị trấn Tô Hạp – Sơn Trung, Sơn Trung – Ba Cụm Bắc, Sơn Trung – Sơn Hiệp; các cầu tràn: Huyện đội (thị trấn Tô Hạp), đập Koranóa, suối Sóc (Sơn Bình), Sơn Lâm (xã Sơn Lâm), thôn 4 (xã Thành Sơn) thường xuyên bị ngập sâu. Các tuyến đường giao thông có nguy cơ sạt lở cao như: Đường đèo Tỉnh lộ 9 lên Khánh Sơn, đỉnh đèo đi xã Ba Cụm Nam, thị trấn Tô Hạp đi xã Sơn Hiệp, Sơn Hiệp đi Sơn Bình, Sơn Lâm đi Thành Sơn. Ngoài ra, toàn huyện có hàng trăm hộ sinh sống ở những khu vực nguy hiểm cần được di dời khi có mưa lũ lớn xảy ra.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hiếu, để chủ động ứng phó với mưa bão, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các đơn vị tập trung xây dựng phương án PCTT-TKCN theo phương châm 4 tại chỗ, sát với tình hình thực tế. Các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát những khu vực trọng yếu dễ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, sẵn sàng phương án di dời người dân đến nơi an toàn, nhất là các hộ có nhà cửa dễ bị ảnh hưởng, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn. Để giảm thiểu chia cắt giao thông, nhất là những địa bàn xung yếu, huyện và ngành chức năng đã kiểm tra, duy tu, sửa chữa các công trình giao thông, nhất là hệ thống cầu, cống, tràn. Các công trình thủy lợi, hệ thống đường ống nước sạch cũng được sửa chữa trước mùa mưa lũ năm nay…
Là địa bàn dễ bị chia cắt một khi tuyến đường đèo Tỉnh lộ 9 bị sạt lở, UBND huyện Khánh Sơn đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ Thương mại huyện tiến hành dự trữ tại tất cả 7 cửa hàng trên địa bàn các loại hàng hóa thiết yếu như: Gạo, mì ăn liền, dầu ăn, bột ngọt, nước mắm, nước khoáng đóng chai, đường, sữa, nến… với tổng trị giá hơn 500 triệu đồng. Ngành Y tế cũng chủ động chuẩn bị các trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế để phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân trong trường hợp bị chia cắt… Huyện đã cấp phát về các địa phương những phương tiện PCTT-TKCN gồm: 50 áo phao, 50 phao tròn, 2 bè cứu sinh, 1.000m dây thừng, 6 nhà bạt, 16.200 bao đựng cát.
Những ngày này, đoàn kiểm tra của UBND huyện Khánh Sơn đã bắt đầu kiểm tra công tác PCTT-TKCN của các địa phương, đơn vị trên địa bàn nhằm chuẩn bị tốt nhất cho việc ứng phó với các tình huống xấu do thời tiết cực đoan gây ra.
HẢI LĂNG
Theo: Báo Khánh Hòa