Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có nhiều vị trí sạt lở và có nguy cơ sạt lở ở bờ sông, bờ biển. Nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, chủ động phòng ngừa sạt lở, tháng 9-2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.
Nhiều vị trí bị sạt lở
Theo ông Nguyễn Duy Quang – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Khánh Hòa có địa hình thấp dần từ tây sang đông, các sông, suối có đặc điểm là ngắn và có độ dốc lớn. Khi xuất hiện những trận mưa lớn thường gây ra hiện tượng lũ trên các sông, mực nước lũ lên nhanh, chảy xiết, gây sạt lở 2 bên bờ sông, suối. Trong điều kiện mưa lớn thường kèm theo gió giật, khiến sóng biển dâng cao, gây sạt trượt nhiều khu vực bờ biển trên địa bàn tỉnh. Đơn cử vào tháng 11-2021, 2 đợt mưa lớn với lượng mưa 200-300mm/đợt đã làm hơn 10km kè biển, bờ sông, bờ suối trên địa bàn tỉnh bị sạt lở, trong đó có một số điểm sạt lở nằm gần khu dân cư, công trình công cộng.
Trên địa bàn tỉnh liên tiếp những năm gần đây đều xuất hiện các trận mưa lớn bất thường. Với địa hình có độ dốc lớn, khi xảy ra mưa lớn bất thường sẽ làm tăng nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển. Khu vực ven sông, ven biển lại là những nơi có dân cư đông đúc, trong trường hợp xảy ra sạt lở sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, công trình, tài sản của người dân. Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố có hơn 110 vị trí ven sông, suối và bờ biển bị sạt lở cần được khắc phục, gia cố.
Sẽ di dời người dân khỏi vùng có nguy cơ sạt lở
Theo kế hoạch, đến năm 2023, tỉnh sẽ hoàn thành việc điều tra, đánh giá, cập nhật cơ sở dữ liệu về sạt lở bờ sông, bờ biển, đưa ra được các bản đồ về hiện trạng sạt lở, công trình phòng, chống sạt lở trên địa bàn tỉnh. Các khu dân cư ven sông, ven biển ở vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đều được cảnh báo kịp thời và được hướng dẫn kỹ năng ứng phó khi xảy ra sạt lở.
Đến năm 2025, các điểm, khu vực trọng điểm về sạt lở, ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, hệ thống đê điều, cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng ven sông, ven biển phải được xử lý triệt để. Đến năm 2030, cùng với quản lý chặt việc xây dựng công trình, nhà cửa khu vực ven sông, ven biển, tỉnh sẽ di dời toàn bộ các hộ dân ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đến nơi ở mới, an toàn.
Để thực hiện các mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ di dời dân cư khỏi khu vực sạt lở và khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở gắn với bảo đảm sinh kế, ổn định đời sống của người dân; thực hiện các hoạt động điều tra cơ bản về sạt lở, dân cư và công trình hạ tầng ven sông, ven biển, thực trạng khai thác cát, sỏi và các yếu tố thủy văn, hải văn có tác động đến sạt lở bờ sông, bờ biển.
Bên cạnh đó, tỉnh thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân, cơ quan, tổ chức về phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; xây dựng hệ thống quan trắc, theo dõi, giám sát diễn biến sạt lở, đồng thời với chỉnh trị các dòng sông nhằm ổn định dòng chảy, hình thái bờ sông, bờ biển tại các khu vực trọng điểm, vùng cửa sông, ven biển có hiện tượng bồi, xói phức tạp. Cùng với đó, tăng cường bảo vệ, khôi phục các cánh rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ven biển; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ phòng, chống sạt lở.
Trong 110 vị trí bị sạt lở cần được khắc phục, gia cố, tỉnh đã bố trí hơn 1.420 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 83 công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển bảo vệ khu dân cư trên toàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025; dự kiến bố trí hơn 1.657 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 27 công trình trong giai đoạn 2022 – 2025, đến năm 2030. Riêng đối với danh mục 100 vị trí sạt lở do các địa phương mới thống kê, đề xuất gia cố, khắc phục, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương để kiểm tra, rà soát, đánh giá và đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định đầu tư.
|
Hồng Đăng